Mẹo vặt gia đình: Mẹo làm nước lẩu nhanh, ngọt, không cần ninh xương
Bạn hãy bỏ túi cách làm nước lẩu nhanh, ngọt mà không cần ninh xương - mẹo vặt gia đình mà các bà nội trợ cần biết.
Để có nồi nước lẩu ngon, các bà nội trợ thường cho cả lượng lớn xương lợn hoặc xương gà vào ninh thật lâu rồi mới gia giảm với các gia vị, phụ liệu khác. Thật ra, bạn không cần phải cầu kỳ và mất thời gian đến vậy. Với mẹo vặt gia đình dưới đây, bạn sẽ có bữa lẩu ngon tuyệt, lành mạnh, lại tiết kiệm cả thời gian và chi phí.
Mẹo vặt gia đình: Cách làm nước lẩu nhanh, không ninh xương
Để tạo vị ngọt cho nồi nước lẩu, thay vì hầm xương, bạn chỉ cần dùng vị ngọt của củ quả.
Nước dừa: Bạn có thể dùng nước dừa, cho nước của 2-3 quả dừa tươi ngon vào nồi, chế thêm nước, nêm nếm gia vị, thêm phụ liệu cho phù hợp với đặc trưng của từng loại lẩu, đun sôi rồi bắt đầu nhúng đồ ăn.
Quả lê hoặc mắc coọc: Cho nước vào nồi, cắt lê (đã gọt vỏ) thành các miếng vừa phải cho vào, thêm gia vị và các loại phụ liệu, đun lên là xong. Dứa, ngô ngọt, su hào: Cách làm cũng tương tự các trường hợp trên.
Với mẹo vặt gia đình này, bạn có thể sáng tạo, tùy cơ ứng biến, tùy điều kiện thực tế để có cách làm nước lẩu nhanh, lấy vị ngọt từ thực vật. Củ cải, bắp cải, su hào, cà rốt, hành tây, củ đậu, táo, mía… đều có thể dùng được. Nếu muốn có thêm vị chua cho cân bằng, bạn dùng thêm các loại quả như cà chua, me, sấu, dứa xanh, khế… hoặc đơn giản là cho giấm. Chỉ mất 5-10 phút là cả nhà có thể cùng ngồi nhúng lẩu thưởng thức với nhau.
Đồ nhúng lẩu có rất nhiều thứ giàu đạm như thịt gà, thịt bò, cá…, chính chúng sẽ làm nước lẩu trở nên ngọt đậm chỉ một lát sau khi cuộc vui bắt đầu. Vậy hà cớ gì bạn phải ninh xương, vừa tốn điện, tốn thời gian, tốn tiền mua xương?
Đó là chưa kể nước ninh xương nếu cứ đun mãi thì mùi sẽ khá nồng, ăn dễ ngán, không thanh nhẹ tinh tế như nồi nước lẩu mà ban đầu chỉ có củ quả.
Cách làm nước lẩu hải sản từ nước dừa
Chọn 2-3 trái dừa tươi ngon, bổ lấy nước cho vào nồi. Bạn có thể pha thêm nước lọc để đủ lượng nước lẩu sử dụng cho cả nhà trong suốt bữa ăn.
Khi sôi, thêm sả, dứa vào cùng một chai nước sốt lẩu Thái, nêm nếm thêm gia vị sao cho vừa miệng.
Trước khi nhúng lẩu, bạn cho vào nồi một bát gồm tỏi, ớt tươi, sả băm nhuyễn. Tùy khẩu vị, bạn có thể cho vào sấu hoặc me, thêm các loại rau gia vị như cần tây, hành, mùi…