Bài học từ việc chiều chồng: “quá mù ra mưa”

Cẩm Vân,
Chia sẻ

Trong suy nghĩ của nhiều chị em ngày nay, việc “chiều chồng” được coi là việc đương nhiên thuộc bổn phận “làm vợ”. Tuy nhiên, sự chiều chuộng thái quá đôi khi dẫn đến những hậu quả không như mong muốn, khiến họ thất vọng.

Muôn vẻ chuyện chiều chồng

Chị Nguyệt là giáo viên cấp 1. Chị vốn là người chu đáo, cẩn thận, lại rất mực yêu chồng. Nên chị chăm sóc, lo lắng cho anh như “một bà mẹ chăm sóc một đứa trẻ”. Bạn bè của chồng chị ai cũng khen anh tốt số lấy được chị. Cuộc sống gia đình, chị lo chu toàn đâu ra đấy. Hễ đi làm thì thôi, cứ về đến nhà là chị tay năm tay mười làm việc nhà. Lúc mới cưới, chồng chị xắn tay làm giúp, chị phản đối liền. Theo quan niệm của chị, đàn ông là phải lo làm việc đại sự, còn những việc lặt vặt trong nhà đàn bà phải lo. Dần dần, anh cũng chẳng còn ý thức về nhà là phải giúp vợ bất kỳ việc gì nữa, lúc chị lúi húi dọn dẹp thì anh vểnh râu ngồi xem ti vi hay đọc báo. Chuyện cơm nước ngày ba bữa, đổi món theo sở thích và yêu cầu của chồng, ấy vậy mà cũng không tránh khỏi những lúc chồng gác đũa, nhăn nhó chê bai món này, món kia. Chẳng lấy làm phật ý, chị lại buông bát đứng lên lụi cụi làm món khác thay thế. Mỗi sáng anh đi làm, đã sẵn quần áo chị là lượt treo phẳng phiu chuẩn bị sẵn, thậm chí đôi giày bóng nhoáng của anh cũng do một tay chị. Mọi thứ chị làm, anh đón nhận như một việc hiển nhiên.
 

Cũng giống như chị Nguyệt, chị Thu cũng là một người rất mực chiều chồng. Tuy không được xinh đẹp hoàn mỹ, nhưng chị Thu lại lấy được anh Cường đẹp trai và có một công việc kiếm bộn tiền. Vậy nên, Cường nghiễm nhiên trở thành một ông hoàng trong lòng vợ. Tất thảy mọi việc chị làm, chị luôn cố gắng để khiến anh hài lòng. Dù ban đầu chị rất ghét sở thích nhậu nhẹt đàn đúm của chồng. Nhưng dần dần, chị khuyến khích anh đưa bạn bè về nhà. Thậm chí, chị còn có sáng kiến giành riêng một phòng trong nhà, trang bị màn hình ti vi thật lớn phục vụ chồng và bạn bè anh xem đá bóng, bất kể ngày đêm. Chẳng phải nói chồng chị hài lòng đến thế nào về bà vợ tận tuỵ là chị. Và “được lời như cởi tấm lòng”, mỗi khi chồng khen ngợi, chị Thu lại càng dốc sức hơn vào công cuộc chiều chồng.

Kết hôn ở tuổi suýt “ế”, lại kiếm được ông chồng kém mình 1 tuổi, nên chị Lan chẳng nề hà điều gì, cũng chẳng tiếc gì khi đầu tư cho nhà chồng. Anh Kiên là con cả trong một gia đình kinh tế khó khăn, đông anh em, bố mẹ lại già cả ốm yếu. Kết hôn xong, chị Lan đón bố mẹ chồng về ở cùng trong căn hộ bố mẹ đẻ cho. Lần lượt những đứa em đi học, đi làm ra thành phố, đều đến tá túc ở nhà anh chị. Mọi chi phí sinh hoạt, học hành của các em chồng hay tiền thuốc men chăm lo cho bố mẹ chồng già yếu, đều do vợ chồng chị gánh vác. Nhưng dường như những đòi hỏi của Kiên chẳng dừng lại ở đó…

Và những hệ lụy…

Một ngày như bao ngày khác, chị Nguyệt đang lúi húi lau nhà bỗng thấy hoa mày chóng mặt. Chị lảo đảo đứng dậy, gạt tay làm đổ xô nước bẩn ra nhà. Chị cố lết về phòng, nằm vật ra giường, mồ hôi chị vã ra như tắm. Chồng chị trở về, chẳng hỏi han được một câu đã lớn tiếng càu nhàu vì nhà cửa lênh láng nước, những xô, giẻ vứt quăng quật trên sàn, bếp núc lạnh tanh. Đứa con gái về nhà, cũng không để ý thấy mẹ mệt, luôn miệng kêu đói bụng. Chị bỗng giật mình tỉnh dậy khi nghe tiếng sập cửa, hai bố con ra ngoài ăn tiệm đang tranh cãi nhau xem nên ăn món gì, còn chị thì đã nằm li bì một chỗ cả tiếng đồng hồ mà chẳng có lấy một câu thăm hỏi. Lần đầu tiên chị Nguyệt cảm thấy tủi thân. Hoá ra bấy lâu nay chị cứ ra sức chăm lo cho họ, ra sức yêu họ, mà quên mất một điều quan trọng là mình cũng cần được yêu lại.

Với chị Thu, kể từ khi có bầu, chị bắt đầu thấy mệt mỏi với “công cuộc chiều theo sở thích của chồng”. Bị nghén nặng, chị chẳng thể vào bếp làm món nhậu cho chồng. Mùi vị của chúng khiến chị luôn muốn ói. Giải pháp mua đồ nhậu sẵn về lại khiến Cường không mấy hài lòng. Những tiếng hò hét, cổ vũ bóng đá giờ cũng khiến chị khó chịu tột độ. Dần dà, Cường chẳng còn lôi bạn bè về nhà nữa, mà thay vào đó họ rủ nhau ra quán xá, mặc cho chị có mặt nặng mày nhẹ không vui. Chị Thu dần quen với những buổi tối vắng chồng và ăn cơm một mình, bởi Cường chẳng dễ dàng mà bỏ đi cái sở thích bấy lâu được vợ ra sức nuôi dưỡng. Chẳng những không nhận được sự chăm sóc như các bà mẹ trẻ khác, chị Thu giờ chỉ còn biết ở nhà lo lắng đủ điều, hết lo “nguy cơ mất chồng”, lại lo “một mình vượt cạn” trong khi chồng đang mải nhậu hay hò hét cổ vũ bóng đá ở đâu đó… Sự căng thẳng về tâm lý khiến cái thai của chị phát triển không thuận lợi. Chị Thu đang đứng trước nguy cơ “sảy sớm” được bác sĩ cảnh báo trước.
 

Gồng mình gánh vác cả một đại gia đình nhà chồng, nhưng chị Lan vẫn luôn nhận được những chỉ trích từ phía họ. Thời buổi giá cả leo thang, mỗi khi đi chợ, chị Lan phải tính toán kỹ lưỡng từng đồng, lại vừa phải đắn đo cân nhắc xem nên ăn món gì cho vừa miệng được cả nhà, có đến chục miệng ăn cả người lớn và trẻ con. Đấy là chưa kể đến những lượt khách từ quê chồng, một tháng vài lần ra thành phố, lúc là đi thăm con cái, lúc là đi khám bệnh, chữa bệnh, ai cũng nán lại vài hôm. Chồng chị mắc bệnh “sĩ”, luôn sợ bị chê trách nên bữa cơm đãi khách nào mà giản dị, lèo tèo vài món như cơm bữa, là y như rằng chị bị nhắc nhở. Gần đây, đứa em gái chồng đang trong thời kỳ nghỉ đẻ, theo chủ kiến của bố mẹ và anh trai, cũng lại dọn về nhà chị ở. Thêm một lần nữa, chị gồng mình chăm “gái đẻ”. “Miệng ăn núi lở”, chị Lan ngán ngẩm nghĩ không biết còn tiếp tục “chiều chuộng”, ve vuốt sự sĩ diện của họ đến bao giờ… khi mà chị bắt đầu thấy mình bị tổn thương và chất chồng những ức chế dồn nén…

Nhiều chị em vẫn nghĩ “mình chiều chồng mình, đi đâu mà thiệt” và “yêu là cho, chứ không phải là nhận”, nên đôi khi tự đẩy mình vào tình thế “dở khóc dở cười”. Thiết nghĩ, việc “chiều chồng” cũng giống như việc nêm nếm gia vị trong hôn nhân, những người vợ khéo léo sẽ biết cách nêm gia vị vừa miệng, để hôn nhân mãi như “một món súp ngọt ngào” và luôn bền vững.

 

Chia sẻ