Mang thai, sinh con ở tuổi vị thành niên: Trẻ phải đối mặt với nhiều hệ luỵ về sức khoẻ và tinh thần

HN,
Chia sẻ

Mang thai, sinh con ở tuổi vị thành niên sẽ để lại ảnh hưởng không tốt đến cả sức khỏe lẫn tinh thần của trẻ.

Mới đây, cộng đồng mạng không khỏi xôn xao trước thông tin bé gái 12 tuổi ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, (Hà Nội) mang bầu sắp đến kỳ sinh nở. Thông tin này khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và xót xa. Theo thông tin từ báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, bé gái 12 tuổi đã sinh con trai vào lúc gần 18 giờ chiều 17/4. Em bé nặng 3kg và cả hai mẹ con hiện trong tình trạng sức khỏe tốt.

Mang thai, sinh con ở tuổi vị thành niên: Trẻ phải đối mặt với nhiều hệ luỵ về sức khoẻ và tinh thần- Ảnh 1.

Thông tin bé gái 12 tuổi ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, (Hà Nội) mang bầu sắp đến kỳ sinh nở khiến dư luận vô cùng xót xa.

Qua câu chuyện này càng nhấn mạnh một điều rằng, cha mẹ chính là những người đầu tiên và quan trọng nhất bảo vệ con khỏi những nguy cơ bị xâm hại. Bởi nếu bị xâm hại, trẻ sẽ bị tổn thương rất lớn về mặt sức khỏe và tinh thần. Nhất là trong trường hợp dẫn đến hậu quả là trẻ có bầu như trường hợp bé gái 12 tuổi nói trên.

Đáng tiếc, những trường hợp sinh con ở tuổi vị thành niên (VTN) vẫn còn do trẻ thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản. Tháng 2/2023, một nữ sinh lớp 7 ở Bắc Giang có thai rồi tự sinh con trong nhà tắm khiến dư luận vô cùng bất ngờ. Điều đáng nói, cả gia đình và nhà trường đều không hay biết trẻ đã trải qua giai đoạn mang thai trước đó.

Thực tế, tại Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã từng tiếp nhận điều trị một trẻ gái 14 tuổi, mang thai và không có kiến thức làm mẹ ở tuổi vị thành niên.

Những nguy cơ có thể gặp khi mang thai ở tuổi vị thành niên

Theo chia sẻ của TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng Khoa Sức khỏe Vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương, mang thai, sinh con ở tuổi vị thành niên để lại ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ, nguy cơ tử vong mẹ cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành.

Mang thai, sinh con ở tuổi vị thành niên: Trẻ phải đối mặt với nhiều hệ luỵ về sức khoẻ và tinh thần- Ảnh 2.

Mang thai, sinh con ở tuổi vị thành niên sẽ để lại ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ. Ảnh minh họa

Ở tuổi vị thành niên, cơ thể trẻ chưa phát triển đầy đủ, chưa thích hợp cho việc mang thai và sinh con. Cộng với việc chưa đủ hiểu biết, nhuần nhuyễn kiến thức mang thai, làm mẹ ở tuổi này dễ khiến trẻ gặp biến chứng như thiếu máu, thai lưu, đẻ non, sảy thai. Đặc biệt là khi trẻ sinh con, nguy cơ bị băng huyết, nhiễm trùng, sản giật... cũng cao hơn.

Không những thế, trẻ sinh ra từ người mẹ là trẻ vị thành niên có nguy cơ tử vong cao hơn đáng kể so với trẻ sinh ra từ mẹ 20-24 tuổi. Theo WHO, đứa trẻ sinh ra từ người mẹ đang ở tuổi vị thành niên rất dễ bị suy dinh dưỡng, suy hô hấp, chưa kể nhiều bệnh do sức đề kháng yếu. Điều này là do bộ máy sinh sản của bà mẹ đang trong giai đoạn vị thành niên vẫn chưa hoàn thiện, chưa sẵn sàng cho việc sinh đẻ, bào thai dễ bị ngạt trong tử cung.

Bên cạnh đó, mang thai, sinh con ở tuổi vị thành niên còn có thể khiến trẻ mất đi cơ hội học hành, hạn chế sự lựa chọn và phát triển trong cuộc sống. Nhiều trẻ còn gặp bế tắc, nguy cơ cao bị căng thẳng và khủng hoảng tâm lý do chưa sẵn sàng mang thai và làm mẹ.

Trẻ cần được giáo dục về giới tính và tình dục an toàn để bảo vệ bản thân

Vị thành niên là giai đoạn thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi có con trong độ tuổi vị thành niên, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn.

Mang thai, sinh con ở tuổi vị thành niên: Trẻ phải đối mặt với nhiều hệ luỵ về sức khoẻ và tinh thần- Ảnh 3.

Cha mẹ của các con trong độ tuổi vị thành niên nên quan tâm đến con cái nhiều hơn, dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với con để con có những định hướng đúng đắn về tình cảm. Ảnh minh họa

Theo chuyên gia sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, hiện độ tuổi dậy thì trung bình từ 10 - 11 tuổi, có em có thể dậy thì sớm hơn. Khi đó, các em có nhu cầu tìm hiểu cơ thể mình cũng như bạn khác phái và bắt đầu có các tiếp xúc tình dục. Do đó, phải giáo dục các em trong độ tuổi này các vấn đề về giới tính và tình dục an toàn. BS Dung cho rằng, nên đưa các bài giảng giáo dục giới tính về cơ quan sinh dục và tâm sinh lý ở tuổi dậy thì vào chương trình học tập để cung cấp đầy đủ kiến thức liên quan đến quá trình thụ thai, cách ngăn ngừa thụ thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục... cho trẻ.

TS Đỗ Minh Loan cũng đưa ra lời khuyên, cha mẹ của các con trong độ tuổi vị thành niên nên quan tâm đến con cái nhiều hơn, dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với con để con có những định hướng đúng đắn về tình cảm. Cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn để bảo vệ bản thân.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Vụ sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), tỉ lệ trẻ vị thành niên (VTN) mang thai trong tổng số người mang thai tăng lên liên tục qua các năm. Năm 2010 là 2,9%, năm 2011 là 3,1%, năm 2012 là 3,2%. Tương ứng tỉ lệ phá thai ở lứa tuổi này lần lượt là 2,2%, 2,4% và 2,3%.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, 44 trong số 1.000 trẻ được sinh ra từ các bà mẹ tuổi VTN (15-19 tuổi). Ở các nước đang phát triển, ít nhất 10 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn trong 1 năm ở những trẻ nữ VTN độ tuổi 15 đến 19. Các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh đẻ là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với các trẻ gái 15-19 tuổi.

Chia sẻ