Mẹ Hà Nội dạy con về tiền cực hay: Nhìn cách con gái chị tự xử lý tiền lì xì năm nay, nhiều phụ huynh khen nức nở
Con gái chị Hằng có khái niệm về tài chính từ nhỏ.
Mỗi mùa Tết, nhiều phụ huynh lại băn khoăn về chuyện xử lý tiền lì xì của con. Nếu cha mẹ tịch thu hết thì con sẽ khó chịu, ấm ức, khiến không khí gia đình mất vui. Nếu đưa cho con giữ lại sợ con sẽ tiêu tiền phung phí. Vậy phải xử lý tiền lì xì thế nào để cả bố mẹ và con đều vui vẻ?
Chị Nguyễn Thị Hằng sinh năm 1988, tại Hà Nội, có 2 con nhỏ tên Dứa - 7 tuổi và Xoài - 4 tuổi. Tết năm nay, bé Dứa đòi mẹ cho tự giữ tiền lì xì. Chị Hằng tuy đồng ý với con nhưng cũng chưa yên tâm hẳn. Chị chuẩn bị cho con một chỗ cố định trong balo để con có thể an tâm cất tiền mừng tuổi vào đó. Cứ đến nhà ai chúc Tết về, việc đầu tiên Dứa làm là cất ngay vào ngăn bí mật của balo, đợi về đến nhà thì nhét heo đất.
Buổi tối trước ngày đi học trở lại, khi nhét những đồng mừng tuổi cuối cùng vào heo đất, Dứa tự hào nói với mẹ: "Mẹ ơi, đầu năm học, mẹ cho con đập heo để đóng học, mua đồ dùng học tập nhé. Con sẽ để 1 ít ra làm quỹ mua dụng cụ học trong năm, mẹ cho con tiền tiêu vặt nữa nên con để ít thôi".
Nghe câu nói của con, chị Hằng không khỏi vui mừng. Thực tế, những năm trước nữa, tiền lì xì chị Hằng đều giữ và dùng vào chi phí mua bảo hiểm cho các con, hoặc đóng tiền học,... Tuy nhiên, năm nay vì con gái Dứa đã lớn nên chị Hằng có ý định làm cho con 1 sổ tiết kiệm nhỏ, để con học cách quan sát số dư tài khoản biến động thế nào.
"Dù muốn gì đi nữa, thì rõ ràng đây cũng là lì xì của con, vì vậy vẫn cần lắng nghe và tôn trọng theo nguyện vọng của con. Mình chỉ đưa ra 1 số gợi ý định hướng thôi", chị Hằng chia sẻ. Về việc vì sao Dứa quyết định đút heo lì xì để chuẩn bị cho năm học mới, chị Hằng cho hay, đó là bởi con biết phải lao động mới tạo ra tiền và việc học hành, vui chơi của con cũng cần đến tiêu tốn. Để con hiểu được điều này, chị Hằng đã cho con làm quen với tiền từ rất sớm.
Dạy con về tài chính từ nhỏ thông qua nhiều hoạt động hàng ngày
Chị Hằng cho biết, chị thường dẫn con đi chợ, vào siêu thị học cách đọc bảng giá, tìm hiểu ý nghĩa của những khuyến mại, giảm giá trong đó. Từ khi con vào lớp 1, chị cho tiền tiêu vặt mỗi tuần. Chị luôn giải thích rõ ràng mục đích của những lần đi mua đồ, tại sao mua như vậy, số đồ này dùng vào việc gì, trong bao lâu.
"Ví dụ cuối tuần, hoặc mỗi buổi chiều tan học mẹ con mình sẽ đi chợ mua đồ. Đồ ăn tươi mua buổi chiều thường chỉ vừa đủ cho ngày hôm sau. Buổi đi chợ cuối tuần thường là mua sữa, bánh, những loại đồ ăn vặt trong tuần, hoặc những đồ thiết yếu như khăn giấy, giấy vệ sinh, hay gia vị,...
Trên xe lúc đi chợ chiều, mình sẽ nói với con, hoặc trưng cầu ý kiến xem con muốn ăn gì vào tối nay, sáng mai. Từ những món ăn đó, mình sẽ kể cho Dứa biết để nấu món đó cần những nguyên liệu gì và mua bao nhiêu cho phù hợp với khẩu phần ăn của gia đình. Trước khi đi chợ cuối tuần cũng vậy, 2 mẹ con sẽ nhẩm xem cần mua bổ sung những gì trước khi ra khỏi nhà, mang đủ tiền và tuân thủ kế hoạch mua sắm" , chị Hằng chia sẻ.
Nhờ cách dạy của mẹ mà Dứa dù rất thích những bánh kẹo sắc màu trong siêu thị nhưng có thể bước vào và đi ra quầy thanh toán với 1 quả táo trên tay. Đó cũng là lý do con chị Hằng chỉ mua 1 bộ đồ và nhất quyết không mua tới bộ thứ 2 dù bác bán hàng tha thiết khen ngợi và mẹ thì cũng đang liêu xiêu vì "nhiều váy áo xinh quá, mẹ tặng thêm cho con được không?".
"Bạn ấy nói: Thêm bộ này là con có 5 bộ váy mặc đi chơi, như vậy là đủ rồi", chị Hằng vui vẻ kể lại lời con.
Theo chị Hằng, quan trọng là cho con thấy cách tiêu tiền của ba mẹ mỗi ngày có kế hoạch, có chủ đích thì con cũng sẽ có thái độ đúng đắn với tiền bạc. Cha mẹ đừng đối xử với con như một đứa trẻ không biết gì, mà hãy coi con là 1 "người lớn nhí". Như vậy, cha mẹ sẽ luôn bất ngờ về cách con nhìn nhận và đánh giá trải nghiệm sống của chính con.