Mất ăn, mất ngủ vì bỗng dưng bị "phán" có thai

Theo Baophapluat.vn,
Chia sẻ

Dù Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho kết quả trái ngược nhưng phía Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên vẫn khẳng định kết quả siêu âm của mình đối với chị Lê Thị Chính là đúng. Dư luận đang chờ câu trả lời từ đơn vị thanh tra…

Mất ăn, mất ngủ vì  bỗng dưng bị
Siêu âm BV Quốc tế Thái Nguyên chẩn đoán chị Chính có thai, trong khi kết quả siêu âm BV Phụ sản Trung ương ngược lại

Mới hết kinh, bác sỹ thông báo có thai

Việc diễn ra khoảng 3 tháng trước nhưng khi kể lại chị Lê Thị Chính (tổ 5, phường Tân Lập, TP.Thái Nguyên) vẫn bức xúc.

Chị cho biết, thời điểm đó chị thấy vùng cổ và gáy bị đau khá nhiều, đêm có khi không ngủ được vì đau. Nghe nói Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên mới được đầu tư khá hoành tráng nên chị đến khám. Sau khi chụp X quang, nhân viên bệnh viện gợi ý chị siêu âm để kiểm tra ổ bụng. “Tôi thấy hợp lý nên bằng lòng. Kết quả thật bất ngờ, bác sĩ thông báo tôi có thai. Tôi không tin vì mình vừa hết kinh được 5 ngày. Nhưng các bác sĩ vẫn dứt khoát kết luận tôi có thai khoảng 5 tuần tuổi” - chị Chính cho biết.

Anh Trần Thế Thông (chồng chị Chính) tỏ ra lo lắng trước kết quả siêu âm của vợ. Người chồng cho rằng, hình ảnh mà bác sĩ kết luận là thai 5 tuần tuổi kia có thể là một u nang. Hôm sau anh Thông đưa chị Chính đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên để siêu âm lại và làm các xét nghiệm liên quan. Theo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, có hình ảnh túi dịch ở tử cung người bệnh.

Vợ chồng chị Chính tiếp tục mất ăn mất ngủ vì sợ túi dịch kia là một khối u. Khoảng một tuần sau, chị Chính quyết định xuống Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám, siêu âm và làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả thật bất ngờ, trái ngược với các kết quả của 2 bệnh viện ở tỉnh, tử cung của chị Chính hoàn toàn bình thường, cũng không có túi dịch như kết quả siêu âm ở Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên.

“Bệnh viện chẩn đoán sai rất dễ ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu hôm ấy là người khác, họ tin tuyệt đối vào kết luận của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và tiến hành nạo hút luôn (vì không có nhu cầu sinh con nữa) thì sao? Các bác sĩ sẽ hút ra cái gì? Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này? Chưa kể nếu người phụ nữ đó đã thực hiện các biện pháp tránh thai, người chồng sẽ nghi ngờ, ghen tuông, chưa biết hậu quả đi đến đâu” - chị Chính nói.

Phóng viên mang hình ảnh kết quả siêu âm của chị Chính đến gặp nhiều bác sĩ phụ sản thì được biết, đó là các bộ phận gan, mật và suy đoán có thể các bác sĩ đã nhìn nhầm thành túi ối.

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên vẫn khẳng định siêu âm đúng

Trước những phản ánh của chị Chính, ông Lê Xuân Tân - Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên khẳng định: “Chắc chắn là chị Chính có thai. Sau khi có thông tin về sự việc, tôi đã cho kiểm tra lại máy siêu âm, kết quả trong máy của chúng tôi còn lưu giữ ngày giờ, tên tuổi vẫn ghi lại rất rõ ràng. Nếu chị Chính xuống Bệnh viện Phụ sản Trung ương kiểm tra ngay hôm sau thì tôi còn có thể nghi ngờ”.

Ông Tân cho biết thêm: “Bác sĩ siêu âm đã kết luận đúng nhưng y tá lại in hình ảnh của túi gan, mật nên dẫn đến sự việc hôm nay. Nếu chúng tôi có sai sót thì chính là sai sót của các cô y tá lựa chọn hình ảnh để in bởi họ không có chuyên môn trong chẩn đoán hình ảnh. Nếu chúng tôi làm sai, chúng tôi sẽ xin lỗi vì bác sĩ cũng có thể có những lúc sai”.

Cách ghi của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên trong phiếu kết quả siêu âm của chị Chính cũng có sự khác biệt so với các kết luận có thai của những đơn vị y tế khác. Cụ thể, phiếu này ghi: “Hình ảnh một túi dịch trong buồng tử cung, theo dõi túi ối của thai khoảng 5 tuần”, còn ở những bệnh viện khác, bác sĩ thường ghi ngắn gọn “Trong buồng tử cung có hình ảnh túi ối, thai 5 tuần” hoặc “Trong buồng tử cung có hình ảnh thai”…

Người viết đề nghị được gặp bác sĩ đã siêu âm cho chị Chính nhưng Giám đốc Lê Xuân Tân từ chối. Ông Tân nói: “Mới đây Bộ Y tế đã gửi công văn lên Sở Y tế với yêu cầu kiểm tra, báo cáo sự việc lại cho Bộ biết. Kết quả thanh tra sẽ khẳng định chúng tôi đúng hay sai, mong các bạn chờ đợi. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng chúng tôi không sai”.

Đại diện Sở Y tế Thái Nguyên cho biết sẽ thông báo kết quả thanh tra đến báo chí.

Kết luận của bác sĩ chưa thể khẳng định bệnh nhân mang thai

(Bác sĩ Lê Thị Kim Dung - Trưởng khoa Sản - Trung tâm Y tế Lao động - Hà Nội)

“Thông thường sau khi hết kinh, trong tử cung của người phụ nữ vẫn còn một chút dịch. Chất dịch này do lớp niêm mạc tử cung bị bong ra và chưa được đào thải hết ra ngoài cùng kinh. Do vậy, nhiều phụ nữ sẽ thấy xuất hiện dịch âm đạo ngay sau khi sạch kinh. Hiện tượng này giống như dịch nhầy âm đạo khi đến giữa chu kỳ kinh - thời kỳ rụng trứng của phụ nữ.

Nếu bác sĩ ghi chẩn đoán “Hình ảnh một túi dịch trong buồng tử cung, theo dõi túi ối của thai khoảng 5 tuần” như thế có nghĩa là bác sĩ siêu âm nghi ngờ có thai nên đề nghị theo dõi. Kết luận này của bác sĩ chưa thể khẳng định là bệnh nhân đã mang thai. Trong trường hợp này nên tiến hành thử HCG mới có kết quả chính xác, bởi nội tiết tố HCG là dấu hiệu quan trọng để các bác sĩ phát hiện ra tình trạng mang thai trong 2 tháng đầu tiên.

Tôi cũng mới gặp một trường hợp gần giống như thế. Bệnh nhân của tôi chu kỳ kinh nguyệt không đều, có tháng xuất hiện 2 lần kinh, những trường hợp như thế này thường không dễ có thai. Nhưng khi tiến hành siêu âm thì tôi thấy có túi dịch trong buồng tử cung, thấy nghi ngờ nên tôi cho bệnh nhân đi thử HCG thì có kết quả chị này có thai. Do vậy, nếu đã có nghi ngờ, bệnh nhân nên thử HCG theo lời khuyên của các bác sĩ”.


Chia sẻ