Mờ ảo 'bùa yêu': Khi nào bùa ngải hết 'linh nghiệm'?
Chuyên gia nói dân trí tăng, bùa chú càng ít “linh nghiệm” và chế tác, sử dụng bùa để thực hành văn hóa truyền thống, không vì mục đích mờ ám, thì “chấp nhận được”.
Để có cơ sở khoa học nhìn nhận chuyện bùa ngải, bùa yêu, phóng viên VTC ghi nhận ý kiến của một số người.
Bùa chú hết linh
Theo ông Trần Văn Giang, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Sơn, Phú Thọ, chuyện làm bùa chú, bùa yêu là một hủ tục, một hiện tượng mê tín dị đoan cần phải xóa bỏ. Ông Giang nói: “Chúng tôi khuyến khích cộng đồng duy trì, phát triển những phong tục tập quán văn minh, lành mạnh. Còn những hủ tục thì phải nghiêm cấm”.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng, cần nhìn nhận chuyện bùa yêu ở nước ta theo hai giai đoạn: Trước và sau cách mạng tháng Tám.
Theo ông Sơn, trước cách mạng, nhiều người tin vào bùa yêu, tin rằng có bùa yêu, và đó là lý do bùa yêu “linh nghiệm”. Sau Cách mạng tháng Tám đến nay, dân trí ngày càng tăng dẫn đến việc bùa “hết linh”, “bùa bị giải”, đặc biệt ở những thành phố lớn, nơi có dân trí cao hơn các vùng khác.
Tuy nhiên, ông Trần Hữu Sơn cho rằng nếu nói bùa yêu không có cơ sở là không hoàn toàn chính xác. Bởi việc này liên quan đến cơ chế cảm xúc, cơ chế tâm lý của con người. Ông Sơn lấy ví dụ: Khi ai đó liên tục nghĩ về một người khác giới nào đó thì sẽ xuất hiện tâm lý như “bị bỏ bùa”, và sau đó là những hành vi khác thường.
Hoặc giả anh A không hề hay biết mình có “bị bỏ bùa” hay không, nhưng nghe một người, hai người, rồi nhiều người nói anh ta bị bỏ bùa, thì hiện tượng “tự kỷ ám thị” có thể xảy ra và đến một lúc nào đó, anh A cũng có suy nghĩ hay cảm giác mình “bị bỏ bùa”.
Khi ai đó liên tục nghĩ về một người khác giới nào đó thì sẽ xuất hiện tâm lý như bị bỏ bùa, và sau đó là những hành vi khác thường. Hoặc giả anh A không hề hay biết mình có bị bỏ bùa hay không, nhưng nghe một người, hai người, rồi nhiều người nói anh ta bị bỏ bùa, thì hiện tượng tự kỷ ám thị có thể xảy ra và đến một lúc nào đó, anh A cũng có suy nghĩ hay cảm giác mình bị bỏ bùa.
Theo tiến sĩ Trần Hữu Sơn, câu chuyện bùa ngải rồi cũng sẽ mất đi theo thời gian, khi trình độ dân trí ngày càng cao, khi các yếu tố xã hội biến đổi. “Ví dụ bây giờ anh đến xứ Mường, gặp một cô gái rất trẻ đẹp, anh có cảm giác bị bỏ bùa, có thể yêu ngay. Nhưng yêu là một chuyện, lấy làm vợ, đưa cô gái ấy về thành phố lớn sinh sống lại là câu chuyện khác”.
Theo ông Sơn, một con người sinh ra ở núi rừng, quen với ruộng nương, với đời sống văn hóa núi rừng, hòa nhập với đời sống thị thành ở thời điểm hiện nay là rất khó. “Lúc đó anh chàng sẽ “tỉnh ra” ngay lập tức, không dễ gì mà “bị bỏ bùa” như ngày xưa nữa”, tiến sỹ Trần Hữu Sơn nói.
Tiến sỹ Hoàng Văn Chung (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, làm và sử dụng bùa cũng là một trong những thực hành văn hóa, tôn giáo truyền thống phổ biến trong các dân tộc ở Việt Nam. Trong thời hiện đại, có những loại hình thực hành văn hóa, tôn giáo truyền thống đã mất đi, nhưng cũng có nhiều loại hình vẫn tồn tại.
“Cái gì tồn tại đều có lý do thực tiễn của nó. Giống như thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị thần, thánh, hầu đồng, làm lễ dâng sao giải hạn…, việc người Việt làm và sử dụng bùa là để tìm cách khai thác quyền lực siêu nhiên để đạt những mục đích cụ thể trong đời sống trần tục thường ngày. Thời xa xưa, làm và sử dụng bùa là một loại ma thuật, vốn được tin và chấp nhận rộng rãi”, tiến sỹ Hoàng Văn Chung nói.
Theo ông Chung, về bản chất, làm và sử dụng bùa, gồm cả bùa ngải hay bùa yêu, đều là hành vi nhằm tìm kiếm lợi ích cá nhân hơn là cho nhóm hay tập thể. Nó có thể là mong muốn phòng chống, ngăn chặn điều xấu có thể xảy ra với bản thân người sử dụng; muốn làm hại một người khác để trả thù vì ghen ghét; hoặc muốn tác động, điều khiển người khác theo hướng có lợi cho mình.
“Một ví dụ là trong thời Pháp thuộc, có những nhóm cư dân ở Nam Bộ sử dụng bùa với niềm tin có thể chống lại đạn bắn của quân lính Pháp, có thể làm quân lính Pháp bị suy yếu, tan rã…
Một ví dụ khác là ở một số khu vực, nhất là Miền Trung và miền núi phía Bắc, người ta tin rằng có thể dùng bùa để làm cho một người khác giới mê say mình, không rời bỏ mình, tin và yêu mình vô điều kiện. Hiện tượng phụ nữ dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc sử dụng bùa để chồng không đi theo phụ nữ khác không phải là hiếm và vẫn còn tồn tại đến ngày nay”, ông Chung nhận định.
Dùng bùa là vì “thích đi đường tắt”?
Theo tiến sỹ Hoàng Văn Chung, nhìn lại suốt lịch sử, có thể thấy có những người làm và sử dụng bùa như một thói quen, tập quán học được từ những thế hệ trước, chủ yếu là ngăn chặn điều xấu và bảo vệ bản thân mình.
Cũng có người làm và sử dụng bùa bởi mê thích điều thần bí, cũng giống như họ thích tìm hiểu về thế giới bên kia, về ma quỷ, thần linh… Nhưng cũng có người sử dụng bùa chỉ để làm hại người khác. Và khi còn nhu cầu về bùa thì còn người làm ra bùa để bán kiếm lợi. Thị trường này dù nhỏ bé, tản mạn, vẫn tồn tại rất dai dẳng.
“Vẫn có nhiều người muốn sử dụng bùa như một phương tiện giúp họ “đi đường tắt” để đạt các mục đích thực dụng mà không phải nhọc công phấn đấu, cố gắng, hay chờ đợi.
Cũng có nhiều người sử dụng bùa chỉ vì “nghe người ta bảo là nó giúp trừ ma quỷ, tránh điều xấu” mà làm theo theo lối nghĩ có còn hơn không, có kiêng thì có lành. Nhiều người vẫn dùng các loại gương (bát quái), bùa trấn yếm đặt ngay trong các không gian sống (ngôi nhà chẳng hạn) là theo lối nghĩ đó, dù có khi chẳng tìm hiểu nó dựa trên triết lý hay nguyên lý nào, có tính khoa học hay không”, ông Hoàng Văn Chung nhận định.
Theo ông Chung, làm và sử dụng bùa như là thực hành văn hóa, tín ngưỡng truyền thống, không vì mục đích mờ ám thì vẫn có thể chấp nhận.
Nhưng tin, làm và sử dụng bùa mà chỉ để mưu lợi bất chính cho bản thân và làm hại người khác là lối nghĩ không lành mạnh, không khoa học và cũng thiếu tính nhân văn, không thể chấp nhận được.
Bỏ ra nhiều tiền cho bùa chú, xúi bẩy người khác làm theo mình, chế tác, buôn bán, kinh doanh bùa vì những mục đích không trong sáng… là những hành vi phản tiến bộ, cần lên án và dẹp bỏ.
Vẫn có nhiều người muốn sử dụng bùa như một phương tiện giúp họ đi đường tắt để đạt các mục đích thực dụng mà không phải nhọc công phấn đấu, cố gắng, hay chờ đợi