“Méo mặt” vì vợ thích “đổ vấy” lỗi cho chồng

Thùy Dương,
Chia sẻ

Có những bà vợ, làm được chút việc hay ho thì dương dương tự đắc, nhưng khi gặp sự cố hoặc bị người khác phê phán thì lập tức "đá quả bóng" tội lỗi sang cho chồng.

Vợ "vung tay quá trán", đổ thừa lỗi cho chồng
 
Anh Dũng (Tôn Thất Tùng – Hà Nội) tuy rất xởi lởi và thoải mái, nhưng anh cũng không thể nào chịu đựng nổi khi thường xuyên bị vợ mang ra làm “trò chơi đá bóng” với mẹ chồng. Anh Dũng cho biết: “Mình muốn trong nhà yên ổn nên ban đầu cô ấy 'đá' lỗi sang cho mình thì mình cười xòa cho xong chuyện. Mẹ mình cũng thừa biết cô ấy ‘vu vạ’ cho mình để thoát thân nhưng do mình nhận lỗi thì bà bỏ qua tuy nhiên trong lòng vẫn còn hậm hực”. Những tưởng chồng biết điều thì vợ cũng lấy đó mà noi gương, thế nhưng chính bởi anh Dũng cố gắng “tiết kiệm” nói ra nói vào, bênh người này, phản ứng với người kia nên chị Oanh – vợ anh, càng được thể vin vào, quá đáng. Việc gì chị cũng: Tại anh ấy, không phải con”. “Đành rằng tôi là bà mẹ chồng hay xoi mói, chỉ trích con dâu thì không nói làm gì. Đằng này, chị ấy đoảng, làm gì cũng hỏng, hỏi đến thì không chịu nhận lỗi mà đùn đẩy, đổ hết lỗi cho chồng, chưa bao giờ tôi hỏi đến việc mà chị ấy chịu nhận lỗi”, bà Thụy – mẹ chồng chị Oanh cho biết.
 
“Bà xã nhà này được cái nết là 'hào phóng'... kinh điển. Không có tiền thì thôi chứ có tiền thì vung tay quá trán, gặp gì ưng mắt là mua ngay, bất chấp giá cả thế nào. Ừ thì váy đẹp, cô ấy thích cô ấy có thể mua, phấn son tôi cũng không cấm. Thế nhưng ngặt nỗi, mua xong, về không dùng đến cô ấy lại mang chồng ra đổ vấy tội lỗi để không bị cả nhà phê phán vì cái tội hoang phí”. Đó là những lời chia sẻ của anh Thanh (Hàng Bông – Hà Nội) khi nói về bà xã thích “đá bóng cho chồng” của mình. Qua lời kể của anh Thanh thì chị Hiền – vợ anh rất nghiện hàng hiệu. Món đồ nào chị mua cũng phải tiền triệu trở lên, váy áo thì thay hết mốt nọ đến mẫu kia. Anh Thanh không cấm cản vợ, thế nhưng phải vật vã, khổ sở vì không biết bao nhiêu lần vợ đổ cho mình cái tội “tự nhiên đi ôm đồ về tặng vợ” trong khi anh không mảy may biết cái món đồ đó trông như thế nào!
 
 
Có những hôm anh vừa đi làm về, thấy mẹ chỉ vào bao quần áo để đầu cổng và bảo: “Anh hoang phí vừa thôi, chị ấy không thích, anh cứ ùn ùn mua về rồi giờ váy áo cả những cái còn nguyên tem giá cũng nhét vào bao tải đem về quê cho. Ở quê, ai cũng chân lấm tay đất, ai thèm mặc cái thứ ấy” hoặc “Chả biết túi xách với nước hoa của khỉ gì mà chị ấy bảo với tôi là anh mua tặng. Nhìn vào cái tủ của chị ấy, tôi thấy mở cửa hàng được rồi đấy. Anh còn hai đứa con phải lo nữa kia kìa...”. Nghe mẹ nói như vậy, anh Thanh cũng chỉ còn biết vâng, dạ, xin rút kinh nghiệm. Thế nhưng, anh Thanh có nói với vợ bao nhiêu lần thì chị vẫn “chứng nào tật ấy”: “Mẹ tôi nói không phải vì ghét con dâu mà bởi bà có lý của mình khi nghĩ đến tương lai. Thế nhưng lần nào cũng như lần nào, hễ khơi ra là cô ấy đổ ngay trách nhiệm cho tôi...”.
 
Tiếng thơm vợ hưởng, tiếng xấu phần chồng
 
Còn chị Quyên (Hai Bà Trưng – Hà Nội) thì sáng ra trước khi đi làm bao giờ cũng chạy vào thơm chồng – anh Tiến, và nháy mắt với anh một kiểu thông báo ngầm “có gì thì anh cứ nhận nhé”. Chị Quyên thường có kiểu “tạt ngang, tạt dọc” sau khi tan sở. Việc cơm nước, chăm lo nhà cửa, đón con... chị “đùn” hết cho bà nội. Chiều nào cũng như chiều nào, vào tầm 4 giờ là chị gọi điện về “nhắn nhủ” mẹ chồng: “Hôm nay con phải làm hộ anh Tiến...”; “Anh Tiến bảo con...”, rồi yên tâm về muộn, khi cơm canh đã sẵn sàng, con cái đã được bà nội đón từ trường về, tắm rửa, cho ăn. “Đầu tiên thì mình không biết gì, nhưng được một thời gian, mẹ mình vừa trông thấy mặt mình đã cáu ‘vợ mày chưa làm đủ việc ở cơ quan nó hay sao mà dúi cả việc công ty cho nó. Thuê thêm nhân viên mà làm, con cái, nhà cửa cứ vứt thẳng tay cho bà thế à?’ thì mình mới té ngửa”, anh Tiến ỉu xìu cho biết. Anh còn kể thêm rằng, vợ anh không chỉ giỏi "đá quả bóng" lỗi sang phía anh mà còn ưa hưởng tiếng thơm. Hễ thấy việc gì anh làm có khả năng được cả nhà tán thưởng là chị lanh chanh chờ anh làm xong, mang "chiến công" đó ra khoe là của mình. Nghĩ là đẹp vợ thì cũng đẹp chồng nên anh cũng chặc lưỡi mặc kệ.
 
Trong khi đó Linh (nhân viên kế toán) thì tấm tắc khen chồng hết lời: “Chồng mình thì được cái yêu vợ nên vợ ‘đẩy đưa’ kiểu gì anh ấy cũng chỉ ậm ừ không nói”, mà không hề hay biết rằng, anh Nam – chồng Linh, ngày nào cũng than ngắn thở dài với cậu bạn thân rằng: “Vợ tao là ‘cầu thủ’ giỏi nhất hành tinh”. Hóa ra vì không muốn mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu khiến mình bị kẹt ở giữa, anh Nam không muốn thì cũng đành che giấu cho vợ để được “yên thân”. Cứ như vậy, hết lần này, đến lần khác, bao nhiêu ấm ức trong lòng cứ bị dồn lại. Cuối cùng một hôm, Linh đang hả hê “đá quả bóng” do phải chịu trách nhiệm về khoản tiền đi vay để mua xe mới cho chồng, thì anh Nam “lật tẩy” luôn.“Cô ấy giỏi thêu dệt, tiền một đống, không bàn bạc, cứ thế đi vay rồi đùng đùng lấy xe về. Mẹ tôi hỏi thì cô ấy đổ lỗi ngay cho tôi là tôi bảo đi vay bên ngoại để mua”, anh Nam bức xúc kể lại.
 
Khi nói về cuộc hôn nhân của mình, anh Quý (nhân viên kinh doanh) cười buồn, tâm sự rằng anh đã bị lừa một cách ngoạn mục nên mới lấy phải một bà vợ giỏi lèo lái đến vậy. Chị Trang – vợ anh, là người phụ nữ quá thể đến mức khó chịu. Lúc nào chị cũng thích làm theo ý của mình, nhưng đến khi hỏng việc thì “đổ vấy” luôn trách nhiệm cho anh bằng một câu gọn lỏn: “Do anh ấy đấy, chả được cái sự gì!”. Không những thế, khi gặp phản ứng của anh, thì chị chẳng vừa, sa sả mắng lại chồng: “Có chồng là để gánh cho vợ những lúc như thế. Nếu không thì lấy làm gì?”. Ban đầu thì anh Quý nghĩ, chị là phụ nữ, nên tính toán nhỏ nhen như vậy cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, sau một thời gian anh cứ nín nhịn thì chị Hương càng được thể cứ làm sai, bị ai phản ứng lại là nhanh miệng, xoay ngay sang chồng. Ức chế trước những việc chị làm, dù anh không phải là người đàn ông nhỏ nhặt, tính toán cũng phải so đo, đứng quan sát vợ từ xa và “chộp” bằng chứng để khi cần thì “phản pháo”.
Chia sẻ