"Lỡ" cho con tự do tiêu tiền lì xì, bà mẹ ở Hà Nội bị Hiệu trưởng gọi lên nhắc nhở: Suýt thì hại con
Nhà trường đã tổ chức cuộc thuyết giảng cho các phụ huynh.
Nếu như người lớn phải đau đầu vì hàng trăm khoản tiền phải lo trong ngày Tết thì trẻ em lại mong chờ từng ngày để được ăn ngon, mặc đẹp, nhận tiền lì xì. Nhưng xung quanh số tiền may mắn này đôi khi cũng nảy sinh nhiều vấn đề.
Một bà mẹ ở Hà Nội mới đây chia sẻ trải nghiệm từ chính đứa con trai học lớp 8 của mình như một lời nhắc nhở đến các bậc phụ huynh khác. Theo đó, như mọi năm trước đó cứ sau Tết chị lại thu hết tiền lì xì của con. Nhưng năm ngoái, nghĩ để đó cho con tiêu dần nên chị không tịch thu. Cuối cùng bà mẹ này lại bị cô hiệu trưởng gọi lên thông báo là con tham gia mua bán thuốc lá điện tử.
"Con khai có tiền lì xì Tết, mà cả lớp có tận 7 bạn bị gọi lên vì vụ này cũng chỉ vì các con tò mò, lại sẵn tiền. Cả bạn nữ cũng có. Sau đó nhà trường đã tổ chức cuộc thuyết giảng cho các phụ huynh. Cô bảo mừng tuổi nhiều là làm hư trẻ, hãy để các con trong sáng không vật chất tiền bạc. Cô năm nào chỉ mừng có 5 ngàn đồng cho trẻ con", bà mẹ này cho biết.
Chị chia sẻ thêm: "Sau khi nghe cô nói, mình cũng ngộ ra nhiều thứ. Đúng thật, nhất là đối với lứa tuổi "dở hơi" này, cho nhiều tiền là làm khổ chúng nó. Năm nay mình sẽ thay đổi, ai mừng nhiều hay ít mình cũng sẽ thu lại hết như trước và nhắc nhở mọi người mừng tuổi ít thôi. Con nhà mình từ trước không có tiền tiêu vặt", chị nói.
Nên cho trẻ sử dụng tiền Tết như thế nào?
Nhiều cha mẹ đặt câu hỏi: "Nên cho trẻ sử dụng tiền Tết như thế nào?".
Kiểu 1: Hầu hết người lớn sẽ xử lý theo kiểu: Tiền con nhưng đưa mẹ giữ, mẹ để dành cho con. Trên thực tế, đây là một hành vi "lừa dối" của người lớn với trẻ. Tác động tiêu cực của hành vi này không chỉ khiến trẻ giảm lòng tin vào cha mẹ mà còn mất đi cơ hội quản lý tài chính.
Kiểu 2: Có người muốn tìm cách khác để giúp trẻ hình thành quan niệm đúng đắn về tiền và có kế hoạch về tài chính sớm. Họ gửi tiền lì xì của con vào tài khoản của con cho đến năm mười tám tuổi. Chuyện này xem ra cũng không có gì sai, nhưng tiền lì xì vốn là tiền của trẻ và là phúc lộc mà trẻ nhận được, cha mẹ nên cùng trẻ thảo luận cách xử lý hoặc hướng dẫn trẻ cách sử dụng phù hợp. Bạn nghĩ rằng bạn đã cho con mình một gia tài ở tuổi 18, nhưng thực ra bạn đã bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời để trau dồi kỹ năng quản lý tiền bạc và tính độc lập của con mình.
Kiểu 3: Nhiều phụ huynh cho rằng: "Tiền lì xì là của con, con muốn tiêu thế nào cũng được!", điều này có ổn không? Đây là quan niệm và thái độ sai lầm! Nhiều bậc cha mẹ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc rèn luyện cho con cách tiêu tiền đúng đắn nên nhiều bạn trẻ hiện nay trở thành người ỷ lại, vay nợ, hoặc quá thận trọng, bủn xỉn, không dám đầu tư... Tất cả là do họ không có cảm giác về tiền, khả năng xử lý và kiểm soát tài chính kém.
Chị Võ Phượng My (tác giả sách, cây viết chuyên sâu lĩnh vực làm cha mẹ và tâm lý trẻ ở TPHCM) cho rằng, cha mẹ có thể giáo dục tài chính và cách ứng xử cho con trẻ thông qua tiền lì xì Tết.
"Từ 3 năm nay, mình hướng dẫn con chia ra những phần nhỏ, tỷ lệ nhiều - ít tùy thuộc vào độ tuổi. Đầu tiên, con có thể sử dụng 50% để phục vụ nhu cầu cá nhân như mua dụng cụ học tập; 30% tiết kiệm; 20% còn lại cho mục đích từ thiện. Hoặc bố mẹ có thể khuyến khích con để dành số tiền đó cho những mục đích dài hạn".
Về việc dạy con quản lý tài chính hàng ngày, chị My khuyến khích con áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ tài chính được giới thiệu bởi T. Harv Eker, doanh nhân - diễn giả - tác giả cuốn sách nổi tiếng "Bí mật tư duy triệu phú". Trong đó, ông T. Harv Eker chia ra: Lọ 1: Chi tiêu cần thiết (NEC - 55% thu nhập); Lọ 2: Tiết kiệm dài hạn (LTS - 10% thu nhập); Lọ 3: Quỹ tự do tài chính (FFA - 10% thu nhập); Lọ 4: Hưởng thụ (PLY - 10% thu nhập); Lọ 5: Giáo dục (EDU - 10% thu nhập); Lọ 6: Giúp đỡ người khác (GIV - 5% thu nhập).
Tuy nhiên, với con gái lớn chỉ 8 tuổi, chị My "đơn giản hóa" thành quy tắc 3 chiếc lọ để đỡ "lắt nhắt" và khỏi mất nhiều thời gian bởi mục tiêu quan trọng nhất thời điểm này chính là nhu cầu nhận thức và tập dần cho con kỹ năng quản lý tiền. Tỷ lệ phân chia có thể theo 50%-30%-20% như đã nói ở trên.
Chị My cho rằng, tùy độ tuổi, khả năng nhận thức, mức độ quan tâm của con về tiền và sử dụng tiền mà ba mẹ có thể có cách tiếp cận phù hợp. Nhưng điều quan trọng là bố mẹ nên làm sao cho trẻ hiểu ý nghĩa thực sự của đồng tiền. Tiền chỉ là một công cụ để phục vụ cuộc sống tốt hơn, chứ không nên đặt giá trị đồng tiền lên tất cả. Tiền quan trọng và không thể thiếu, tuy nhiên cuộc sống chỉ xoay quanh tiền bạc, vật chất sẽ dễ khiến trẻ nhận thức sai lệch.
Bên cạnh đó, theo chị My, nếu muốn dạy con về tài chính hiệu quả, bản thân bố mẹ nên học cách quản lý tiền bạc đúng cách. Nếu chưa có những quan điểm chưa đúng đắn về tiền bạc thì có thể lập trình lại tư duy để có nhận thức đúng. Bởi cốt lõi của việc làm cha mẹ chính là làm gương. Mình nói những điều mình làm, và làm những điều mình nói thì mới tác động sâu sắc đến con cái.