Cuộc gặp gỡ giữa bố với bé Bình An sau ca sinh mổ của người mẹ ung thư giai đoạn cuối

Duy Anh,
Chia sẻ

Bé Bình An hiện đang phải thở máy, đã bắt đầu tập ăn sữa với lượng 4ml/lần và cần nằm lồng kính khoảng 4 tuần nữa mới có thể gặp mẹ.

Sáng 24/5, anh Đỗ Văn Hùng tranh thủ rời Bệnh viện K đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương để gặp mặt con trai. Bình An 3 ngày tuổi, là thành quả của sự nỗ lực của vợ anh - người phụ mắc ung thư vú giai đoạn cuối vẫn cố gắng mang bầu, sinh con.

Em bé sinh non ở tuần 31, nặng 1,5kg đang được chăm sóc tích cực tại Trung tâm sơ sinh. Ngón tay anh mấp máy, mong muốn chạm vào con, song không thể nắm lấy bởi bị ngăn cách lồng kính.

Nghe bác sĩ thông báo con tiến triển tốt, anh Hưng thấy nhẹ nhõm hơn. Con trai anh đang tập ăn sữa. Nếu mọi thứ thuận lợi, em bé sẽ được ra ra khỏi lồng kính trong 4 tuần nữa.

Cuộc gặp gỡ giữa bố với bé Bình An sau ca sinh mổ của người mẹ ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 1.

Em bé sinh non ở tuần 31, nặng 1,5 kg đang được chăm sóc tích cực tại Trung tâm sơ sinh.

Sáng nay, vợ anh, chị Nguyễn Thị Liên cũng được ra khỏi phòng hồi sức tích cực, một tín hiệu đáng mừng. Khi tỉnh lại, câu đầu tiên chị gắng hỏi chồng: "Con thế nào rồi?". Được thông báo con ổn, mắt chị sáng lên. Hiện, chị cũng đã bắt đầu ăn được sữa với sự chăm sóc đặc biệt của các bác sĩ Bệnh viện K.

"Tôi mừng vì con và vợ đều ổn hơn. Mong một ngày gần nhất để hai mẹ con gặp nhau", anh Hưng nói.

Anh Hùng cho biết, 2 vợ chồng anh kết hôn năm 2015, hiện đã có một bé gái đầu lòng 2,5 tuổi. Hàng ngày, anh đi quét sơn thuê còn vợ anh tần tảo ở nhà cơm nước, chăm con, thỉnh thoảng chạy chợ bằng nghề buôn bán. Cuộc sống gia đình nhỏ tuy khó khăn nhưng ổn định, hạnh phúc.

Đến cuối năm 2018, vợ chồng anh quyết định sinh thêm con. Khi thai được gần 4 tháng, chị thấy ngực thường xuyên đau, cứng, hạch nổi ở vai, cổ, ho nhiều, chân đau nhức... mới đến Bệnh viện K khám. Bác sĩ kết luận chị bị ung thư vú giai đoạn cuối, đã di căn vào phổi, xương.

"Bác sĩ nói nếu giữ lại thai sẽ nguy hiểm cả mẹ và con. Song, cô ấy quyết định giữ và khao khát ngày gặp con từng ngày", anh Hùng kể lại.

Cuộc gặp gỡ giữa bố với bé Bình An sau ca sinh mổ của người mẹ ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 2.

Anh Hùng thăm con trai tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương sáng 24/5.

Từ đây, chị Liên bắt đầu hành trình giữ con đầy gian nan. Chị nhập viện điều trị 2 đợt hoá chất khi thai được 22 tuần. Sau truyền, tóc chị rụng từng mảng nên phải cạo trọc. 2 tháng trở lại đây, tình trạng khó thở và ho của chị ngày càng nặng. 

Chị không thể nằm mà ngồi suốt ngày đêm. Để vợ đỡ mỏi, anh Hùng mua tạm chiếc bàn học sinh để phía trước, để khi nào mệt quá chị gục xuống ngủ tạm.

2 tuần nay, chị Liên ăn gì nôn đấy. Chiếc chậu nhựa luôn túc trực sẵn ở cuối giường bệnh. 

Chị Liên vừa ngồi vừa ôm chậu, mỗi khi cơn ho ập đến, có khi kéo dài 10 phút. Do không ăn uống được, cơ thể chị Liên ngày một suy kiệt. Từ cân nặng gần 60 kg, đến khi lên bàn mổ, chị chỉ còn hơn 40 kg.

Cuộc gặp gỡ giữa bố với bé Bình An sau ca sinh mổ của người mẹ ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 4.

Hình ảnh bé Bình An sức khỏe ổn định và bắt đầu ăn sữa.

Từ khi vợ nhập viện, anh Hùng nghỉ làm để chăm vợ cùng với mẹ đẻ chị Liên. Anh cũng đưa con gái lên thăm mẹ 2 lần. Dù tóc mẹ không còn, gương mặt hốc hác nhưng bé con vẫn luôn miệng líu lo trò chuyện với mẹ, lấy nước cho mẹ uống và đấm lưng để mẹ đỡ đau.

Tuần trước, khi sức khoẻ yếu đi, chị Liên gọi chồng vào dặn dò nhiều việc. "Cô ấy dặn tôi nếu mình có mệnh hệ gì thì cố gắng chăm con, nuôi chúng nên người", anh Hùng nói.

Tiến sĩ Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TƯ cho biết, khi bé mới chuyển đến bị phù nhẹ. Do sinh non, mọi bộ phận trong cơ thể đều non yếu, từ hệ miễn dịch, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hoá... kèm theo suy hô hấp nặng. Trẻ ngay lập tức được thở máy qua mặt nạ.

Cuộc gặp gỡ giữa bố với bé Bình An sau ca sinh mổ của người mẹ ung thư giai đoạn cuối - Ảnh 5.

Phó giáo sư Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, bé Bình An chào đời khoẻ mạnh là một kỳ tích.

Sau 2 ngày được chăm sóc đặc biệt, tình trạng sức khoẻ của bé Bình An tiến triển khá tốt. Hiện bé đã bắt đầu tập ăn sữa non đều đặn 3 tiếng một lần, mỗi lần được 4 ml. Từ thở máy qua mặt nạ, giờ chỉ còn phải thở máy qua mũi, độ bão hoà oxy trong máu ổn định, tim mạch tốt, hệ thống tiêu hoá có xu hướng phát triển tốt. 

Hiện, các bác sĩ chưa phát hiện dị tật bất thường nào với bé, tuy nhiên sẽ cần theo dõi thêm một số nguy cơ khi mẹ đã từng điều trị hoá chất và quá trình mang thai bị suy kiệt sức khoẻ.

"Sớm nhất, trong vòng 3 đến 4 tuần nữa trẻ mới được rời khỏi phòng hồi sức sau đó khoảng 8 tuần mới có thể được xuất viện", tiến sĩ Trác nói.

Phó giáo sư Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, bé Bình An chào đời khoẻ mạnh là một kỳ tích. Em bé được nuôi dưỡng phát triển trên nền người mẹ bị ung thư giai đoạn cuối, di căn xương, đặc biệt là phổi - nơi cung cấp oxy cho bé, nhưng bé vẫn phát triển bình thường. Bé chào đời với cân nặng đúng với tuổi thai.

Chiều 22/5, bé trai Đỗ Bình An chào đời bằng phương pháp sinh mổ với sự hỗ trợ của gần 20 bác sĩ đầu ngành của 3 bệnh viện K, Việt - Đức và Phụ sản Trung ương. Ca mổ hy hữu do sản phụ phải ngồi mổ bởi ung thư di căn vào phổi, nếu nằm chị không thể thở được.

Chia sẻ