Mẹ ung thư nhường sự sống cho con: ''Mình chỉ mong vợ không phải thở bằng máy, con trai được ra viện để gia đình mình sống bình yên như xưa"
Nhìn cảnh vợ phải dùng ống xông và máy thở, con sinh non phải nằm lồng kính, người đàn ông vốn mạnh mẽ ấy đã rơi lệ, anh chỉ ước, gia đình anh chị được quay về cuộc sống bình yên như trước đây...
''Mình chỉ ước một cuộc sống bình yên như trước đây''
Câu chuyện sản phụ Nguyễn Thị Liên (SN 1991, quê tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) ung thư giai đoạn cuối sinh con tại Bệnh viện K Tân Triều vào ngày 22/5 đã lấy đi nước mắt của hàng nghìn người về tình mẫu tử thiêng liêng.
Sáng 25/5, anh Đỗ Văn Hùng (SN 1988, chồng chị Liên) đang túc trực cùng mẹ vợ chăm sóc chị Liên ở bệnh viện K Tân Triều. Đã 3 ngày trôi qua kể từ lúc chị Liên được hàng chục y bác sĩ ở bệnh viện phụ sản Trung Ương và bệnh viện K Tân Triều phối hợp mổ ngồi để cứu em bé khi tiên lượng sức khỏe của chị Liên đã vượt ngưỡng giới hạn chịu đựng. Bé Bình An 3 ngày tuổi, là thành quả từ sự nỗ lực của vợ anh - người phụ nữ mắc ung thư vú giai đoạn cuối vẫn cố gắng mang bầu, sinh con.
Những ngày trước khi chị Liên sinh, anh Hùng vẫn túc trực hàng ngày, chăm sóc vợ.
Nhìn vợ nằm đó, thân thể yếu ớt, anh Hùng nghẹn ngào: ''Sau khi sinh con xong, vợ mình yếu lắm, cô ấy có tỉnh lại, câu đầu tiên cô ấy hỏi là ''Con thế nào rồi?". Khi mình thông báo con ổn, nhìn mắt vợ mình sáng bừng lên. Nhưng sau đó vì quá yếu và mệt, cô ấy lại thiếp đi. Hiện tại vợ mình vẫn đang phải thở bằng máy và ăn bằng ống xông (thông)''.
Nói về tình hình sức khỏe của con trai, anh Hùng xúc động: ''Hôm nay mình vẫn chưa vào thăm cháu được, mình túc trực ở đây để chăm mẹ cháu, vì vợ mình khá yếu. Do ung thư giai đoạn cuối đã di căn nên các bác sĩ cũng không nói trước được điều gì. Hôm qua mình vào thăm con, nhưng chỉ đứng ngắm đứa con còn đỏ hỏn của mình qua lồng kính. Con đã bắt đầu tập ăn sữa non 3 giờ một lần, mỗi lần 4 ml, không cần mặt nạ thở nữa mà đã thở máy qua mũi, các bác sĩ nói, độ bão hòa oxy trong máu ổn định, tim mạch tốt, hệ tiêu hóa có xu hướng phát triển tốt. Nhưng để xuất viện thì ít nhất là khi con được 38 tuần. Mình mong từng ngày để 2 mẹ con được gặp nhau''.
Bé Bình An đã có tiến triển khá tốt sau khi được mổ lấy thai vì sức khỏe của mẹ quá yếu.
''Nhiều lúc nhìn vợ và con như vậy, mình xót xa lắm, nhưng bản thân thì bất lực, mình chỉ ước gì được quay lại cuộc sống bình yên như trước đây. Dù nghèo nhưng khỏe mạnh, mình sẽ cố gắng làm thật nhiều hơn nữa để lo cho mẹ con cháu. Tuần trước, khi sức khỏe yếu đi, vợ mình còn dặn dò, nếu cô ấy có mệnh hệ gì thì cố gắng chăm con, nuôi chúng nên người khiến mình đau xót vô cùng", anh Hùng nghẹn ngào.
Được biết, từ khi vợ nhập viện, anh Hùng nghỉ làm để phụ mẹ vợ chăm sóc. Anh cũng đưa con gái lên thăm mẹ hai lần. Bé con luôn miệng líu lo trò chuyện với mẹ, lấy nước cho mẹ uống và đấm lưng để mẹ đỡ đau.
Người mẹ ung thư giai đoạn cuối vẫn quyết sinh con bất chấp cả tính mạng
Chị Nguyễn Thị Liên, 28 tuổi ở Lý Nhân, Hà Nam bất ngờ phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn cuối khi mang thai được 4 tháng.
Sau khi nghe bác sĩ sản cùng bác sĩ chuyên khoa ung bướu tư vấn giữ thai cả mẹ và con sẽ gặp nguy hiểm, song vợ chồng chị Liên vẫn quyết định không bỏ thai, với hy vọng có thể cầm cự đến khi thai nhi đủ lớn để con có thể chào đời.
Chị Liên đã sụt 20kg kể từ khi mang thai.
Quá trình điều trị được các bác sĩ cân nhắc kỹ càng. Tuy nhiên, sản phụ Liên khó thở, xuất hiện hạch dày đặc, hơn hai tháng nằm viện, bệnh nhân không thể nằm thở được mà phải ngồi 24/24h, mỗi ngày chỉ ngủ 2 tiếng, mệt mỏi đau đớn do ung thư vú đã di căn xương, phổi.....
Hai tuần trước ca mổ sinh, chị Liên ăn gì nôn đấy, chiếc chậu nhựa luôn túc trực sẵn ở cuối giường bệnh để nhổ. Không ăn uống được, cơ thể chị Liên ngày một suy kiệt, đến khi lên bàn mổ, chị từ cân nặng 60 kg chỉ còn hơn 40 kg.
Chiếc chậu luôn để sẵn để chị Liên nôn bất cứ lúc nào.
Ngày 22/5, các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã phẫu thuật lấy thai nhi ở tuần thứ 31 cho chị Liên. Hai ê-kíp y, bác sĩ từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã đến phòng bệnh của Bệnh viện K thực hiện ca mổ lấy thai.
Trong khi mổ, do thai phụ không thể nằm nên các bác sĩ phải mổ cho người mẹ ở tư thế ngồi. Đây là tư thế khó để thực hiện mổ sinh, bệnh nhân suy yếu nên các thao tác mổ phải bảo đảm nhanh, chính xác. Khi mổ, ê-kíp cũng không thể gây mê vì có thể bệnh nhân không tỉnh lại được, vì thế chỉ gây tê tủy sống, trong khi mổ bệnh nhân gần như tỉnh táo.
Đội ngũ bác sĩ của 2 bệnh viện luôn bên cạnh hỗ trợ, động viên tinh thần sản phụ
Sản phụ phải ngồi nghiêng, cúi người để thở, dường như sự sống rất mong manh có thể ra đi bất cứ lúc nào nhưng vẫn cố gắng gượng sức lực ít ỏi cuối cùng để đón con chào đời.
Ca mổ diễn ra hết sức căng thẳng, bởi nguy cơ mất cả mẹ lẫn con nhưng tiếng khóc của bé trai có tên Đỗ Bình An, nặng 1,5 kg, khiến người mẹ trẻ mang trọng bệnh và kíp phẫu thuật cùng trào nước mắt. Ngay lập tức, bé được các bác sĩ chuyên ngành sơ sinh tiếp nhận cấp cứu đưa vào lồng ấp và chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Kíp phẫu thuật còn lại tiếp tục hoàn thành ca mổ và sau đó tiếp tục điều trị cứu người...
Hy vọng thời gian tới, sức khỏe của người mẹ trẻ dũng cảm ấy sẽ được cải thiện hơn và em bé Bình An sẽ sớm được ra viện, sống một đời an yên như chính cái tên mà mẹ em đã đặt.