Mẹ không phải dì ghẻ

Đàm Thị Ngọc Mai,
Chia sẻ

Tình yêu với anh đã khiến tôi bất chấp tất cả, chấp nhận thiệt thòi và khó khăn về phía mình. Đặc biệt là chấp nhận danh xưng “mẹ ghẻ”.

Ông bà ta có câu “Mấy đời bánh đúc có xương/ mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”. Tôi may mắn không phải chịu cảnh mất mẹ, nhưng lớn lên lại trở thành vợ của một người đàn ông đã từng kêt hôn, và vì thế có cơ hội trở thành mẹ kế của đứa con trai riêng của chồng. Tôi cho đó là duyên trời đã định!

Ngày cưới, mẹ tôi sụt sịt khóc lóc suốt tuần liền vì đứa con gái mà bà nhất mực cưng chiều, đặt bao nhiêu kì vọng lại khăng khăng đòi lấy một người đã một đời vợ, và quan trọng hơn là có cả con riêng. Tình yêu với anh đã khiến tôi bất chấp tất cả, chấp nhận thiệt thòi và khó khăn về phía mình. Đặc biệt là chấp nhận danh xưng “mẹ ghẻ”.

Tôi vốn dị ứng với danh xưng đầy ác ý đó. Mẹ là mẹ, sao lại thêm chữ “ghẻ” vào một cách mặc định làm tạo nên cả một hố sâu khoảng cách tâm lí như thế. Hồi bé, đọc truyện Tấm Cám, Bạch Tuyết, Cô bé Lọ Lem, Đàn chim thiên nga… thấy truyện cổ tích chủ yếu toàn mẹ kế ác độc, nham hiểm, làm tôi cũng đinh ninh rằng không có mẹ kế nào tốt. Vậy mà bây giờ chính mình ở vào địa vị ấy… Tôi lo lắng vì không biết người ta sẽ đánh giá tôi như vậy ư?

Chính vì thế, sau ngày cưới, tôi vật lộn trong “cuộc chiến” với con chồng. Nhân vật ấy lên 7 tuổi, quá bé bỏng và đáng thương khi phải chịu cảnh bố mẹ tan vỡ cách đây 2 năm, nhất là khi người mẹ không muốn nuôi cậu vì cô ta bỏ đi với người tình ngoại quốc. Những ngày đầu, tôi rất ngại trò chuyện với cậu, nhất là khi ở nhà chỉ có hai mẹ con. Vì bất kể tôi hỏi là “Con muốn ăn gì nào?, "Con thích xem phim hoạt hình gì?", "Con muốn mua giầy mới không?”…cậu bé đều lắc đầu, cúi mặt hoặc nhìn đi chỗ khác… Khi cả ba người ngồi xem tivi sau bữa tối, thằng bé thường ôm ghì lấy chồng tôi, nói chuyện về những kỉ niệm gia đình xưa… làm tôi nhiều khi chạnh lòng và bực mình, thậm chí còn có chút gì đó hờn ghen. Từ đó khoảng cách giữa tôi và cậu bé càng lúc càng xa. Tôi rơi vào stress, bế tắc và thậm chí định bỏ cuộc nếu không có sự việc xảy ra ngày hôm đó.

Chiều hôm đó tôi vội ra ngoài mua đồ nên bất đắc dĩ phải để thằng bé ở nhà một mình, bởi tôi nghĩ dăm mười phút có sao đâu, nó cũng đã 7 tuổi rồi còn gì. Chừng 15 phút sau tôi về đến nhà, tôi giật mình vì thấy cửa quên chưa khoá, vội chạy vào nhà tôi gọi mãi mà không thấy thằng bé đâu. Sau khi chạy khắp khu tập thể để tìm mà không thấy tôi bắt đầu thấy lo, trống ngực tôi đập loạn lên, tôi gọi cho chồng nhưng cũng không được vì anh đang trên máy bay đi công tác. Đang hoang mang tột độ thì bác bán nước dưới cổng nói là có nhìn thấy thằng bé nhìn trước ngó sau rồi đi về hướng đường lớn.

Lúc này trời đã nhá nhem, đường phố lên đèn rồi, tôi chạy quanh những con phố lớn xung quanh vì nghĩ nó chưa đi xa được. Vừa chạy được một đoạn thì tôi thấy có đông người xôn xao đằng trước, đến gần hỏi thì tôi chết lặng khi thấy thằng bé ngồi ở một góc với một bên chân chảy máu ròng ròng. Ánh mắt sợ hãi ngước lên nhìn thấy tôi nó oà khóc, tôi cũng sà tới quỳ xuống bên nó, ôm nó mà bật khóc nói “Dì đây rồi”. Thì ra cu cậu buồn chán vì bố đi công tác nên trốn đi tìm mẹ ruột nhưng khi sang đường bị xe máy đụng.

Những ngày nó nằm viện, tôi chăm sóc tận tình ngày đêm như để chuộc lỗi. Cũng chính vì vậy tôi có cơ hội gần gũi thằng bé hơn. Tôi nhận thấy rằng nó là một cậu nhóc thông minh và tài năng, nó vẽ rất đẹp. Những lúc nó đau, tôi nắm chặt lấy tay nó và nói “Dì sẽ không rời xa con nữa đâu, con yên tâm nhé”. Lúc thấy tôi chực khóc nó đột nhiên cũng nắm tay tôi và hứa con sẽ nghe lời dì, không chạy ra ngoài một mình nữa. Ở trong bệnh viện, tôi thức trắng đêm không ngủ được vì thi thoảng lại nghe tiếng rên rỉ khe khẽ của thằng bé làm tim tôi đau nhói dù rằng nó không phải mình đứt ruột đẻ ra. Ngắm nó nằm ngủ ngoan như một thiên thần tôi thấy người đàn bà đó quá nhẫn tâm khi bỏ rơi thằng bé thế này.

Tôi nhớ lại những khi bắt gặp nó thơ thẩn ngồi ở một góc phòng, những khi nó ngủ mơ khóc gọi mẹ trước đây… và thấy rằng tôi đã sai lầm vì đã ngại ngần và thành ra lạnh lùng. Trẻ con ai cũng thích được yêu thương, một tình yêu chân thành thực sự chứ không phải chiếu lệ. Tôi phải thay đổi rồi, phải bù đắp cho nó những tổn thương mất mát quá lớn ấy.

Sau khi xuất viện, chúng tôi trở nên thân thiết hơn, tôi dành thời gian trò chuyện cởi mở và tìm hiểu sở thích của thằng bé, tôi chia sẻ những câu chuyện thơ ấu hài hước của tôi khiến nó cười vô cùng vui vẻ. Tôi cũng dành ba buổi tối trong tuần để sang ngủ cùng thằng bé cho nó cảm thấy ấm áp và đỡ tủi thân, trước khi đi ngủ tôi còn đọc truyện cho nó nghe, khẽ hôn chúc ngủ ngon lên vầng trán cao của nó. Từ đó tình cảm cứ lớn dần lên, tôi thương yêu nó thực lòng, một sự thôi thúc che chở và ước nguyện nuôi dạy nó nên người. Thế rồi hạnh phúc vỡ oà khi một buổi đi học về, cu cậu chui tọt vào lòng tôi, đưa cho tôi giấy mời họp phụ huynh và nói  “Mẹ đến trường họp phụ huynh cho con, mẹ nhé!”. Tôi chưa kịp phản ứng thì nó đã quàng tay vào cổ tôi rồi nói : “Con không thích gọi là dì nữa, con muốn gọi là mẹ, mẹ không phải dì ghẻ, mẹ là mẹ yêu của con rồi, mẹ nhé!”… tôi không nói được gì, nước mắt rưng rưng nhìn sâu vào đôi mắt đen láy ngây thơ ấy, thầm cảm ơn ông Trời đã mang đến cho tôi đứa con thân yêu này.

Những ai sắp ở vào hoàn cảnh như tôi, hoặc đã và đang làm mẹ kế như tôi, tôi chỉ muốn chia sẻ và nói lên quan điểm của mình rằng tình yêu thương thực lòng bao giờ cũng đưa hai người xích lại gần nhau, hãy yêu con riêng của chồng  như là cách để bạn tạo dựng hạnh phúc gia đình nhé! Xin đừng gọi chúng tôi là mẹ ghẻ nữa, trên đời này mẹ là mẹ thôi!
Chia sẻ