Món “bánh mì cuộn” mới xuất hiện của chuỗi siêu thị Mỹ khiến dân mạng phẫn nộ, bị chỉ trích vì “phá hủy” bánh mì Việt Nam truyền thống
Lại thêm một lần các món Việt bị người nước ngoài biến tấu, gây xôn xao dư luận.
Dù không phải ai cũng tường tận những câu chuyện về nguồn gốc của bánh mì, nhưng đa số người dân trên thế giới đều sẽ biết món ăn này là một đặc sản nức tiếng của Việt Nam. Bánh mì Việt đã nổi tiếng trên toàn cầu tới mức từ “bánh mì"- (banh mi /ˈbɑːn miː/) đã được chính thức thêm vào từ điển Oxford từ năm 2011. Đến với dải đất hình chữ S, gần như du khách nào cũng phải thưởng thức bánh mì, các trang báo chí, truyền hình nước ngoài cũng liên tục vinh danh, xếp hạng bánh mì trong những BXH ẩm thực uy tín…
Bánh mì Việt Nam là món ăn nổi tiếng toàn cầu.
Nổi tiếng là thế, nên bánh mì cũng được bán ở nước ngoài rất rộng rãi, với nhiều sự cải tiến để phù hợp với nhu cầu và khẩu vị của người bản địa. Tuy nhiên việc thay đổi công thức các món đặc sản quốc tế như bánh mì vẫn luôn gây tranh cãi từ lâu.
Mới đây, món bánh mì Việt Nam đã xuất hiện một phiên bản được “biến hóa” tại Mỹ khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, mỗi chuỗi siêu thị lớn ở Mỹ đã cho ra mắt món “bánh mì cuộn” (banh mi wrap), trên bao bì ghi rõ “Vietnamese banh mi wrap” (bánh mì Việt Nam) nhưng hình dáng và nguyên liệu lại khác hoàn toàn.
Hình ảnh được đăng tải trong một nhóm cộng đồng người châu Á hơn 1,8 triệu thành viên, thu hút đông đảo bình luận tranh cãi, phẫn nộ. Nguồn: Mya Ngo/ subtle asian traits.
Điều khiến dân tình phẫn nộ nhất chính là cách chế biến, tạo hình của món bánh mì này. Phần vỏ bánh rất mỏng, lại được cuộn thành hình bầu dục, bọc lấy phần nhân bên trong. Phần nhân thì lại được mô tả gồm cà rốt muối chua, đậu phụ và gạo lứt.
Chiếc “bánh mì Việt Nam” đang gây tranh cãi của chuỗi siêu thị Mỹ.
Bài viết về phiên bản bánh mì này đã thu hút hơn 4 nghìn bình luận của các thành viên, đa số đều bày tỏ sự bất bình, thậm chí còn chỉ trích thậm tệ:
- "Riêng từ hình dáng đã thấy không giống bánh mì rồi, chứ đừng nói là nhân".
- "Cái gì đây? Hãy trả lại bánh mì Việt Nam truyền thống cho tôi".
- "Ai lại bỏ đậu phụ và gạo lứt vào bánh mì?".
- "Họ đang phá huỷ bánh mì!".
Sự thay đổi để hợp với nhu cầu và khẩu vị của người bản địa là việc có thể hiểu và đáng khuyến khích. Nhưng đến mức “biến hóa” cả một món ăn nổi tiếng như bánh mì đến nỗi không nhận ra thì lại là chuyện khác. Như phiên bản “bánh mì cuộn” này, thật khó để những fan bánh mì Việt Nam cảm thấy hài lòng.