“Ngạt thở” vì bà chị chồng tai quái

Trang My,
Chia sẻ

Lắm hôm vừa hì hục tay xách, nách mang được mấy túi thức ăn vào nhà thì tiếng chị chồng đã đập vào tai: “Nó quen thói chảnh chọe của con nhà giàu, làm gì cũng không biết tiết kiệm...".

Cưới chồng. Chị Dung hơi giật mình khi nghĩ đến bà chị chồng ngấp nghé bước sang tuổi 37 nhưng vẫn chưa lấy chồng và kiên quyết ở giá với tuyên ngôn: “Phụng dưỡng bố mẹ và điều trị em dâu”. Mặc dù đã xác định gặp phải đối tượng đáng gờm “giặc bên Ngô” như bà chị chồng tương lai nhưng Dung vẫn không ngờ cuộc sống sau hôn nhân của chị lại điêu đứng đến mức như thế.

Phức tạp là điều khó tránh khỏi, nghĩ vậy nên mọi chuyện từ trên xuống dưới dù đúng, dù sai, Dung vẫn cố nén chịu. Có lúc Dung thấy phục mình vì sức chịu đựng của mình thật đáng kinh ngạc. Nếu là trước đây, với tính khí sồn sồn, thấy chướng tai, gai mắt là Dung không nể nang phân ngôi thứ nói thẳng luôn rồi muốn ra sao thì ra. Nhưng từ khi về làm dâu, tính Dung đằm hẳn, không phải vì sợ mà vì chị tôn trọng bố mẹ chồng, không muốn nhà cửa ầm ỏm vì tiếng chị chồng, em dâu. Ngặt nỗi, Hoa – chị chồng Dung dường như được đà càng tỏ ra hách dịch. Bao nhiêu việc nhà, Hoa bỏ mặc cho Dung lo liệu, còn mình rảnh rang ngồi vắt chân lên ghế đọc báo, xem tivi.
 

Nhiều hôm thấy vợ sáng quần quật lo việc đằng sáng, chiều lao tâm khổ tứ phục dịch đằng chiều, chồng Dung đánh tiếng với chị thì lập tức nghe những lời chát chúa: “À! Lâu nay tao phục vụ cả cái nhà này thì mày không xót, không thương. Nay vợ mày vừa làm tí việc, mày đứt ruột, đau tim chứ gì?! Nó là con dâu, việc thu vén, lo liệu nhà chồng là đương nhiên. Tao chưa hành hạ cho là may lắm đấy”. Cứ nghe câu “chưa hành hạ” của chị chồng là Dung lại thấy ấm ức, dường như với chị chồng mức độ tính toán so đo, soi mói từng ly từng tý chưa đủ để gọi là hành hạ!

Việc nhà làm bao nhiêu cũng không sao vì ngay từ đầu Dung đã xác định, phận làm dâu con, đảm nhận việc nhà cũng là tất yếu. Tuy nhiên chị chồng Dung không những không động viên mà luôn tìm mọi cách để chê bai, dè bỉu. Lau nhà và quét dọn bàn ghế, còn chưa ráo nước, chị chồng đã thùi lũi sau lưng, đưa ngón tay trỏ lên quệt một đường dài, phủi tay rồi sẵng giọng: “Chỉ tổ tốn nước, bụi thì đang chất núi lên. Kiểu này tôi phải đi thuê một đứa chuyên lau dọn về cho nó sạch sẽ chứ cứ thế này thì ngồi uống nước đến ho lao vì bụi”.
 

Cơm trưa, cơm chiều, một mình Dung lụi hụi từ khâu đi chợ, nhặt rửa, chế biến đến nấu nướng, dọn bàn, rửa bát… Kiểu gì thì kiểu trong lúc mọi người vừa đông đủ ngồi vào bàn ăn, Hoa cũng là người nếm thử đầu tiên và đánh giá: “Canh gì mà mặn thế”; “Đây mà là rau xào ư?”; “Thịt kho thế này chưa đúng vị”…  Lắm hôm vừa hì hục tay xách, nách mang được mấy túi thức ăn vào nhà thì tiếng chị chồng đã đập vào tai: “Nó quen thói chảnh chọe của con nhà giàu, làm gì cũng không biết tiết kiệm, về làm dâu từ ngày đến giờ chưa làm được việc gì ra hồn” hoặc “Đấy, dâu con nhà người ta thì chịu thương chịu khó, đằng này làm tí việc là thở than với chồng. Không dạy là bất trị thôi”… Nghe thấy những lời nói quá đáng của chị chồng, Dung ứa nước mắt.
 
Đành rằng nếu cô không ra gì, không kính trên nhường dưới, hoang phí vô độ, lười biếng công việc. Đằng này từ sáng tới tối ngoài lúc ở cơ quan, không lúc nào là cô không ngơi tay. Thức ăn thừa cất vào tủ lạnh, hết ngày này đến ngày kia, một mình Dung cố ăn cho hết, nếu lỡ thức ăn có mùi, đổ đi mà để chị chồng nhìn thấy thì y như rằng cả buổi hôm đó, Dung: “Nhà giàu quá rồi nhỉ? Ra đường lúc nào không hay đâu mà hoang phí. Sẵn tiền của cái nhà này, mua cho lắm vào rồi đổ đi. Cô định phá tan cái nhà này mới hả hay sao?”. Trong khi thực tế Hoa vay tiền của hai vợ chồng lần nào thì “quên trả” luôn lần ấy. Tiền sinh hoạt, ăn uống hàng tháng thì lần lữa bảo chuyển từ khoản nọ sang khoản kia, nào là “tôi sẽ thanh toán tiền điện, tiền vệ sinh, tiền nước…” cuối cùng những khoản ấy vẫn đến tay Dung thanh toán. Ấy vậy mà chưa bao giờ chị biết ngượng miệng, ngược lại Dung vẫn bị nói không ra gì.
 
 
Nhiều lần, thấy đồ của Dung nhiều, lại toàn đồ tốt, đắt tiền, Hoa tiện tay mượn mà không hỏi câu nào. Cứ thích là dùng, dùng từ mỹ phẩm đến váy áo, phụ kiện. Lúc cần đến Dung không dám hỏi vì Dung còn nhớ như in câu mắng xa xả của chị chồng khi cô đòi lại thỏi son mà chồng mua tặng: “Thật là gớm giếc, tham lam quá đỗi. Thỏi son có đáng bao nhiêu mà phải đòi dai như đỉa đói thế?”. Rồi mang chuyện, biến hóa, thêm thắt, chị chồng đi bêu riếu Dung với cả họ hàng, những người quen biết rằng: “Nhà tôi khéo kén, kén được cô em dâu tựu đủ 3 đức tính lười, vụng, tham lam”. Chuyện đến tai, Dung chỉ biết lẳng lặng nghe và thở dài chịu đựng.

Cơ hội trổ tài cho các bạn nấu ăn ngon chụp ảnh đẹp đây: click vào GIA ĐÌNH KHEN NGON để xem thể lệ dự thi và xuýt xoa với giải thưởng nào!!!

Chia sẻ