Lương hưu 40 triệu đồng/tháng, có giúp việc chăm sóc 24/7, cụ ông 70 vẫn than thở: Nhiều tiền để làm gì nếu thiếu đi 1 thứ ở năm cuối đời
Nhìn vào cuộc sống của cụ ông này chắc chắn nhiều người sẽ tỏ ra ghen tỵ. Song những giá trị vật chất lại không phải là thứ người già mong cầu.
Trong những năm chạng vạng của cuộc đời, ông Lý (70 tuổi, Trung Quốc) nằm trên giường bệnh, nhìn ra ngoài cửa sổ mà trong lòng đầy tiếc nuối. Người đàn ông này từng nghĩ rằng nếu lương hưu cao, đủ tiền để thuê người giúp việc thì cuộc sống những năm cuối đời không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, mọi thứ dường như thay đổi từ khi căn bệnh của ông cụ ập đến. Ông dần nhận ra rằng tiền bạc hay bảo mẫu cũng đều không thể thay đổi được 1 thứ này.
Thời còn trẻ, ông Lý là 1 doanh nhân thành đạt, tích luỹ được nhiều của cải. Sau khi về nghỉ ngơi theo chế độ, ông nhận được mức lương hưu xứng đáng với những gì đã đóng góp, 12.000 NDT (khoảng 41 triệu đồng). Chưa kể, ông còn sống trong căn nhà to nhất làng và có bảo mẫu chăm sóc mỗi ngày. Ông cụ 70 tuổi từng cho rằng cuộc sống như vậy chính là hạnh phúc ở những năm cuối đời.
Tuy nhiên, ở lúc tưởng như viên mãn nhất, ông bất ngờ bị đổ bệnh và được chẩn đoán mắc bệnh tim. Trên giường bệnh, ông Lý bắt đầu suy nghĩ về cuộc đời mình. Ông thấy rằng mặc dù lương hưu có cao, đủ khả năng để thuê bảo mẫu nhưng không điều gì trong số này có thể lấp đầy được nỗi cô đơn tuổi già khi không có con cái đồng hành.
Kể từ khi nằm viện, đa phần ông được bảo mẫu chăm sóc. Các con không có thời gian về thăm vì công việc và cuộc sống bận rộn. Tụi nhỏ chỉ có thể bày tỏ sự quan tâm và chào hỏi thông qua các cuộc điện thoại và tin nhắn. Thực tế, điều này hoàn toàn không thể thay thế được sự hiện diện của các con ngay lúc đó. Nhớ về khoảng thời gian được bên các con, ông nhận ra khoảng thời gian gần gũi bên các con đã trở thành miền ký ức xa vời.
Trong cuộc trò chuyện với người bạn cũ, ông Lý bày tỏ sự tiếc nuối. “Tôi luôn nghĩ rằng tiền bạc, vật chất sẽ mang lại hạnh phúc. Nhưng giờ đây khi chẳng còn ai xung quanh, tôi mới hiểu ra rằng hạnh phúc thực sự của tuổi già là sự bầu bạn và chăm sóc của con cái. Lương hưu có cao như thế nào, người bảo mẫu có chăm sóc tốt đến đâu cũng không thể thay thế được điều trên. Giờ đây, tôi hối hận vì đã không trân trọng thời gian bên chúng”, cụ ông 70 tuổi chia sẻ.
Người bạn cũ nghe vậy im lặng hồi lâu, sau đó nhẹ nhàng vỗ vai ông Lý nói: “Thật ra chúng ta đều giống nhau. Khi còn trẻ, ai ai cũng bận rộn với sự nghiệp nhằm kiếm thật nhiều tiền để rồi bỏ quên con cái. Cho đến khi già đi, chúng ta mới nhận ra rằng những giá trị vật chất mà chúng ta theo đuổi không còn quan trọng nữa. Thay vào đó sự đồng hành của con cái mới là thứ quý giá nhất”.
Những lời này khiến ông Lý rơi vào trầm tư. Ông bắt đầu suy nghĩ về những hành động trong quá khứ của mình và nghĩ cách hàn gắn mối quan hệ với các con ở hiện tại và tương lai.
Ông quyết định buông bỏ sự bướng bỉnh, định kiến trong quá khứ và chủ động giao tiếp với các con để chúng hiểu được suy nghĩ và cảm xúc thực sự của mình.
Theo thời gian, mối quan hệ giữa ông Lý và các con của mình dần được cải thiện. Hiểu được mong muốn của bố, tụi nhỏ trở về nhà thường xuyên hơn. Gia đình lại có những phút giây vui đùa bên nhau. Chính điều này khiến cho cụ ông 70 tuổi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nhờ thế, sức khoẻ cũng dần bình phục.
Đồng thời, ông cũng bắt đầu tìm niềm vui mới cho bản thân để bớt đi những khoảng thời gian suy nghĩ những muộn phiền. Ông theo đuổi đam mê cá nhân, thực hiện các chuyến du lịch với vài người bạn và giao lưu nhiều hơn với mọi người xung quanh.
Giờ đây, ông Lý không còn cô đơn như trước. Bởi ông hiểu rằng dù sau này có gặp khó khăn, thử thách nào chỉ cần có sự bầu bạn và quan tâm của gia đình thì đều có thể vượt qua được.
Câu chuyện trên của ông Lý cũng là lời nhắc nhở cho những người trẻ. Ở cương vị làm con, chúng ta nên sẵn sàng sẻ chia, đồng hành và dành sự yêu thương đặc biệt cho cha mẹ mình. Đó chính là thứ giúp những người già cảm thấy hạnh phúc ở năm cuối đời chứ không phải khoản tiền bạn gửi về nhà hàng tháng. Bầu bạn cùng cha mẹ, quan tâm đến sức khỏe và nói lời yêu thương bố mẹ mỗi ngày là cách tốt nhất để làm tròn trách nhiệm của 2 từ “hiếu thảo”.