Lưu ý phòng ngừa viêm não Nhật Bản khi đang vào mùa

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Viêm não Nhật Bản (VNNB) là một bệnh nhiễm virus cấp tính ở thần kinh trung ương.

Gia tăng các bệnh nhân bị não Nhật Bản

Thời điểm này, bệnh viêm não, viêm não Nhật Bản đang bắt đầu vào mùa với diễn biến phức tạp.

Thời gian qua, BV Nhi Trung ương ghi nhận khoảng 40 ca mắc viêm não, trong đó có 4 ca viêm não Nhật Bản. Riêng tại Hà Nội cũng ghi nhận 2 ca mắc viêm não Nhật Bản ở huyện Quốc Oai và Đông Anh. Còn tại khoa Nhi (BV Bạch Mai), số trẻ mắc viêm não và viêm màng não cũng gia tăng trong nhiều tuần qua. Theo các bác sĩ, thời kỳ cao điểm của dịch viêm não (khoảng tháng 7), số ca mắc viêm não tại miền Bắc có thể lên tới vài trăm, trong đó có khoảng 15 - 20% số ca mắc viêm não Nhật Bản. 

Do diễn tiến của bệnh viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng thường phức tạp và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên bệnh nhân đến viện khi đã có biến chứng vẫn thường xảy ra. 

Dấu hiệu bệnh

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, thời gian ủ bệnh từ 5-15 ngày. Khoảng thời gian từ 1-6 ngày sau khi bị virus xâm nhập, bệnh nhân có sốt kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn khan. Giai đoạn viêm não cấp tính với biểu hiện sốt cao liên tục 38-40 độ C, đau đầu, cứng gáy, có dấu hiệu thần kinh trung ương bị thương tổn như co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, mi mắt. Sau điều trị, bệnh nhân có thể hồi phục nhưng tỷ lệ có di chứng rất cao. Với các ca mắc viêm não thông thường, nếu không được điều trị kịp thời cũng có thể gây tổn thương não. Do đó các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần hết sức chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ trong mùa dịch viêm não, giúp trẻ được điều trị hiệu quả và kịp thời.

Bệnh viêm não virus là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. 

Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng dịch thường xảy ra vào các tháng mùa hè, đặc biệt vào các tháng 5, 6, 7. Sở dĩ bệnh hay gặp vào thời gian này vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút viên não Nhật bản đều có thể bị mắc bệnh. Tuy vậy, bệnh viêm não Nhật bản chủ yếu thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Đề phòng bệnh viêm não Nhật bản
Viêm não Nhật Bản (VNNB) là một bệnh nhiễm virus cấp tính ở thần kinh trung ương. Ảnh minh họa

Các biến chứng

Bệnh viêm não Nhật Bản có những trường hợp nặng gây tử vong, còn một số biến chứng như sau: bội nhiễm phổi ở bệnh nhân hôn mê sâu do ứ đọng đàm nhớt, mất phản xạ ho, sặc hoặc liệt hầu họng dễ đưa đến viêm phổi hít; nhiễm khuẩn tiểu sau rối loạn cơ vòng hoặc sau thông tiểu bị nhiễm khuẩn; phù não do hạ natri máu; cơn động kinh ác tính xảy ra nếu không tích cực chống động kinh, chống phù não và cung cấp đủ oxy; xuất huyết tiêu hóa; suy dinh dưỡng và loét.

Chủ động phòng ngừa

Để chủ động trong công tác phòng chống bệnh viêm não vi rút, trong đó có bệnh VNNB, cơ quan y tế khuyến cáo:

Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.

Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.

Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

Bệnh VNNB đã có vắc xin phòng bệnh, thực hiện tiêm vắc xin VNNB đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt 90 - 95% trong khoảng 3 năm, do đó trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản sau:

- Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi;
- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;
- Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Hà Nội ghi nhận 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Chính vì thế, Sở Y tế Hà Nội vừa yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố tăng cường giám sát dịch tại các bệnh viện và cộng đồng theo phân cấp, kịp thời phát hiện những trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản để chủ động triển khai khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; đôn đốc các đơn vị tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản bảo đảm an toàn, chất lượng và đạt tỷ lệ theo quy định.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu hướng dẫn chuyên về giám sát, xử lý bệnh viêm não Nhật bản cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã.

Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế tham gia khám phát hiện, điều trị người bệnh; tăng cường khám, phát hiện sớm viêm não Nhật Bản tại đơn vị; thông báo ngay thông tin về ca bệnh cho Trung tâm Y tế dự phòng thành phố hoặc Trung tâm y tế trên địa bàn để kịp thời xử lý; đồng thời đáp ứng đầu đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, điều trị kịp thời cho người bệnh mắc viêm não Nhật Bản, hạn chế thấp nhất tử vong. 


Chia sẻ