Mẹ chồng không cho đeo nhẫn cưới vì sợ... mòn, tôi lập tức tháo và ngọt ngào đưa ra đề nghị khiến bà cứng họng
Thấy sự tiết kiệm của mẹ chồng có phần thái quá, tôi quyết không nhẫn nhịn nữa. Vậy nên khi bà không cho đeo nhẫn cưới, tôi đã đáp trả thẳng thừng.
Tôi và Luận vốn cùng công ty, nhưng chẳng bao giờ tiếp xúc hay có mối liên hệ nào với nhau cả. Mãi tới khi nhận một dự án của khách hàng, 2 team chúng tôi được phân công làm chung và tôi chính thức biết anh đồng nghiệp điển trai.
Ban đầu, tôi cũng không có cảm tình gì tới anh đâu, thậm chí thấy Luận có phần đáng ghét và kiêu ngạo. Nhưng càng về sau, tôi càng thấy anh là người có năng lực, nhiệt tình và tử tế. Và cái định kiến ban đầu cũng bớt dần.
Nhưng bất ngờ nhất, trong buổi liên hoan mừng dự án thành công tốt đẹp, Luận tỏ ra quan tâm tôi hơn. Anh ngồi kế bên, thấy tôi bị chuốc rượu còn đỡ giúp. Mấy đồng nghiệp thấy thế lại cứ gán ghép thêm làm tôi ngượng đỏ mặt.
Và lúc tàn cuộc vui, anh đề nghị chở tôi về. Đương nhiên, tôi từ chối rồi. Phần vì anh còn uống nhiều hơn tôi, phần nữa vì tôi thấy mối quan hệ không quá thân thiết. Nhưng Luận cứ khăng khăng dắt tay tôi ra bãi đỗ xe. Và sau hôm đó, anh công khai tán tôi với cả công ty.
Tôi từng nghĩ mình là người con gái vô cùng mạnh mẽ và bản lĩnh, nhưng "cầm cự" được hơn 3 tháng, tôi cũng xiêu lòng và gật đầu làm người yêu của Luận.
Quãng thời gian yêu đương đó cũng rất vui, anh từng đưa tôi về nhà chơi vài lần. Cá nhân tôi thấy bố anh rất vui tính dù giữ chức vụ cao, mẹ anh thì có phần khó tính và tiết kiệm hơn, nhưng cũng dễ gần. Và quan trọng hơn cả, gia đình anh khá giàu có nhưng không hề coi thường tôi là gái tỉnh lẻ, vậy là tôi đã thấy hạnh phúc rồi.
Cuối năm đó, tôi và Luận làm đám cưới. Và tới lúc rục rịch chuẩn bị chung 1 nhà này, tôi mới biết rằng mẹ anh không chỉ là "hơi khó tính và tiết kiệm" như mình từng nghĩ, mà là "siêu siêu khó tính và cực cực tiết kiệm".
Ví dụ như việc chọn mua nhẫn cưới, bà cũng nằng nặc đòi bám theo. Từ lúc ngồi lên xe bà đã than vãn việc đi ô tô tốn tiền xăng, tốn tiền gửi xe. Tôi biết thân biết phận nên chỉ cười gượng, mặc cho Luận giải quyết.
Thế nhưng tới lúc chọn nhẫn, bà bắt nhân viên bày la liệt hết ra mà chẳng chọn được chiếc nào. Cách bà chê rất phũ phàng cũng khiến tôi xấu hổ với nhân viên bán hàng.
Tới khi tôi và Luận ưng 1 cặp nhẫn có gắn kim cương thì bà bắt đầu cản: "Ai lại đi mua chiếc nhẫn cưới vàng trắng như này? Nhìn có khác gì bạc đâu? Mất tiền mua đắt tiền xong ai ai cũng nghĩ các con đeo đôi rẻ tiền vài trăm à??
Cũng để chiều lòng bà, tôi đành thuận theo lấy 1 chiếc nhẫn vàng trơn, xấu xí với lý do: "Nhẫn vàng và to này người ta biết các con có của rồi. Đã là vàng cưới thì phải màu vàng chứ, hình thức làm gì, mỗi năm mỗi mẫu. Chỉ có giá trị của vàng là không đổi thôi".
Ngay như chuyện mời cỗ, bà cũng nghĩ sẽ bỏ bớt họ hàng nghèo để thêm được đối tác giàu có. Và khách nhà tôi, bà cũng coi thường vì phong bì mỏng, lỗ tiền. Rồi còn nhiều chuyện nữa khiến tôi phát điên. Cứ tưởng bà nhiều tiền thì sẽ hào phóng, nào ngờ còn tính toán chi li rất đáng sợ.
Nhưng tới ngày chúng tôi vừa làm đám cưới xong, tôi mới thật sự không chịu nổi tính khí của mẹ chồng. Một buổi tối, bà lên phòng chúng tôi và dỗ: "Này, đưa nhẫn cưới đây mẹ giữ cho".
Vàng cưới thì tôi đã đưa cho bà từ hôm mới xong đám. Nhưng giờ ngay cả nhẫn cưới bà cũng không cho vợ chồng tôi đeo là sao? Tôi hoang mang hỏi thì bà thẳng thừng bảo: "Cái nhẫn này là vàng ta đó con, đeo trên tay rồi mòn bớt, bán đi mất giá. Đưa mẹ giữ cho thì vẫn còn nguyên vẹn!"
Tôi choáng váng với lời nói đó. Cảm thấy bực bội vì bị kiểm soát mọi thứ, tôi quyết không nhịn nữa. Thế nhưng, tôi hít 1 hơi thật sâu, cố ngọt ngào nói: "Mẹ ơi, con nghe lời mẹ, con tháo ra cho khỏi mòn. Nhưng dù sao vợ chồng con cũng cần tiền để chuẩn bị đầu tư kinh doanh, nên con với anh Luận sẽ đem bán luôn ạ! Với lại mẹ cũng cho con xin lại số vàng mẹ giữ hộ hôm trước nhé mẹ!"
Bà nghe thấy thế chẳng có cớ gì mà bắt bẻ nữa nên hậm hực đi về phòng. Đã thế, tôi sẽ bán chiếc nhẫn này đi và mua chiếc nhẫn khác theo đúng ý mình!