Mê hoặc những chậu loa kèn được hội chị em khoe tự cắm tại nhà, dù bị trái mùa nhưng lại có một lợi thế

Hạnh Mỹ,
Chia sẻ

Giờ đây không cần phải đợi đến tháng Tư mà vẫn có thể thỏa thê ngắm hoa loa kèn.

Hoa loa kèn còn có tên gọi là hoa bách hợp hay huệ tây... mê hoặc chị em bởi cánh trắng - nhụy vàng, mang vẻ đẹp kiêu sa, tinh khiết cùng hương thơm thoang thoảng. Loài hoa này cắm riêng cũng đẹp mà kết hợp cùng các loại hoa sắc màu khác lại càng nổi bật hơn. Không phải tự nhiên người ta phong cho nó danh hiệu "nữ hoàng tháng Tư". 

Tháng tư cũng là thời điểm hoa loa kèn bắt đầu vào độ đẹp nhất trong năm. Cứ vào mùa là phái đẹp sẵn sàng "xuống tiền" để được ngắm thỏa thích vì sợ bỏ lỡ thì phải chờ đợi ròng rã tận một năm sau mới gặp lại. 

Tuy nhiên, để thỏa mãn sự yêu cái đẹp của hội chị em thì các nhà vườn, tiệm hoa cũng tìm tòi ra nhiều giải pháp để chinh phục "người chơi". Trong đó, không thể không nhắc đến việc liên tục những giống hoa mới, hoa trái vụ được nhập về. Và dạo gần đây đã có hoa loa kèn trái vụ xuất hiện trên thị trường. 

Kèn trái vụ xuất hiện giữa ngày đông, thỏa đam mê của chị em 

Gọi chung là loa kèn trái vụ nhưng thực chất, những bó hoa mà chị em bắt gặp trên các hội nhóm thuộc nhiều giống khác nhau. Ở các cửa hàng hoa tươi chủ yếu bán những bó kèn ngoại lai, trong khi trên nhiều hội nhóm rao bán hoa loa kèn đã được áp dụng kỹ thuật để kích thích nở trước vụ chính. 

Ảnh: Xuân Vũ Thị Thanh, Thiên Hương

So về hình dáng thì kèn lai hay kèn trái vụ tương tự so với hoa loa kèn ta đúng vụ. Song, cũng có một số điểm riêng, nếu nhìn kỹ vẫn có thể phân biệt được. Nếu như các cành hoa loa kèn đúng vụ thường sẽ cong ở phía bông hoa thì kèn lai, kèn trái vụ có xu hướng mọc thẳng đứng, cành cao dài, nụ dày xanh mướt. 

Điểm nổi trội nhất là về độ bền của loa kèn trái vụ. Với loa kèn thường là khoảng 6 ngày, hoa trái vụ từ lúc mua về đến tận khi héo đi có thể lên tới 7 - 10 nếu như ai biết cách dưỡng và cắm. 

Trái vụ mà giá thành hợp túi tiền

Nghe đến hoa lai hay trái vụ, hẳn nhiều người có suy nghĩ chung rằng sẽ khó để có một mức giá vừa phải so với vụ chính. Thế nhưng, khảo sát một lượt qua các cửa hàng bán hoa tươi hay các bài đăng online thì giá thành mà người bán đưa ra khiến ta phải giật mình. 

"Tại Hạ Long, mình đặt một bó kèn lai mini ở hàng hoa gần nhà, giá 260.000đ là có một ôm bự, cắm đầy chiếc bình to ở nhà", chị Vũ Thanh Nhài nói. 

Loài hoa được mệnh danh "nữ hoàng tháng Tư" bỗng hút hồn chị em dịp Tết năm nay - Ảnh 2.

Ảnh: Hoan Nguyễn

Thời điểm này, một bó hoa loa kèn trái vụ được bán với giá khoảng 175.000đ - 260.000đ cho 50 bông (khoảng 15 cành), tùy thuộc vào kích cỡ của hoa. Trong khi ấy, vào lúc tháng 4, có khi phải trả 350.000đ - 400.000đ cho một bó hoa loa kèn.

Liệu có nghịch lý gì ở đây hay là kèn trái vụ không chất lượng bằng? Lý giải cho thắc mắc này, cô Đào Thị Huyền - một người trồng loa kèn ở Mê Linh, Hà Nội cho biết: "Hiện tại, ở các làng hoa lớn tại Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Lạt... đều trồng được kèn lai và kèn trái vụ. Bằng việc sử dụng củ giống, cây giống tốt và chăng đèn kích thích nên hoa nở đều, đẹp và có thể trồng quanh năm. Tháng 10, tháng 11 và 12 tôi đang bán 3 luống kèn và cũng có sẵn 5 luống nữa dự kiến sẽ nở vào giữa tháng 1, thu hoạch dần từ đó tới qua Tết. Không còn bị giới hạn độ hiếm bằng mùa vụ nữa nên giá thành cũng không cao ngất như trước kia". 

... dù có trái hay đúng vụ vẫn cần có kinh nghiệm chơi hoa loa kèn

Chị Vũ Thanh Nhài (Hạ Long) là một người yêu thích cắm hoa và đã có nhiều năm kinh nghiệm cắm các loại hoa khác nhau trưng bày tại nhà. Chị cũng là một trong những người đầu tiên bắt trend hoa loa kèn trái vụ năm nay. 

Theo chia sẻ của chị, cách dưỡng hoa loa kèn đơn giản hơn nhiều so với loài hoa đang vào chính vụ - cúc họa mi. Sau khi mua loa kèn về, dùng dao sắc để cắt gốc và tỉa bớt lá sao cho chỉ để tầm 3-4 lá tươi, đẹp ở phía trên. Kế đó hãy ngâm loa kèn vào trong nước có pha thêm dưỡng hoa trong khoảng 2 tiếng rồi mới mang đi cắm vào bình. 

Loài hoa được mệnh danh "nữ hoàng tháng Tư" bỗng hút hồn chị em dịp Tết năm nay - Ảnh 3.

Về cách cắm hoa, với sắc trắng và nở thành chùm, chị Nhài đã chọn một chiếc bình gốm men lam để cắm hoa loa kèn. Bình hoa của chị bồng cao, miệng rộng và nông, do đó phải sử dụng thêm lưới nhựa mắt cáo để cố định được các cành hoa. Chị cũng cho biết, việc dùng lưới mắt cao rất tiện để chị em dùng cho hầu hết các loại hoa. Tuy nhiên, cần chọn độ rộng của lưới mắt cáo dựa vào độ to nhỏ của cành hoa. 

 Lưới mắt cáo và chiếc bàn chông giúp chị Nhài cố định mỗi khi cắm các loài hoa. Ảnh: Thanh Nhài Vũ

Ngày đầu tiên khi đưa hoa lên bình, các cành vẫn còn thẳng và hoa chưa nở. Song, khi sang tới ngày thứ 2-3, các cành cắm ngang đã bắt đầu cong lên, nụ hoa dần hé mở. Đến khoảng ngày thứ năm, khi hoa bắt đầu nở to hơn, chị Nhài đã thay nước và sửa dáng. Ngoài ra, một mẹo để giữ được hoa tươi lâu là khi các bông loa kèn nở tới đâu thì chị đã ngắt nhụy vàng tới đó. 

Ảnh: Thanh Nhài Vũ

Bình hoa của chị Nhài cắm tới ngày thứ 7 thì lá kèn bắt đầu ngả vàng. Chị đã hạ độ cao và cắt lại cành, tạo ra một bình hoa phiên bản chú công cong đuôi. 

Loài hoa được mệnh danh "nữ hoàng tháng Tư" bỗng hút hồn chị em dịp Tết năm nay - Ảnh 6.

Ảnh: Thanh Nhài Vũ

Không cần cầu kỳ như chị Nhài, nhiều người cũng chọn bình hoa thủy tinh hình trụ để cắm loa kèn. Có thể thấy, loài hoa này rất hợp với những chiếc bình có nhiều họa tiết và tông màu như xanh dương, xanh lục. 

Ảnh: Thiên Hương, An Corner Shop, Thanh Nhài Vũ.

Chia sẻ