Mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống, ca sĩ Selena Gomez phải tiến hành ghép thận và lên tiếng cảnh báo mọi phụ nữ
Lupus ban đỏ hệ thống thuộc nhóm bệnh tự miễn dịch mãn tính, có những triệu chứng khó nhận biết và tấn công phụ nữ nhiều hơn nam giới, khiến cơ thể bị nhầm lẫn, vô tình tấn công các cơ quan trong chính cơ thể mình.
Mới đây, ca sĩ Selena Gomez đã tuyên bố trên Instagram cá nhân rằng mình mới trải qua một ca ghép thận. Người bạn thân của cô, Francia Raisa, là người đã hiến tặng cho cô một quả thận. Trước đó, nữ ca sĩ 25 tuổi từng tiết lộ vào năm 2015 rằng mình từng được điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
Selena Gomez đã tuyên bố trên Instagram cá nhân rằng mình mới trải qua một ca ghép thận.
"Đó là điều tôi cần làm cho sức khoẻ tổng thể của tôi", Gomez viết, cùng với những bức ảnh chụp từ giường bệnh và vết sẹo cấy ghép. Nữ ca sĩ cho biết thêm: "Lupus ban đỏ hệ thống là căn bệnh vẫn đang khiến nhiều người hiểu lầm, dễ gây hoang mang không đáng có".
Để biết thêm về bệnh lupus ban đỏ hệ thống và tại sao lại có những biến chứng từ căn bệnh này có thể dẫn đến suy thận, nhất là đối với phụ nữ trẻ, Health đã có cuộc trò chuyện với các bác sĩ chuyên môn về căn bệnh này. Dưới đây là những điều bạn cần biết về căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống:
Lupus ban đỏ hệ thống có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể bạn
Khoảng 1,5 triệu người Mỹ mắc bệnh lupus, một bệnh tự miễn dịch gây ra bởi các mô trong cơ thể tự tấn công các cơ quan nội tạng. GS Gary Gilkeson (Đại học Y Nam Carolina) cho biết: "Thay vì hệ thống miễn dịch chống lại những thứ như nhiễm trùng và ung thư, nó sẽ quay lưng lại với sức khỏe của bản thân bạn và bắt đầu hoành hành trong cơ thể".
Đối với khoảng một nửa trong số những người có lupus ban đỏ toàn thân - loại bệnh lupus phổ biến nhất – mọi cơ quan quan trọng trong cơ thể như thận, tim, phổi, hoặc não sẽ bị tổn thương do bệnh. Tiến sĩ Gilkeson nói rằng thận thường bị ảnh hưởng bởi vì các protein tự miễn dịch có thể được lưu giữ ở đó. Điều này gây viêm và có thể dẫn đến suy thận theo thời gian.
Khoảng 1,5 triệu người Mỹ mắc bệnh lupus, một bệnh tự miễn dịch gây ra bởi các mô trong cơ thể tự tấn công các cơ quan nội tạng.
Triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống ở nhiều người không giống nhau
Lupus ban đỏ hệ thống có những triệu chứng khác nhau, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau. Các triệu chứng có thể thay đổi rất nhiều từ người này sang người khác và điều này làm cho tình trạng bệnh trở nên khó chẩn đoán. Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, đau khớp, sưng tấy, phát ban và sốt, nhưng các dấu hiệu này có thể không rõ ràng, hoặc có thể chẩn đoán sai sang một bệnh khác.
Không có các xét nghiệm để chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống, do đó, chúng ta phải xác định căn bệnh bằng cách loại trừ những bệnh khác. Một nghiên cứu năm 2015 trong Biên niên sử về Bệnh thấp khớp cho thấy, trung bình, phải mất gần 6 năm kể từ khi người ta nhận thấy các triệu chứng đầu tiên cho đến khi được chẩn đoán chính xác.
Giới tính và sắc tộc có thể là một trong những yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh
Bác sĩ Gilkeson cho biết hơn 90% trường hợp lupus ban đỏ hệ thống xuất hiện ở nữ giới. Căn bệnh này phổ biến hơn đối với phụ nữ gốc Tây Ban Nha, châu Phi, trong khi phụ nữ da trắng ít có nguy cơ mắc bệnh này hơn. Theo Tổ chức Lupus của Mỹ, hầu hết mọi người lần đầu tiên phát triển các triệu chứng từ 15 đến 44 tuổi.
Lupus ban đỏ hệ thống có thể là do di truyền khoảng 20% người bị lupus có cha/mẹ hoặc anh chị em ruột có hoặc sẽ phát triển bệnh này. Người bị lupus cũng có thể có các thành viên trong gia đình mắc các bệnh tự miễn dịch khác.
Lupus ban đỏ hệ thống có thể là do di truyền khoảng 20% người bị lupus có cha/mẹ hoặc anh chị em ruột có hoặc sẽ phát triển bệnh này.
Điều trị bệnh lupus có thể bao gồm thuốc giảm đau và hóa trị
Tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh, họ có thể điều trị bệnh lupus bằng thuốc giảm đau và thuốc chống viêm. Những người khác sẽ cần thuốc ức chế miễn dịch hoặc thậm chí hóa trị liệu để điều trị bệnh.
Cũng có thể cần phải giải quyết các biến chứng của lupus, như cấy ghép thận. Không có phương pháp chữa bệnh cho lupus, nhưng bệnh có thể thuyên giảm - có nghĩa là bệnh nhân không còn triệu chứng bệnh. Nếu được điều trị đúng, 80 - 90% người được chẩn đoán bệnh có thể mong đợi sống một cuộc đời bình thường.
Cấy ghép thận có thể là tin vui
GS Robert Montgomery, giám đốc của Viện Cấy ghép tại NYU Langone Health, cho biết mặc dù lupus có thể gây hại cho thận, bác sĩ sẽ không thực hiện việc cấy ghép cho đến khi bệnh nhân thuyên giảm các triệu chứng.
Khi bệnh lupus của một người được kiểm soát, phần lớn các ca cấy ghép thận là thành công - đặc biệt là những người có người hiến tạng sống. Bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch không chỉ bảo vệ cơ quan mới khỏi các cuộc tấn công trong tương lai, mà còn giúp giữ lupus trong sự thuyên giảm tổng thể.
Khi bệnh lupus của một người được kiểm soát, phần lớn các ca cấy ghép thận là thành công.
Phục hồi sau cấy ghép tương đối nhanh
Thông thường sẽ mất khoảng 6 tuần để vết rạch của người nhận cấy ghép thận hoàn toàn lành và để người đó trở lại hoạt động bình thường. Theo bác sĩ Montgomery, thận của họ thường được tháo bỏ bằng laparoscopically (với các dụng cụ rất nhỏ), bao gồm khoảng 3 inch vết rạch gần đường bikini.
Tiến sĩ Gilkeson nói rằng đối với đối với bệnh nhân bị lupus ban đỏ hệ thống giống trường hợp của Gomez, nói chung khả năng phục hồi sẽ rất tốt. Nữ ca sĩ hoàn toàn có thể sống cuộc sống bình thường sau này như có con. "Cô ấy sẽ được dùng thuốc ngăn chặn hệ miễn dịch, do đó cũng dễ bị nhiễm trùng hơn nhưng biện pháp phòng ngừa chung vẫn là điều cần thiết", chuyên gia cho biết thêm.
Lupus ban đỏ hệ thống có thể ảnh hưởng đến tính mạng nhưng hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện kịp thời
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hữu Doanh (Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương), bệnh lupus ban đỏ hệ thống là bệnh thường gặp nhất trong nhóm bệnh tổ chức liên kết tự miễn, bên cạnh những bệnh như viêm đa cơ. Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn đa cơ quan, tức là một khi bệnh nhân đã mắc bệnh thì sẽ kéo theo rất nhiều các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương. "Do đó, có thể nói lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh nặng, ảnh hưởng đến ngoài da và toàn bộ hệ thống, đôi khi sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng con người", TS Lê Hữu Doanh khẳng định.
Bôi kem chống nắng là một trong những giải pháp phòng chống lupus ban đỏ tốt nhất.
Theo chuyên gia, những dấu hiệu đầu tiên hay gặp nhất của bệnh lupus ban đỏ hệ thống chính là những tổn thương bên ngoài da. "Bệnh nhân bị lupus ban đỏ có những tổn thương ngoài da đa dạng về hình thái dẫn đến nhiều trường hợp bệnh nhân sẽ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý khác. Tổn thương hay gặp nhất của bệnh lupus ban đỏ chính là những nốt phát ban hình cánh bướm, màu đỏ tươi, có thể hơi ngả tím, tập trung nhiều ở mặt và những khu vực trên cơ thể thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng", BS Doanh nói.
Chưa hết, lupus ban đỏ hệ thống còn có rất nhiều hình thái lâm sàng khác như tổn thương da ban cấp, mãn tính, viêm mạch. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị lupus ban đỏ hệ thống lại không có biểu hiện bên ngoài da. Những bệnh nhân này sẽ có biểu hiện bệnh ở cơ quan bên trong như thiếu máu, xuất huyết giảm tiểu cầu hoặc rối loạn tâm thần.
"Khi bệnh nhân xuất hiện một tổn thương đáng nghi ngờ thì phải đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay để chẩn đoán rõ bệnh. Căn bệnh này đôi khi âm thầm bên trong, dai dẳng nhiều năm nên bạn cần đến những nơi điều trị có chuyên môn để khống chế bệnh, phát hiện những tai biến và tư vấn cho người bệnh tốt hơn", BS Doanh cho biết.
Để phòng tránh bệnh tự miễn nói chung, bệnh lupus ban đỏ hệ thống nói riêng có thể nói tương đối khó nhưng bệnh lupus ban đỏ hệ thống thường bị nặng lên khi tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng. Vì vậy, điều đầu tiên là chúng ta cần chú ý tránh nắng bằng cách sử dụng kem chống nắng, hạn chế ra nắng.