Mê mẩn với món bánh đậu xanh trái cây của Sài Gòn
Gọi là bánh đậu xanh trái cây bởi mỗi viên bánh đều được chế tác cẩn thận, trông hệt như những loại trái cây, chỉ khác phần nhân của nó được làm từ đậu xanh nhuyễn ngào đường.
Bánh đậu xanh gắn liền với kí ức tuổi thơ của nhiều người Sài Gòn, thế nhưng lạ thay khi nói đến bánh đậu xanh trái cây thì không phải ai cũng biết. Có lẽ bởi vì cách làm cầu kỳ, ít nơi bán và thường chỉ dùng cho những dịp lễ lạt khiến món bánh này không quá phổ biến. Nhưng ai đã từng một lần nhìn thấy món bánh này đều khó có thể kìm được xuýt xoa, mê mẩn trước vẻ đẹp tinh tế, giống y hệt trái cây thu nhỏ của nó.
Món bánh đậu xanh được tạo hình giống hệt các loại trái cây.
Nghe đâu từ thời xa xửa xa xưa, vì tính kết dính của mình, món đậu xanh đãi vỏ nghiền nát xào với đường cát trắng đã được bàn tay các nghệ nhân nhào nặn thành nhiều hình thù trái cây. Do mất nhiều công sức của nhiều con người tài hoa, nên loại bánh này chỉ được dùng trong các lễ hội, tiệc tùng ở Hoàng cung, hoặc lễ dạm hỏi, cưới xin trong nhà các quan lại và quý tộc thời bấy giờ.
Một xuất xứ khác cũng không kém thú vị là món bánh này lại có nguồn gốc từ Thái, với một cái tên Thái rất ấn tượng là Kanoom Look choup (tạm dịch: bánh đậu xanh giả hoa quả). Theo nhiều tài liệu thì đây là 1 trong 10 món được xếp vào món ăn cung đình của Thái Lan với cách trình bày và sự tinh tế trong mùi vị.
Trải qua nhiều thăng trầm biến đổi của lịch sử, món bánh đậu xanh trở nên quen thuộc gần gũi hơn, ai ai cũng có thể nếm qua món bánh này. Nguyên liệu chính để làm nên những chiếc bánh xinh xẻo này chỉ là những hạt đậu xanh đãi vỏ, hấp chín, tán nhuyễn rồi đem xào với đường cát, nước cốt dừa, và một ít muối.
Khi đậu xanh đã quyện lại với nhau thành một khối kết dính, người ta bắt đầu nặn đậu xanh thành đủ loại hình thù trái cây, củ quả đẹp mắt như táo, đào, đu đủ, xoài, ớt, hồ lô, carot. sao cho giống thật nhất. Sau đó, người ta tô phẩm màu thực vật lên từng loại quả, và cuối cùng là nhúng trái cây đã được tô màu vào bột rau câu nấu chín, để có được lớp vỏ bên ngoài vừa bóng bẩy, ngon lành, vừa dai sần sật.
Bánh đậu xanh được chế tác thành mâm trầu cau.
Nếm viên bánh đậu xanh như thế, người ta không chỉ mê vì nó đẹp mà còn bởi hương vị của chúng, bởi cái cảm giác miếng đậu xanh mịn màng tan mềm trên đầu lưỡi, là một cảm giác ngọt ngào đủ sức làm bịn rịn bất cứ ai.
Món bánh này rất được lòng trẻ nhỏ.
Ở Sài Gòn, không có quá nhiều nơi bán loại bánh này, thông thường phải đặt trước mới làm bởi bánh không để được lâu. Bánh đậu xanh trái cây thường được đóng hộp với giá từ 50.000 - 100.000 đồng/ hộp 10 hoặc 20 viên, phù hợp để thỉnh thoảng để lâu lâu ăn chơi đỡ nhớ hoặc mua làm quà.