'Ly hôn kiểu Mỹ': Vợ được chồng cũ "nuôi" đến khi có chồng mới
Sau khi ly dị thì người đàn ông phải đi thuê phòng, vừa phải cầm bảng ăn xin tại trung tâm Little Saigon vừa lái xe chở khách kiếm tiền mỗi khi có khách yêu cầu.
Chung sống không hôn thú là trào lưu chung rất phổ biến hiện nay nhất là ở Mỹ và châu Âu.
Nguyên nhân thuộc về sở thích tự do cá nhân, không muốn bị ràng buộc...n hưng còn một nguyên nhân khác là người ta sợ hệ lụy của những cuộc ly hôn (tinh thần, tài chính, dính vào những vụ kiện tụng ...)
Cụ thể, theo thống kê thì khoảng hơn 90% ly hôn ở Mỹ thuộc dạng “không viện lỗi” (no - fault divorce) hoặc thuận tình ly hôn (divorce by mutual consent), phần còn lại là ly dị tranh chấp (contested divorces).
Nếu ly dị tranh chấp thì rất phiền toái, người trong cuộc phải thuê Luật sư tốn thời gian, tiền bạc.
Ly dị ở Mỹ, ngoài nghĩa vụ cung cấp tài chính nuôi con thì người chồng cũ còn có nghĩa vụ chu cấp tài chính cho người vợ cũ cho đến khi nào người vợ cũ có chồng mới hoặc tìm được công ăn, việc làm thì chồng cũ mới hết trách nhiệm. |
Ngoài việc rắc rối về pháp lý thì còn phải kể đến sự thiệt hại về tài chính do việc ly hôn gây ra nhất là đối với những người chồng bởi Luật pháp Mỹ ưu tiên bảo vệ trẻ em, phụ nữ trước tiên.
Việc cung cấp nuôi dưỡng con cái sau những cuộc ly hôn (Child support) là nghĩa vụ và luật Mỹ rất nghiêm khắc trong việc này, thậm chí có thể bị ngồi tù nếu lảng tránh, chạy trốn trách nhiệm. Trong việc phân chia tài sản khi ly hôn thì Luật Mỹ cũng nghiêng về bảo vệ những người có tài sản ít hơn hoặc ít có điều kiện để kiếm kế sinh nhai hơn.
Ví dụ trước khi ly dị thì chồng đi làm, vợ không đi làm việc (tức không có thu nhập) mà ở nhà lo quán xuyến nhà cửa, nuôi dạy con cái ... trong trường hợp ly dị, ngoài nghĩa vụ cung cấp tài chính nuôi con thì người chồng cũ còn có nghĩa vụ chu cấp tài chính cho người vợ cũ cho đến khi nào người vợ cũ có chồng mới hoặc tìm được công ăn, việc làm thì chồng cũ mới hết trách nhiệm.
Khoảng cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai cả nước Mỹ rúng động bởi vụ 3 tù nhân nguy hiểm (trong đó có 2 người gốc Việt) trốn thoát từ nhà tù và bắt cóc một tài xế lái xe, ép ông ta phải lái xe chở chúng chạy trốn và ăn ở cùng trong vòng 1 tuần.
Người tài xế này sau đó đã lên báo và TV tường thuật lại chuỗi ngày kinh hoàng đó, thậm chí tụi tù vượt ngục có ý định giết ông để bịt đầu mối. Khán giả hồi hộp theo dõi những tình tiết gây cấn không kém gì trong các tác phẩm điện ảnh Hollywood đó nhưng ít người để ý đến một khía cạnh thương tâm khác trong cuộc đời riêng của người tài xế.
Ông đã trên 70 tuổi, người gốc Việt tên là Hoàng Mã Long, qua Mỹ từ năm 1993. Theo lời ông kể, trước đây ông cũng sung túc, có nhà cửa đàng hoàng, sống không đến nỗi chật vật với một vợ và 4 người con. Nhưng sau khi ly dị thì ông phải đi share phòng (tức thuê chung với những người thuê phòng khác), vừa phải cầm bảng ăn xin tại trung tâm Little Saigon vừa lái xe chở khách kiếm tiền mỗi khi có khách yêu cầu. Khi được phóng viên hỏi lý do ly dị thì ông trả lời: “Tôi nghĩ chắc vì lý do tiền bạc, tôi không làm ra tiền nữa”.
Anh bạn tôi ở Boston cũng tâm sự, anh mới từ California (bờ Tây) dọn qua Massachusetts (bờ Đông nước Mỹ), từng có công việc tốt, có nhà, có vợ con.
Nhưng sau khi ly dị vợ thì anh trở thành kẻ trắng tay, như anh nói là “homeless” (vô gia cư), anh bỏ đi thật xa để quên đi nỗi đau. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao lại có thể thế được thì anh không trả lời trực tiếp mà chỉ phẩy tay rồi nói: “Anh thử ly dị ở Mỹ đi thì biết!".
Nhiều trường hợp đang có công việc tốt, có nhà, có vợ con, sau ly dị ông chồng trở thành người vô gia cư, mất việc làm. |
Một người đàn ông gốc Việt cỡ trên 60 tuổi khác tôi biết cũng ly dị vợ và cũng phải... "ra đường". Ông đang phải share phòng ở tuy có con cái thành đạt. Ông nói bất đắc dĩ lắm, chịu hết nổi mới phải ly dị dù phải chấp nhận thua thiệt về phần mình.
Tôi quen một anh khác rời Việt Nam sang Mỹ từ nhiều năm nay, hiện anh làm chủ một Công ty du lịch khá nổi tiếng trong cộng đồng Hải ngoại tại Nam California và đã từng một lần ly dị.
Có lần tôi ngỏ ý giới thiệu cho anh một cô bạn xinh đẹp đang ở Việt Nam nhưng khi biết cô ấy là Single Mom (mẹ đơn thân) thì anh lắc đầu. Anh nói: "Tôi đã từng có một đời vợ và gần như là trắng tay sau khi ly dị. Gầy dựng lại mãi mới có cơ ngơi như vậy, giờ để mất lại một lần nữa thì không còn cơ hội để sửa sai, thời gian, tuổi tác không cho phép”.
Tôi hỏi sao chưa gì anh đã tính đến chuyện li dị thì anh trả lời: “Người ta còn trẻ mà chấp nhận lấy mình thì chắc là có sự tính toán gì đấy chứ không hẳn vì tình cảm. Đưa họ qua đây rồi lúc họ đủ lông, đủ cánh thì họ bay mà mình lại còn phải chu cấp - chẳng những cho người mình lấy làm vợ mà còn phải cho cả đứa con riêng của cô ấy nữa. Phải chi mình không có chút tiền thì mình đã không phải suy nghĩ nhiều hay thận trọng như vậy!”
Qua tâm sự của những người mà tôi biết thì lý do ở Mỹ tỷ lệ ly hôn chính thức thấp hơn những nước khác thì chưa hẳn là tại vì các gia đình ở Mỹ sống hạnh phúc hơn. Lý do ngại vướng vào những thủ tục pháp lý phiền toái và sợ những thiệt thòi về tài chính đã khiến không ít những cặp vợ chồng đứng bên bờ đổ vỡ đã “chùn chân” lại trước khi kéo nhau ra Tòa.
Misha Đoàn (Từ Boston, Mỹ)