Mẹ chồng tâm lý và chuyện đón Tết nhàn tênh của nàng dâu
Bởi có mẹ chồng tâm lý nên những ngày nghỉ tết với chị thực sự là những ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa, là dịp gia đình sum vầy ấm cúng.
Tết gần kề, các bà tám trong cơ quan lại than thở chuyện về quê chồng ăn Tết vất vả, tốn kém, hay chuyện mẹ chồng gọi lên nhắc khéo con dâu sắm Tết, rồi chuyện các nàng dâu méo mặt lo tiền tiêu Tết trong khi lương thưởng vợ chồng chưa biết được bao nhiêu... Chị lặng yên nghe mọi người bàn tán, cảm thấy mình may mắn được làm con dâu mẹ chồng chị. Mẹ chồng chị là người chân chất, hiền lành, tốt bụng, sống trọng tình cảm, thương con quý cháu. Vợ chồng chị bận công việc, con nhỏ nên năm chỉ về quê vào ngày giỗ, lễ Tết, bởi thế bà luôn mong ngóng con cháu về…
Tết nhất mẹ chồng chị chẳng đòi hỏi gì. Năm nào cũng thế, mẹ chồng luôn sợ chị mua sắm nhiều nên bà thường gọi điện lên dặn dò trước rằng “Đường xá xa xôi, đi lại ngày Tết đông đúc vất vả nên vợ chồng nhớ bảo ban nhau đừng mua sắm gì cả, ở quê mẹ đã lo chuẩn bị tươm tất hết rồi, chỉ đợi các con về. Các con về sớm được thì lo việc dọn dẹp nhà cửa, sắm cành đào cây quất cho có không khí Tết trong nhà là được rồi”.
Mấy Tết vợ chồng chị đều biếu ông bà vài triệu ăn Tết, bà luôn từ chối không cầm. Bà bảo “Cả năm các con đi làm ăn xa, ngày Tết mong ngóng mãi con cháu về cho nhà cửa ấm cúng quây quần, có gì đâu mà phải đóng với góp, các con cứ giữ lấy tiền lo sinh hoạt sau Tết. Bố mẹ còn sức khỏe còn kiếm ra tiền, không có cho thêm các con thì thôi chứ không lấy của các con. Bao giờ bố mẹ ốm đau cần nhờ cậy thì lúc ấy các con lo”. Ra ngoài Tết vợ chồng chuẩn bị đi, bà lại lúi cúi chuẩn bị bánh trái, hoa quả, thịt gà đùm núm bắt vợ chồng chị đem đi. Bởi có mẹ chồng tâm lý nên những ngày nghỉ Tết với chị thực sự là những ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa, là dịp gia đình sum vầy ấm cúng.
Ngày Tết, lúc nào chị cũng thấy bà tất bật tay chân chuẩn bị cơm nước cỗ bàn, nhưng hễ chị động tay vào làm là bà lại xua chị ra (Ảnh minh họa).
Nhiều chị kêu ca khoản tiền mừng tuổi Tết họ hàng quê chồng quá tốn kém, chị thì không phải lo nỗi lo ấy bởi mẹ chồng đã dặn trước với chị rằng “Họ hàng, con cháu nhà mình đông, các con chỉ cần để phong bao lì xì vài chục thôi gọi là lấy lộc may mắn đầu năm, mình có ít thì mừng ít, cốt yếu là ở tình cảm con ạ, ra Tết vợ chồng còn nhiều việc phải lo, không nên phô trương thể hiện ở những việc này”. Những lời chỉ bảo của mẹ chồng đã giúp chị đón Tết đầu ở nhà chồng không phải đau đầu suy nghĩ về khoản tiền mừng tuổi bao nhiêu cho hợp lý, cho đẹp mặt.
Mẹ chồng thường 4, 5 giờ sáng dậy quét sân, dọn dẹp nhà sạch sẽ, chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà. Chị quen dậy muộn nên trước khi đi ngủ chị bảo mẹ chồng “Mai khi nào mẹ dậy mẹ gọi con dậy với ạ!”, mẹ chồng vội gạt đi ngay. Bà bảo “Không cần thiết, dậy sớm có làm gì đâu, mẹ già rồi không ngủ được mấy, con cứ ngủ không phải giữ ý hay ngại mẹ”. Ngày Tết, lúc nào chị cũng thấy bà tất bật tay chân chuẩn bị cơm nước cỗ bàn, nhưng hễ chị động tay vào làm là bà lại xua chị ra “Các con cả năm đi làm vất vả, được mấy ngày Tết về quê nghỉ ngơi, vợ chồng nên tranh thủ thời gian đi chúc Tết các cô các bác rồi hàng xóm xung quanh. Chuyện bếp núc yên tâm đã có mẹ lo”.
Chị là phận dâu con nhưng mẹ chồng không đặt nặng trách nhiệm, bổn phận lên vai chị. Có thời gian mẹ con tâm sự trước bà làm dâu khổ thế nào bởi bà nội khó tính, rồi bà cười hiền hậu bảo “Cuộc đời làm dâu của mẹ đã khổ rồi, mẹ không muốn điều đó lặp lại ở con dâu, quanh quẩn cả đời nơi xó bếp, hay lúc nào cũng canh cánh những nỗi lo toan, suy nghĩ cay đắng về nhà chồng”. Hiểu tâm lý con dâu nên cứ sang ngày mùng 2 Tết là bà nhắc hai vợ chồng thu xếp đưa con về lễ Tết bên ngoại sớm cho ông bà vui, phấn khởi.
Chị nhớ lại Tết làm dâu đầu tiên, chị nơm nớp lo trong lòng, ở nhà chị được mẹ chiều nên việc tề gia nội trợ chị không thạo, trong khi mẹ chồng lại rất khéo léo đảm đang cho những bữa ăn gia đình. Nhìn điệu bộ ngượng nghịu của chị khi gói bánh, mẹ chồng cười nhẹ nhàng nói “Mẹ nghĩ con gái thời nào, ở đâu đảm đang cũng không có thừa, nhìn vào gian bếp là biết tài vun vén của người phụ nữ, gia đình hạnh phúc hay không con ạ”. Mẹ chồng dạy chị cách gói bánh vuông vức, luộc bánh lá xanh mướt... Ở gần mẹ chồng, được mẹ chồng chỉ dạy, chị dần học được cách nêm nếm gia vị, bữa cơm giờ chị nấu lúc nào chồng cũng xuýt xoa khen ngon…
Tết năm nay mẹ chồng không được khỏe, chị bàn với chồng sẽ về trước lo chuẩn bị Tết cho mẹ đỡ vất vả, còn anh và con bố trí về sau. Năm tháng qua đi, sau 4 năm làm con dâu của mẹ, tình cảm mẹ con thêm gắn bó, thấu hiểu lòng nhau hơn, chị luôn thầm biết ơn mẹ chồng đã sống với chị bằng tấm chân tình của người phụ nữ hết lòng với con cái...