Nhiều người bị bệnh viêm não khi chưa vào mùa dịch

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Tuy chưa phải mùa dịch, nhưng tại Tp. HCM, bệnh viêm não đã bắt đầu có dấu hiệu gia tăng với nhiều ca nhập viện, thậm chí gây di chứng cho trẻ.

Không chủ quan với bệnh viêm não

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, tính đến hết tháng 2, trên địa bàn đã có 18 trường hợp mắc viêm não do vi rút. Tình hình trên là dấu hiệu cảnh báo cho một chu kỳ bệnh khó dự đoán khi bước vào mùa mưa. Không chỉ riêng TPHCM, bệnh viêm não do vi rút cũng đang tấn công bệnh nhi ở các tỉnh thành  khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, vi rút gây bệnh viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng xâm nhập vào cơ thể theo 3 đường là hô hấp, ăn uống và muỗi chích. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm virus gây bệnh viêm não cũng bị bệnh mà còn tùy thuộc vào sức đề kháng của mỗi người và độc lực của vi rút.

Đặc biệt, trên con lợn và chim là những ổ chứa virus viêm não Nhật Bản. Muỗi là trung gian truyền bệnh hút máu động vật có chứa virus rồi truyền cho người khi đốt. 

Bên cạnh nguyên nhân nhiễm vi rút, các biến chứng của một số bệnh tay-chân-miệng, rubella, sởi, quai bị… cũng gây viêm não. Với trẻ trên 5 tuổi nếu thấy có biểu hiện sốt cao, co giật đột ngột, phụ huynh nên nghĩ đến bệnh viêm não. Trường hợp trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh viêm não thường do biến chứng từ các bệnh lý khác.

nhiều người bị bệnh viêm não
Tuy chưa phải mùa dịch, nhưng tại Tp. HCM, bệnh viêm não đã bắt đầu có dấu hiệu gia tăng với nhiều ca nhập viện, thậm chí gây di chứng cho trẻ. Ảnh minh họa

Biến chứng bệnh viêm não rất nguy hiểm

Theo Bs Khanh, người mắc bệnh viêm não Nhật Bản có biểu hiện chính là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như: sốt cao từ 38-39 độ C, nhức đầu, buồn nôn và nôn. Do bệnh viêm não diễn tiến rất khó lường, di chứng mà bệnh để lại là vô cùng nguy hiểm, nên khi có các triệu chứng điển hình phụ huynh phải nghĩ ngay các bệnh lý liên quan đến thần kinh và cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm.

Đối với miền Bắc khi thời tiết vào mùa Hè là những tháng cao điểm của bệnh viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng khi những con vật trung gian truyền bệnh như muỗi phát triển nhiều có thể đốt vào con người và truyền bệnh. Tuy nhiên với sự bất thường của thời tiết khiến cho nhiều dịch bệnh không phải vào mùa dịch nhưng vẫn bùng phát ghê gớm. Vì vậy, người dân không chủ quan khi trẻ có những dấu của bệnh viêm não cần đưa đến các cơ sở y tế khám ngay.

Viêm não cấp tính thường kéo dài 1- 3 tuần, nhưng sự hồi phục rất chậm. Mặc dù đã có thuốc kháng vi rút nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại vi rút chứ không phải kháng tất cả các virus. Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não do vi rút

Do triệu chứng ban đầu của bệnh viêm não thường giống với các bệnh sốt do virus thông thường như sốt cao, chưa có biểu hiệu rối loạn tri giác, nên cha mẹ không phát hiện được, cho con điều trị tại nhà bằng các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt…

Vì thế, nhiều trường hợp mắc bệnh không được chữa trị kịp thời hoặc do bệnh nặng dẫn đến biến chứng như sống thực vật, chậm phát triển tâm thần vận động.

Đề phòng bệnh viên não do vi rút

Bệnh viêm não do vi rút có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, lây qua đường tiêu hóa hoặc qua đường hô hấp. Trẻ em dưới 15 tuổi là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh.

Để phòng bệnh viêm não Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.

 Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.

 Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín. 

 Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. 

 Riêng đối với vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản: tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất với 3 liều cơ bản:

Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi;
 Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
 Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Người dân khi thấy có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chia sẻ