Mắc ung thư gan 15 năm vẫn sống khỏe mạnh, Giám đốc bệnh viện Ung bướu 81 tuổi tiết lộ 3 sự thật ít người biết về ung thư
Trong những lần xuất hiện trên truyền thông, bác sĩ Kecheng đã chia sẻ những sự thật về ung thư khiến bao người ngỡ ngàng, chủ động thay đổi lối sống gấp.
Vào tháng 1 năm 2006, bác sĩ Xu Kecheng, giám đốc Bệnh viện Ung thư Fuda Quảng Châu (Trung Quốc) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan. Khi mới biết tin, cũng như bao bệnh nhân khác ông đã không thể chấp nhận được sự thật.
Tuy nhiên sau khi bình tĩnh trở lại, bác sĩ Xu Kecheng nhận ra bản thân không thể dễ dàng bỏ cuộc vì vậy đã chấp nhận điều trị. Đến nay đã 15 năm trôi qua, bác sĩ Xu Kecheng đã 81 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, không những bệnh được kiểm soát mà ông còn là một trong những vị bác sĩ tuyến đầu chống ung thư trong cả nước.
Trong những lần xuất hiện trên truyền thông, bác sĩ Xu đã chia sẻ lại những kinh nghiệm chống ung thư của mình khiến bao người ngỡ ngàng, chủ động thay đổi lối sống gấp.
3 sự thật về ung thư mà bác sĩ Xu Kecheng chia sẻ
1. "Ung thư từ miệng mà vào"
Theo khảo sát, Trung Quốc có hơn 3 triệu ca mắc ung thư mới mỗi năm, và hầu hết nguyên nhân gây ung thư đều liên quan đến chế độ ăn uống kém. Theo bác sĩ Xu Kecheng, thói quen ăn uống kém khoa học dễ dẫn đến các bệnh ung thư đường ruột, ung thư dạ dày, ung thư vú...
Bệnh viện Ung thư thuộc Học viện Khoa học Y tế Trung Quốc từng công bố "danh sách đen" các loại thực phẩm gây ung thư, bao gồm thực phẩm ngâm chua, nướng, hun khói, chiên và nấm mốc.
Đặc biệt, nếu ướp thịt không đúng cách trước khi nướng sẽ sinh ra một lượng lớn nitrit, thịt nướng, thịt hun khói chứa chất gây ung thư mạnh benzopyrene, những chất này khi ăn sẽ tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc dạ dày, khiến người ăn bị ung thư dạ dày cao hơn khoảng 20 lần so với những người khác.
Ngoài ra, thói quen ăn đồ mốc có chứa độc tố aflatoxin cũng rất nguy hiểm. Aflatoxin là độc tố hại hơn 68 lần so với asen và 10 lần độc hại hơn potassium cyanide. Nó hiện là chất gây ung thư gan mạnh nhất.
Rõ ràng "ung thư từ miệng mà vào". Vì thế thay vì tiêu thụ những thực phẩm nguy hiểm, bác sĩ khuyên mọi người nên ăn yến mạch, bắp cải, dầu hạt lanh và các loại hạt mỗi ngày để tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Tuy nhiên, phòng chống ung thư chỉ dựa vào chế độ ăn uống là chưa đủ, bác sĩ cho rằng cần kết hợp với tập thể dục, thể thao hàng ngày, duy trì cân nặng và thực hiện tầm soát ung thư thường xuyên thì mới có thể ngừa bệnh hiệu quả.
2. Phẫu thuật phải thận trọng, không phải ai mắc ung thư cũng có thể thực hiện
Bác sĩ Xu Kecheng nói rằng: Có nhiều bệnh nhân ung thư gan mà ông từng tiếp nhận dù được phẫu thuật nhưng bệnh vẫn tái phát sau 1-2 năm, thậm chí là sau vài tháng. Do đó, không phải bệnh nhân ung thư nào cũng phù hợp để làm phẫu thuật.
Ông Xu Binghe, Phó Khoa Nội của Bệnh viện Ung thư thuộc Viện Khoa học Y khoa Trung Quốc cũng cho biết, đối với những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, nếu áp dụng phương pháp phẫu thuật sẽ dễ làm cơn đau trầm trọng hơn và khiến bệnh nhân suy nhược hơn. Phẫu thuật hiện là phương pháp chữa ung thư triệt để tương đối hiệu quả, nhưng không phải bệnh nhân nào cũng thích hợp để phẫu thuật, chẳng hạn như 4 nhóm người sau:
- Bệnh nhân thiếu máu trầm trọng, mất nước, bị rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng nghiêm trọng.
- Bệnh nhân mắc các bệnh nặng về tim, thận, gan, phổi, hoặc sốt cao...
- Bệnh nhân có tổn thương đã di căn.
- Bệnh nhân có đường viền khối u mờ và không thể phẫu thuật cắt bỏ.
Ngược lại, bệnh nhân có khối u chưa di căn, được phát hiện sớm thì cơ hội phục hồi sau phẫu thuật rất cao. Ngoài điều trị bằng phẫu thuật, bệnh nhân cũng có thể được bác sĩ chỉ định xạ trị, hóa trị. Vì vậy nguyên tắc quan trọng nhất để điều trị ung thư đó là hãy phát hiện bệnh sớm.
3. Sự thật về ung thư: Hóa trị sau phẫu thuật cũng phải dựa vào từng trường hợp
Sun Yan, một chuyên gia nổi tiếng về trị liệu khối u và là viện sĩ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, nói rằng hóa trị không phải là thuốc chữa bách bệnh và nó không có hiệu quả đối với tất cả bệnh nhân ung thư.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 22% khối u ác tính có thể chữa khỏi nhờ phẫu thuật, 18% có thể điều trị bằng xạ trị, nhưng chỉ 5% có thể được điều trị bằng hóa trị liệu.
Khi mắc bệnh, bác sĩ Xu Kecheng đã từ chối hóa trị vì ông luôn tin rằng hóa trị có thể dễ dàng khiến các gen của tế bào ung thư đột biến trở lại và cuối cùng khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Mặc dù hóa trị có thể ngăn chặn sự tăng sinh, xâm nhập, di căn và lây lan của tế bào ung thư, đồng thời đạt được hiệu quả tiêu diệt trực tiếp tế bào ung thư, nhưng đối với bệnh nhân ung thư, việc có thực hiện hóa trị hay không phụ thuộc vào 3 điều kiện:
- Đó là loại ung thư nào?
Loại ung thư có ảnh hưởng lớn đến tác dụng của hóa trị, ví dụ như hóa trị có rất ít tác dụng đối với các bệnh ung thư như ung thư tuyến giáp, ung thư não và ung thư da, trong khi nó có tác dụng tốt hơn đối với các bệnh ung thư như bệnh bạch cầu và ung thư hạch.
- Bệnh nhân đang ở giai đoạn ung thư nào?
Đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu, phẫu thuật là lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đã lây lan và di căn, và thời gian sống của họ chỉ có thể kéo dài thông qua hóa trị.
- Thể trạng của bệnh nhân như thế nào?
Hóa trị có ý nghĩa tích cực trong việc điều trị các khối u, nhưng hóa trị quá nhiều dễ dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng. Do hóa trị liệu dễ làm tổn thương các tế bào bình thường, gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, rụng tóc nên những bệnh nhân có khả năng miễn dịch thấp không thích hợp với hóa trị.
(Nguồn: QQ, Sohu, Sina)