Mẹ chồng "sính ngoại"

T.H,
Chia sẻ

Con gái có vụng về cũng vẫn được khen hay, con dâu thì chăm chỉ bao nhiêu vẫn bị cằn nhằn không thương tiếc… đó là tình cảnh chung ở những gia đình có mẹ chồng tư tưởng “sính ngoại”.

Phận làm dâu nhưng nhiều chị em không khỏi cảm giác chạnh lòng khi gặp đúng nhà chồng lúc nào cũng giữ quan điểm “nhất con gái, nhì cháu ngoại”. Sau đám cưới, tận tai nghe thấy câu động viên “sẽ coi con dâu chẳng khác con đẻ”, nhiều nàng dâu cũng phần nào yên tâm sống cùng gia đình chồng. Nhưng khi đã nếm trải phần nào cuộc sống sau hôn nhân, nhiều chị em mới ngỡ ngàng nhận ra sự thật không phải lúc nào cũng màu hồng như thế, nhất là với những gia đình có bố mẹ chồng “sính ngoại”.

Mẹ chồng
Phận làm dâu nhưng nhiều chị em không khỏi cảm giác chạnh lòng khi gặp đúng nhà chồng lúc nào cũng giữ quan điểm “nhất con gái, nhì cháu ngoại” (Ảnh minh họa).

Mặc dù không phải là người hay để ý vặt nhưng Kiều Thanh (Hoài Đức, HN) vẫn có những lúc chạnh lòng khi thấy mẹ chồng phân biệt đối xử giữa con dâu và con gái. Lấy chồng đến nay đã 3 năm, cũng ngần ấy thời gian sống cùng bố mẹ chồng nhưng dường như không lúc nào Thanh khiến mẹ chồng vừa ý. 

Cùng là một bát dưa muối nhưng con dâu tự tay làm thì mẹ chồng mình gay gắt bảo tại sao lại muối dưa mùa này, có biết là rau phun thuốc độc lắm không, rồi từ đầu bữa đến cuối bữa không đụng đũa một lần nào. Hôm sau thấy con gái mang sang hai bó dưa to đùng bảo muối thì mẹ chồng lại thay đổi đến 180 độ, đon đả bảo đúng rồi, muối dưa ở nhà ăn cho đảm bảo con ạ. Thật chẳng hiểu ra làm sao nữa! Ở nhà, mình phụ trách đi chợ, hai vợ chồng cũng kiếm ra tiền nên mình chẳng phải chi tiêu dè sẻn gì, đồ ăn thức uống chả khi nào để mẹ phải thiếu. Ấy thế mà mỗi lần con gái bà sang chơi, mang theo quả cam hay quả táo gì là bà đón lấy với vẻ mừng rỡ lắm, có ai đến nhà cũng mang ra mời và bảo của con gái mang biếu” - Thanh bức xúc kể lại.

Không chỉ có thế, cô còn cảm thấy vô cùng áp lực khi thường xuyên bị mẹ chồng đem ra so sánh với cô em chồng về độ đảm đang và vun vén công việc nhà: “Mỗi lần mình đi chợ về thì y như rằng bà lại lục giỏ ra xem có gì chưa được không để chê. Hôm thì bà chê sao mua rau xanh thế, phải mua rau có lá sâu thì mới an toàn, không sợ ăn phải rau phun thuốc. Hôm sau vào siêu thị mua rau sạch về thì bà bảo chi tiêu không biết tiết kiệm, có mớ rau cũng phải vào siêu thị mua làm gì cho tốn kém. Trong khi mấy ngày giỗ chạp, em chồng mình sang giúp, từ rau củ đến quả chanh, quả ớt cũng đòi mua siêu thị đem về, bà thấy thế tuyệt nhiên không nói năng gì. Đến bữa cơm dọn ra, mình nghe thấy bà hỉ hả nói với các dì là con gái bà đúng là sành ăn, đồ ăn đồ uống cứ phải biết được nguồn gốc xuất xứ mới mua về nhà, nó có đắt hơn bên ngoài nhưng vẫn yên tâm hơn mua ở chợ. Nghe thấy bà nói thế, mình hiểu ra vấn đề luôn” - Thanh cho hay, giọng vẫn chưa hết ấm ức.

Đợt mình mới về làm dâu, mình vẫn còn nhớ như in những lời mẹ chồng nói trước mặt bố mẹ đẻ mình rằng sẽ đối xử với con dâu như con bà đứt ruột đẻ ra, hồi đó mình cảm động đến suýt khóc cơ đấy. Nhưng sống cùng nhau được vài năm, mình mới ngẫm ra được nhiều điều, ừ thì con nào cũng là con nhưng con gái sẽ luôn đứng trên con dâu một bậc, thậm chí nhiều bậc là đằng khác” - Thanh chua chát giãi bày. 

Cũng cùng cảnh bố mẹ chồng “sính ngoại” như Kiều Thanh, Cẩm Vân (Cầu Giấy, HN) đã không ít lần phải chịu ấm ức khi chứng kiến cảnh bị phân biệt đối xử với các em chồng. Dù biết rằng “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, nhưng đôi khi Vân vẫn không khỏi chạnh lòng khi nghĩ tới thân phận làm dâu nhà người. 

Mình sống với bố mẹ và hai cô em chồng đã hơn 4 năm nay, chồng đi làm xa nhà nên chẳng tránh được cảm giác đơn độc, nhất là khi thấy các em chồng được mẹ chiều chuộng. Em chồng mình, một đứa kém mình 1 tuổi, 1 đứa kém 3 tuổi, cũng chẳng cách nhau bao xa nên cũng khá thân nhau. Chỉ có điều, đôi khi mình quay ra ghét lây vì hai đứa được mẹ chồng chiều chuộng quá. Ngày hai đứa chưa đi lấy chồng, việc nhà một mình mình tự xử, hai đứa đi làm về chỉ ngồi vắt vẻo xem tivi chờ đến giờ cơm, quần áo thay ra vứt nguyên si trong nhà tắm, kể cả quần áo lót chờ chị dâu vào tắm sau cùng rồi giặt giũ. Có lần mình ý kiến thì mẹ chồng bảo các em đi làm bận nên mệt mỏi, con phải thương các em. Mình nghe xong chỉ muốn hét toáng lên là thế chẳng lẽ con dâu mẹ thì không phải đi làm chắc?” - Vân kể.

Mẹ chồng
Với con gái, cháu ngoại thì bà cưng nựng như "cục vàng" (ảnh minh họa).

Thậm chí, ngay cả khi đã đi lấy chồng, các cô em chồng vẫn khiến chị dâu nhiều lần “sôi gan” mà không thể phản ứng vì mẹ chồng bênh vực. “2 năm sau thì một cô đi lấy chồng, gần nhà nên cứ sểnh ra là lại thấy chạy qua ăn cơm, thậm chí ngủ lại. Có hôm lười nấu ăn còn hồn nhiên chạy qua nhà bê nguyên con gà mình mất cả buổi hì hụi làm sạch sẽ rồi luộc, vừa bắc nồi ra vẫn để trên bàn ăn. Mẹ chồng mình thấy thế lại phủi tay bảo thôi con chịu khó làm món khác, con ấy để em mang về. Trong khi ngẩng đầu lên nhìn đồng hồ đã gần 7h tối, giờ cơm đến nơi, vừa đói vừa bực, nước mắt mình cứ thế tuôn ra lã chã” - Vân sụt sùi kể lại tình cảnh làm dâu của mình.

Đến khi em chồng mình sinh em bé, mẹ chồng mình hăng hái lên bệnh viện từ đêm hôm trước, về nhà thì chạy qua nhà con thường xuyên để tắm rửa, cho ăn. Cháu mình đầy tháng, bà sang xin nhà chồng đem con đem cháu về chăm bẵm cho tới tận lúc em chồng đi làm mới thôi. Chưa kể, chuyện em mình mang con qua gửi bà ngoại thường như cơm bữa vì nhà chồng nó neo người, bà trông cháu đến tận khi nó 27 tháng mới cho đi nhà trẻ. Trong khi, nhìn cảnh mình mà thấy xót xa, con mình tự chăm là chính, nhờ được bà tắm rửa xong là bà kêu bận vì mải trông cháu ngoại. Thành ra con được hơn 1 tuổi, mình đã phải mang con đi gửi trẻ để còn đi làm. Nhiều khi, mình cũng thắc mắc không hiểu sao mẹ chồng mình lại lạnh nhạt với cháu nội đến như thế, ngược lại cháu ngoại thì không khác gì cục vàng” - Vân chia sẻ, giọng vẫn chưa hết bức xúc.
Chia sẻ