Lý do Thụy Sĩ ‘bình chân như vại’ giữa khủng hoảng Covid-19

NHƯ TÂM,
Chia sẻ

Thụy Sĩ là một trong những quốc gia có dự trữ thực phẩm và thuốc men lớn nhất thế giới.

Trong tuần, người tiêu dùng châu Âu “càn quét” các kệ hàng siêu thị để mua mỳ ống, thực phẩm đóng hộp, giấy vệ sinh trong bối cảnh cuộc khủng hoảng virus corona đã đẩy nhiều quốc gia vào tình trạng phong tỏa, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và mua sắm hoảng loạn. Ở Zurich, Thụy Sĩ, tình hình lại trái ngược, siêu thị “khan hiếm” khách hàng.

Tính đến tối 26/3, Thụy Sĩ có 10.714 ca nhiễm Covid-19 và 161 trường hợp tử vong vì chủng virus corona mới này. Tính theo đầu người, Thụy Sĩ có trung bình 1.365 ca nhiễm/triệu dân, cao hơn cả Italia, 1.333 ca nhiễm/triệu dân, do vị trí gần “tâm dịch của châu Âu” Lombardy, miền bắc Italia. Tuy nhiên, dù chính phủ Thụy Sĩ có nguy cơ đóng cửa, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng ở nước này chỉ ở mức tối thiểu.

Thụy Sĩ là một trong những kho dự trữ chiến lược lớn nhất thế giới với lượng hàng hóa, thực phẩm dự phòng đủ dùng trong 3 – 6 tháng.

Năm 2019, Thụy Sĩ có dân số 8,5 triệu người, tích trữ 63.000 tấn đường, 160.000 tấn bột mỳ trắng làm bánh mỳ, 33.700 tấn dầu ăn (20% số này dùng cho mayonnaise và nước chấm salad) và gần 400.000 tấn thức ăn chuyên dụng cho ngành sữa. Ngoài ra, chính phủ nước này còn chú ý đến cả nguồn cung vật tư y tế.

“Có một số thách thức về logistics do nhu cầu tăng cao đột biến”, Werner Meier, trưởng Văn phòng Cung ứng Kinh tế Quốc gia (BWL), cơ quan điều phối các kho dự trữ của Thụy Sĩ với lĩnh vực tư nhân, nói. “Nhưng hiện nay, Thụy Sĩ đủ nguồn cung thực phẩm và thuốc men”.

Lý do Thụy Sĩ ‘bình chân như vại’ giữa khủng hoảng Covid-19 - Ảnh 1.

Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng ở Thụy Sĩ chỉ ở mức tối thiểu. Ảnh: AFP.

Lịch sử và vị trí địa lý đã ăn sâu vào tư duy chiến lược của Thụy Sĩ trong vấn đề chuỗi cung ứng suốt hàng chục năm qua, theo ông Meier.

“Thụy Sĩ phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu, khoảng 40 – 50% thực phẩm là ngoại nhập, do đó, duy trì dự trữ một số hàng hóa nhất định là biện pháp đề phòng rất quan trọng”. Hệ thống trên đã được thiết kế trong trường hợp thị trường đình trệ vì một cuộc khủng hoảng bất ngờ như đại dịch Covid-19.

Thụy Sĩ không chỉ dự trữ mặt hàng thiết yếu.

Tháng 11/2019, sự phản đối mạnh mẽ từ người dân khiến Thụy Sĩ phải dừng kế hoạch tích trữ cà phê. Các nhà kỹ trị lập luận rằng việc không chứa calo đồng nghĩa mặt hàng này “không thiết yếu”. Thất bại trong kế hoạch đồng nghĩa Thụy Sĩ hiện chỉ còn 15.000 tấn hạt cà phê trong kho để sử dụng qua thời dịch Covid-19 nếu không thể nhập khẩu cà phê hoặc cà phê trong các kho thương mại hết.

Ngoài nguồn cung đầy đủ, chính phủ Thụy Sĩ còn thường xuyên triển khai các chiến dịch truyền thông, khuyên người dân cách dự trữ hiệu quả cho hộ gia đình. Niềm tin của công chúng vào năng lực chính phủ cao, rất ít người cảm thấy phải hoảng loạn mua hàng hóa.

Đợt tuyên truyền bằng tờ rơi gần nhất về cách tích trữ đồ gần nhất diễn ra cách đây vài tuần, nằm trong chiến dịch có tên Kluger Rat – Notvorrat (Lời khuyên thông minh – dự trữ khẩn cấp) đã kéo dài 50 năm. Người dân được khuyên mỗi người nên có 9 lít nước đóng chai, đủ đồ ăn trong một tuần, bếp ga, nến và tiền mặt.

Đợt khô hạn bất thường hồi năm 2018 càng cho thấy sự cần thiết của đề phòng. Cảng container Basel, nơi đón nhận 10% lượng hàng nhập khẩu của Thụy Sĩ, phải dừng hoạt động do mực nước sông không đủ cao để tàu vào.

Lý do Thụy Sĩ ‘bình chân như vại’ giữa khủng hoảng Covid-19 - Ảnh 2.

Tờ rơi Kluger Rat – Notvorrat. Ảnh: BWL.

Giới lập pháp Thụy Sĩ cập nhật kế hoạch dự phòng và chiến lược tích trữ từ năm 2016, khi thành phố Bern ngày càng lo ngại về tính mỏng manh của chuỗi cung ứng hiện đại. Hồi chuông cảnh báo được dấy lên từ mùa bão năm 2015 ở Mỹ với thực phẩm và hàng hóa khác nhanh chóng cạn kiệt.

Một yếu tố quan trọng trong hệ thống của Thụy Sĩ là sự tham gia của lĩnh vực tư nhân.

“Tại Thụy Sĩ, đảm bảo an ninh cung ứng hàng hóa và dịch vụ thiết yếu là trách nhiệm đầu tiên và trên hết của lĩnh vực tư nhân”, Andrin Hauri, nhà nghiên cứu cấp cao về rủi ro và phục hồi tại Trung tâm nghiên cứu An ninh, Đại học ETH Zurich, cho biết.

Không có lưu trữ tập trung, thay vào đó, hàng hóa được lưu trữ trong nhà kho của các doanh nghiệp trên khắp lãnh thổ. Hơn 250 quản lý cấp cao tại các công ty Thụy Sĩ sẽ báo cáo cho BWL về tình hình ngành và điều phối sức mạnh các chuỗi cung ứng.

Phối hợp chặt chẽ với lĩnh vực tư nhân mang lại lợi thế lớn cho chính phủ Thụy Sĩ. Hàng hóa dự trữ có thể đưa vào chuỗi cung ứng gần như ngay lập tức, chi phí thấp. Theo số liệu gần đây nhất, chi phí duy trì hệ thống dự trữ chỉ vào khoảng 12 franc Thụy Sĩ (hơn 12 USD)/người/năm.

Tuy nhiên, không có hệ thống nào là hoàn hảo.

“Hàng hóa tích trữ chỉ hữu dụng nếu đúng mặt hàng, đúng số lượng và theo cơ chế nghĩa vụ”, theo Hauri. “Điều đó đòi hỏi có sự phân tích kỹ lưỡng và thường xuyên”.

Thụy Sĩ lại thiếu một số mặt hàng, so với nhiều quốc gia khác. BWL đã phải xả toàn bộ dự trữ 168.000 khẩu trang y tế. Ngay cả trước dịch Covid-19, nhà chức trách Thụy Sĩ đã biết con số này là chưa đủ. Họ cần số lượng hơn 4 lần như vậy để vượt qua 3 tháng tiếp theo.

Chia sẻ