Mẹ đơn thân nghỉ hưu sớm ở tuổi 49 với tài sản 30 tỷ và 5 điều người phụ nữ này đã thực hiện để đạt được mục tiêu
Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, tài sản mà Koski sở hữu chỉ có vài chục nghìn USD. Vậy nhưng tới năm 2019 cô đã có thể rời bỏ công việc chính thức để nghỉ hưu sớm với khối tài sản ròng 1,3 triệu USD.
Nhắc tới nghỉ hưu sớm, hẳn nhiều người sẽ cho rằng điều đó dành cho những ai có mức lương cao ngất ngưởng. Tuy nhiên suy nghĩ ấy không đúng với người phụ nữ tên Jackie Cummings Koski trong câu chuyện dưới đây.
Sau khi ly hôn và trở thành mẹ đơn thân, cô từng trải qua cuộc sống khó khăn khi một mình nuôi con gái, vậy nhưng cuối cùng Koski đã nghỉ hưu sớm ở tuổi 49 với tài sản ròng 1,3 triệu USD (gần 30 tỷ đồng).
Ly hôn và trở thành mẹ đơn thân
Trong cuộc hôn nhân của mình, phần lớn thời gian Koski để chồng quản lý tài chính gia đình. Anh ta là người trả các hóa đơn, mua trái phiếu tiết kiệm, thanh toán chi phí cho việc học của con gái họ cùng các khoản chi tiêu khác.
Năm 2004 cặp đôi ly hôn, lúc ấy tài khoản tiết kiệm của cô chỉ có khoảng 20.000 USD trong khi người chồng lại có tới 120.000 USD.
Tuy rằng sau đó tài sản đã được phân chia công bằng nhưng sự khác biệt về số tiền mà cô và chồng cũ tiết kiệm được đã cho cô một lời cảnh tỉnh. Koski xác định đã đến lúc mình phải kiểm soát tài chính cá nhân và không được sợ hãi đầu tư nữa.
Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, tài sản mà Koski sở hữu chỉ có vài chục nghìn USD, vậy nhưng tới năm 2019 cô đã có thể rời bỏ công việc chính thức để nghỉ hưu sớm với khối tài sản ròng 1,3 triệu USD.
Và sau đây là 5 điều cô đã thực hiện để đạt được mục tiêu:
1. Tìm ra con số để nghỉ hưu sớm
Koski hiện tại là một nhà giáo dục tài chính cá nhân và là tác giả của cuốn sách “Money Letters 2 My Daughter” đã nói: "Chỉ khi bạn biết mình đang bắt đầu từ đâu thì bạn mới có thể đưa bản thân đi đúng hướng".
Cô đã sử dụng quy tắc 4% để tính xem mình cần tiết kiệm bao nhiêu mới đủ tiền nghỉ hưu. Đây là quy tắc hưu trí phổ biến giúp bạn có thể rút 4% từ tài khoản mỗi năm để chi tiêu, trong suốt 25 năm liền mà không làm cạn kiệt tiền tiết kiệm.
Cô tính ra rằng mình cần số tài sản ròng 1 triệu USD để nghỉ hưu. Số tiền đó sẽ đặt vào các kênh đầu tư thu lãi, cho dù mỗi năm rút ra 40.000 USD (4%) chi tiêu thì vẫn không ảnh hưởng nhiều đến số tiền gốc.
Sau khi có được mục tiêu là một số tiền cụ thể, cô bắt đầu vạch ra các kế hoạch để đạt được mục tiêu ấy.
2. Sống ở khu vực có chi phí sinh hoạt thấp hơn
Mặc dù Koski chủ yếu tập trung vào đầu tư kiếm tiền, không quá chú trọng đến lập ngân sách chi tiết nhưng cô vẫn luôn cố gắng giữ chi phí sinh hoạt hàng năm ở mức 40.000 đến 45.000 USD. Dẫu một mình nuôi con gái song cô thực sự đã làm được điều đó.
Bà mẹ này đã giảm chi phí nhà ở bằng cách sống ở phía tây nam Ohio, là nơi có mức chi phí sinh hoạt thấp hơn các khu vực khác của Hoa Kỳ. Khoản tiền vay thế chấp hàng tháng phải trả, bao gồm cả tiền gốc, tiền lãi, thuế và bảo hiểm cho nhà ở của Koski chỉ là 800 USD.
Trong khía cạnh nhà ở, cô còn có một lựa chọn rất tỉnh táo là không trả hết nợ vay mua nhà sớm vì lãi suất của khoản vay thế chấp ấy chỉ ở mức 3%. Thay vì trả nợ, cô dùng số tiền đó đầu tư, mức lợi nhuận thu được sẽ tốt hơn nhiều.
Cô cũng giảm chi phí đi lại bằng cách mua một chiếc ô tô đã qua sử dụng, được bán với giá rẻ hơn 50% so với mức giá ban đầu và lái chiếc ô tô ấy trong suốt 8 năm mới thay thế.
3. Luôn tìm cách nâng cao khả năng quản lý tài chính
Koski chia sẻ: "Tôi không có một chỗ bấu víu an toàn nào nếu sự cố xảy ra, do đó tôi xác định rõ tất cả đều phải dựa vào bản thân mình. Để đảm bảo có đủ tiền cho những trường hợp khẩn cấp, mỗi tuần tôi sẽ chuyển một ít tiền lương vào tài khoản tiết kiệm".
Nhằm nâng cao khả năng quản lý tài chính, bà mẹ này đã nghe postcard, đọc sách hay các trang blog về tài chính cá nhân được đánh giá cao.
Khi nói về đầu tư, cô cũng khá e ngại nhưng tâm lý ấy đã thay đổi khi cô tham gia câu lạc bộ đầu tư chứng khoán địa phương vào năm 2008. "Điều đó giúp tôi hiểu thị trường chứng khoán hơn là sợ hãi nó", Koski cho hay.
4. Tập trung vào kiếm tiền hơn là tiết kiệm
"Tôi bắt đầu đầu tư và có thu nhập tốt hơn nhiều so với việc cố gắng lập ngân sách tỉ mỉ để tiết kiệm tiền. Kiếm thêm một công việc phụ hoặc đầu tư bất động sản là hai trong số những cách để tăng thu nhập. Vậy nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều phương án khác để bạn có thể lựa chọn", Koski nói.
Sau khi ly hôn, Koski chỉ có vài chục nghìn USD trong tay. Đến năm 2013, trong khi vừa nuôi con gái vừa trả các khoản vay thế chấp, giá trị tài sản ròng của cô đã đạt được 500.000 USD. Con số ấy trở thành 600.000 USD vào năm 2014, tới năm 2019 khi quyết định nghỉ hưu sớm thì Koski đã có tài sản ròng 1,3 triệu USD.
Cô khuyến nghị rằng nếu bạn đang khao khát đạt được tự do tài chính thì phải tìm ra thế mạnh của bản thân. "Điều mà bạn thực sự giỏi và thực sự yêu thích là gì?", Koski nói. Con đường để vươn tới tự do tài chính của mỗi người nhiều khi không giống nhau, phụ thuộc vào năng lực cá nhân và hoàn cảnh cụ thể của chính bạn.
5. Làm công việc yêu thích dù đã nghỉ hưu
Koski dành quãng thời gian nghỉ hưu cho công việc thuyết trình tài chính và theo học bằng thạc sĩ về lập kế hoạch tài chính cá nhân - liệu pháp tài chính tại Đại học bang Kansas.
Công việc thuyết trình ấy không chỉ là niềm yêu thích của cô mà còn giúp cô kiếm thêm tiền cho dù đã nghỉ hưu. Cụ thể Koski vẫn kiếm được 5.000 USD trong năm đầu tiên sau khi nghỉ hưu từ việc tổ chức các buổi thuyết trình về tài chính, bên cạnh các khoản lợi từ đầu tư cổ phiếu.
"Ước mơ của tôi là giúp càng nhiều người hiểu biết về tài chính càng tốt, đó là điều tôi không bao giờ muốn từ bỏ họ", Koski đã nghỉ hưu sớm để thực hiện mong ước đó của mình.
Theo: Businessinsider