Mẹ chồng cay nghiệt

Theo Thế giới phụ nữ,
Chia sẻ

Dần dà, Mận biết nguyên do mẹ chồng hành hạ mình, cô sút cân nhanh chóng, gương mặt vàng vọt như tàu lá héo, hai mắt trũng sâu thâm quầng, ánh mắt ngày một đờ đẫn.

Mận do bà Lương nhặt về từ dưới gốc cây mận bên sông Thương. Mận nằm dựa gốc cây, lớp tuyết phủ kín nửa người bên dưới.

3 bát nước gừng nấu đường đổ vào người làm Mận trở lại dương thế sau vài tiếng ú ớ trong cổ họng. 2 hôm sau, hai má cô ửng hồng khiến Lương - con trai bà Lương - thèm giỏ dãi. Hồi nhỏ, Lương đánh nhau bị chọc mù một mắt, vết sẹo hình con rết dữ dằn bên cằm cũng là dấu tích của cuộc ẩu đả ấy. Vì thế gần 40 mà Lương chưa lấy được vợ.

Mận thiểu năng, khi nói chỉ được một hai chữ. Hỏi cô ăn gì, trong bát là mì sợi hay rau, cô nói: “Bột, hấp bột”.

Mẹ chồng cay nghiệt 1
  

Mận không nói trọn vẹn một câu đã đành, mà còn không biết làm việc gì, đến cầm cái chổi quét nhà cũng không biết. Bà Lương định đưa cô ra uỷ ban xã để xã tống khứ đi đâu thì đi, nhưng Lương sống chết không chịu. Không còn cách nào khác, bà đành làm mâm cơm mời bà con xóm giềng tuyên bố Mận là con dâu bà.

Sau khi Mận trở thành con dâu, bà Lương càng không chịu nổi câu “bột”, “hấp bột” của cô. Hễ nghe cô nói câu ấy là bà chửi, chửi chưa thấy hả dạ, bà sấn tới véo mồm. Một lần, thấy mẹ chửi vợ rồi định véo mồm vợ, Lương thở dài kéo vợ về phòng riêng, ôm vợ than thở: “Em ơi, đời anh liệu có được ăn bột do em hấp không?”. Trên gương mặt ngẩng lên của Mận, lõm bõm mấy giọt lệ từ khóe mắt Lương chảy xuống.

Không ngờ, từ hôm đó trở đi, Mận phí phạm lương thực như kẻ trúng tà: Cô lấy trộm bột ngô trong nhà trốn ra bờ sông Thương, lấy nước sông hòa bột làm bánh. Cô nhào thế nào bột trong tay cũng không kết dính. Hồi đó, lương thực xã phân phối chủ yếu là ngô, mà bột ngô rời rạc không làm bánh được.

Lần ấy, Lương không ở nhà, Mận lấy trộm bột ngô bị bà Lương trông thấy, bà vớ lấy roi tre gai vụt véo véo tới tấp lên người Mận làm cô bò lê bò càng dưới đất khóc ri rỉ: “Con, bột, hấp bột.”

Lương về nhà thấy thế xót vợ, nói với mẹ giọng buồn bực: “Vợ con muốn học làm cơm, sao mẹ không dạy vợ con mà đánh đập ác thế?”. Bà Lương trợn tròn mắt ếch: “Tao dạy nó nấu cơm? Khác gì ném bùn qua ao?”

Bà Lương sinh nở muộn, năm 37 tuổi mới đẻ Lương. Lương vừa chập chững biết đi thì bố về chín suối vì bệnh lao. Tự đáy lòng, bà Lương suy tính, Lương là con một, Mận tuy đần độn nhưng nếu sinh được đứa con thì nỗi lo canh cánh trong lòng bà mấy chục năm qua sẽ tiêu tan như mây khói. Bà để ý theo dõi từ đầu, lâu không thấy Mận có kinh, bà bèn đưa Mận lên bệnh viện trên tỉnh khám phụ khoa. Bác sĩ béo lùn khám một hồi rồi cởi khẩu trang bảo: Con gái bà là “thạch nữ” (không có khả năng sinh đẻ từ ngày lọt lòng mẹ).

Nghe nói thế, bà Lương mặt mày tối sầm như quả cà tím. Xuống xe, bà không về nhà mà đi thẳng đến uỷ ban xã nằng nặc đòi giao Mận cho xã muốn đưa đi đâu thì đưa. Bà đang lu loa thì Lương chạy đến nói: “Mẹ bé bé cái mồm thôi, con không bỏ vợ con đâu”. Lương dắt tay Mận về nhà. Bà Lương ngồi bệt xuống đất tru chéo: “Trời đất ơi, thằng trời đánh thánh vật kia. Lấy vợ rồi bỏ mẹ hả!”

Lương tuy giữ được vợ nhưng bà mẹ không ngày nào là không chửi bới, véo mồm, đánh đập, bỏ đói Mận. Do tật nguyền không sinh được con, Lương có thương vợ đến mấy cũng không ngăn nổi tay mẹ, bịt nổi mồm mẹ.

Dần dà, Mận biết nguyên do mẹ chồng hành hạ mình, cô sút cân nhanh chóng, gương mặt vàng vọt như tàu lá héo, hai mắt trũng sâu thâm quầng, ánh mắt ngày một đờ đẫn.

Năm ấy, sau mùa gặt, Lương cùng anh em trong làng đi dân công đắp đê cách làng hơn chục cây số về phía Nam. Không có Lương ở bên cạnh, hằng ngày, Mận ra bờ sông Thương ngồi trong gió rét cuối thu nhìn về hướng Nam từ sáng đến tối mịt.

Mùa đông đang đến gần, Lương vẫn chưa về. Gió bấc thổi từng cơn, dân làng rất ít ra khỏi nhà. Một hôm, lũ trẻ chạy như bay từ bờ sông Thương về làng, vừa chạy vừa hốt hoảng kêu thất thanh: Cô Mận chết rồi, chết ngoài bờ sông!”. Bà Lương và một số bà con vội vã chạy ra đê.

Trên bãi đất ven sông, Mận nằm sóng xoài mặt hướng về Nam. Xung quanh cô có rất nhiều nắm đất hình tháp xếp thành hàng, những chiếc bánh nặn bằng đất hình tròn lấp lóa dưới ánh nắng đầu Đông.



Chia sẻ