Món canh "quốc dân" của người Việt gây bất ngờ vì cực giàu dinh dưỡng: 3 KHÔNG khi ăn để tránh rước bệnh
Không phải ai cũng biết món canh đơn giản, dân dã này lại giàu dinh dưỡng đến thế.
Nội dung chính
- Canh cua được coi là món canh "quốc dân" của người Việt với giá trị dinh dưỡng cao.
- Tuy nhiên, khi ăn canh cua cần lưu ý 3 điều để không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Canh cua là món ăn dân dã, được rất nhiều người Việt ưa chuộng. Đây là món ăn phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau. Đặc biệt, canh cua là món ăn có giá trị dinh dưỡng rất cao nhờ vào hàm lượng dinh dưỡng tốt bất ngờ trong cua đồng.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 100g cua đồng bỏ mai và yếm có 74,4g nước; 12,3g protein; 3,3g lipid; 2g glucid; 89g calo. Lượng vitamin và muối khoáng, đặc biệt là canxi, trong 100g cua đồng rất cao, với 5.040mg canxi; 430mg phốt pho; 4,7mg sắt; và rất nhiều các loại vitamin B1, B2, PP…
Chất đạm trong cua có 8/10 axit amin cần thiết, tốt cho sức khỏe, gồm lysine, methionie, valine, leucin, isoleucien, phenylalanine, threonine và tryptophane.
Mặc dù là món ăn giàu dinh dưỡng nhưng việc sơ chế, chế biến, nấu canh cua không đúng cách có thể gây ra ngộ độc. Điển hình là vào năm 2023, một gia đình 4 người tại Hà Nội đã phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn bữa tối có món canh cua. Cả 4 người cùng có triệu chứng ngộ độc gồm đau bụng, nôn, tiêu chảy…
Theo các chuyên gia, khi ăn canh cua, mọi người cần lưu ý 3 điều sau đây để không ảnh hưởng tới sức khỏe:
1. Không dùng canh cua chưa được nấu chín
PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, cua là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Do vậy nếu không được chế biến, nấu đúng cách, món canh này có thể gây ngộ độc cho người ăn.
Vị chuyên gia dinh dưỡng lưu ý khi ăn cua, mọi người nên nấu chín kỹ, tuyệt đối không ăn cua chưa được nấu chín (như gỏi cua) vì nguy cơ ngộ độc là rất cao.
Theo các chuyên gia ký sinh trùng, cua đồng sống hay chưa được nấu chín kỹ có thể chứa sán lá phổi. Loại ký sinh trùng này khi vào tới ruột người sẽ gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy... Khi ký sinh ở phổi, chúng có thể gây ra các triệu chứng như ho, đau tức ngực, khó thở, nóng sốt, nổi mề đay... Bệnh sán lá phổi có liên quan mật thiết với tập quán ăn cua, tôm chưa nấu chín hoặc ăn sống (gỏi cua, uống nước cua sống…).
2. Không nên ăn quá nhiều
Theo PGS Niêm, giá trị dinh dưỡng của canh cua là rất cao, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, người dân không nên ăn quá nhiều canh cua vì điều này có thể làm giảm việc tiêu thụ các thực phẩm khác trong bữa ăn. PGS Niêm cho rằng người dân cần đảm bảo ăn một bữa ăn cân đối với đầy đủ các nhóm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
3. Không ăn khi bị dị ứng
PGS Niêm cho biết những người bị dị ứng cua đồng cần tránh không ăn món này. Nếu cố tình ăn có thể dẫn tới các triệu chứng như phù nề, mề đay. Nếu gặp các triệu chứng này, cần đi khám ngay vì đó có thể là biểu hiện của dị ứng.
Theo Đông y, cua có tính hàn nên ăn vào dễ bị rối loạn tiêu hóa. Do đó, những người bị tiêu chảy tuyệt đối không nên ăn cua đồng. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn khi sử dụng canh cua, khi mua cua mọi người nên chọn từng con, loại bỏ những con đã chết. Nên mua cua còn sống thay vì cua đã được xay sẵn để đảm bảo an toàn thực phẩm.