Lương của sếp đánh nhân viên sân golf cao mức nào?

Theo Báo Đất Việt,
Chia sẻ

Trong khi vị giám đốc công ty nhà nước ở Hà Nội vừa gây ra vụ việc đánh ngất nhân viên sân golf cho biết mình hưởng lương 10 triệu đồng/tháng (120 triệu đồng/ năm) thì theo nhiều nhân viên sân golf và những người chơi golf: Chỉ những người xếp vào hàng đại gia mới có đủ tiền chơi môn thể thao này.

Giám đốc lương 10 triệu đồng dành 8 triệu đồng mỗi tháng chơi golf?

Một nhân viên sân golf Tam Đảo (Vính Phúc) cho biết, nếu là người chơi lẻ, mỗi lần đi đánh golf người chơi phải trả phí sân 1.722.000 đồng/ngày thường và 2.667.000 đồng/ngày cuối tuần.

Tại đây, một khóa học chơi golf ở sân Tam Đảo, người học nộp 8 triệu đồng cho 10 buổi học lý thuyết. Sau đó, các buổi học thực hành trên sân phải trả tiền sân riêng. Cả khóa học hết khoảng hơn 10 triệu đồng.

Người chơi cũng cần trang bị một bộ gậy, tùy vào mỗi người mà chọn gậy cho phù hợp, giá thị trường trung bình 40 triệu đồng/bộ. Ngoài ra, người chơi cũng cần trang bị quần áo, giày dép, bóng...

Theo nhân viên kinh doanh sân golf Tam Đảo, nếu trở thành hội viên, người chơi phải bỏ tiền ra mua thẻ tối thiểu một năm 1.500 USD (hơn 30 triệu đồng). Khi có thẻ, mỗi lần đi đánh golf trả thêm 462.000 đồng phí sân. Riêng ngày cuối tuần 2.037.000 đồng. Đây là mức thẻ thấp nhất của sân golf Tam Đảo.

Ngoài ra, nếu làm thẻ dài hạn, phí ghi danh tối thiểu 25 năm gần 800 triệu đồng và mức 48 năm sẽ là khoảng 1,544 tỷ đồng. Hàng năm, mỗi hội viên phải nộp hơn 17 triệu đồng phí bảo dưỡng.

Anh Nguyễn Xuân Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngoài số tiền học trên thì anh còn phải mua một bộ gậy 50 triệu đồng và quần áo, bóng, giày... tất cả tốn hết gần 70 triệu đồng.

"Nếu một tháng đi chơi 4 buổi, hết khoảng 16 triệu đồng, một năm gần 200 triệu đồng”. Anh Dũng thừa nhận chỉ có những người “có tiền” mới có thể chơi golf.

Trong khi đó, Ông Nguyễn Đức Sơn – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, người đã dùng gậy đánh thẳng vào đầu một nhân viên phục vụ bất tỉnh tại sân golf Tam Đảo vào ngày 15/9 cho biết: "Tôi chỉ nhận lương 10 triệu đồng/ tháng.

Để có thể đi chơi golf, tôi phải chọn giờ giảm giá. Mỗi tuần chỉ dám đi một hoặc hai lần, tiền sân golf cho mỗi lần chơi khoảng trên dưới một triệu đồng".

Lương của sếp đánh nhân viên sân golf cao mức nào? 1
Ông Nguyễn Đức Sơn – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.

Được biết, công ty nơi ông Sơn đang lãnh đạo là một công ty nhà nước, trực thuộc UBND TP.Hà Nội từ ngày 16/3/2010, trước đây thuộc Sở Xây dựng Hà Nội.

Công ty có nhiệm vụ chủ yếu là quản lý và phát triển các loại nhà ở trên địa bàn gồm: quản lý nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, nhà ở đối với người có công với cách mạng, nhà ở dành cho người thu nhập thấp, quản lý nhà ở tái định cư phục vụ các dự án trọng điểm của Nhà nước và thành phố, nhà thuê ở phục vụ cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà thuê ở cho học sinh, sinh viên... và phát triển các dự án nhà ở theo quy hoạch của thành phố đã phê duyệt.

Riêng trong năm 2010, Công ty bán nhà ở theo Nghị định 61/CP của Chính Phủ đạt 300 tỷ đồng, thu tiền thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước đạt 136 tỷ đồng, thu tiền từ bán nhà ở tái định cư, giải phóng mặt bằng đạt 300 tỷ đồng. Hiện tại, Công ty này đang xây dựng 5 dự án nhà ở và đầu tư 16 dự án phát triển nhà ở khác.

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra lương lãnh đạo toàn bộ doanh nghiệp nhà nước

Trước đó, vào đầu tháng 9/2013, vụ việc lương khủng của “sếp” doanh nghiệp công ích tại TP. Hồ Chí Minh lên tới hơn 2 tỉ đồng/năm.

Ví dụ như lương của Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thoát nước đô thị là 2,6 tỉ đồng/năm (hơn 200 triệu đồng/tháng); Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chiếu sáng công cộng có mức lương 2,2 tỉ đồng/năm, lương Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty này là 2,4 tỉ đồng, Phó giám đốc 1,9 tỉ đồng...đã khiến xôn xao dư luận.

Ngày 4/9/2013, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác của 8 lãnh đạo các công ty nhà nước hoạt động công ích hưởng lương sai quy định để tiến hành kiểm điểm.

Theo quyết định này, thời gian tạm đình chỉ các chức vụ về Đảng và chính quyền để tiến hành kiểm điểm của các lãnh đạo này là từ ngày 4/9 đến 4/11/2013. Riêng ông Trần Thiện Hà - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh bị đình chỉ chức vụ từ 4/9 đến 15/10/2013.

Trước thực trạng này, ngày 10/9, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo các tỉnh thành phố trong cả nước phải kiểm tra, báo cáo chính phủ lương lãnh đạo doanh nghiệp.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Như Hải - Tổng giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội, cho biết "lương của tôi là 30 triệu đồng/tháng (360 triệu/năm), lương của Chủ tịch Hội đồng quản trị là 31 triệu đồng/tháng.

Hàng tháng, tôi được nhận 80% lương theo quy định và phải đến cuối năm, nếu hoàn thành nhiệm vụ thì mới được lĩnh. Công ty chúng tôi hoạt động theo phương thức kinh doanh, nhưng mang tính chất dịch vụ nhiều hơn”.

Một doanh nghiệp nhà nước khác tại Hà Nội (giấu tên) cũng cho biết, lương lãnh đạo như ông nếu nỗ lực làm việc hết sức, kể cả làm thêm ngày đêm..., lương tối đa được 36 triệu đồng/tháng (432 triệu đồng/năm).

Tại Đà Nẵng, Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng Nguyễn Văn An cho hay, mức lương được thẩm định cao nhất ở khối “công ích” thuộc về Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Đà Nẵng là 22 triệu đồng/tháng.

Trong đó, lương Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc là hơn 22,7 triệu đồng/tháng, 3 phó TGĐ có mức lương bình quân là 19,3 triệu đồng/tháng, kế toán trưởng công ty là 17,5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo ông An, đây chỉ là mức phê duyệt, còn lại hàng tháng lãnh đạo các đơn vị công ích này chỉ được nhận 70% lương. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cả năm, nếu ai hoàn thành nhiệm vụ cả năm mới nhận đủ 30% còn lại.

Ông Phạm Mạnh Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Đà Nẵng xác nhận, mức lương thực nhận mỗi tháng chỉ 14 triệu đồng.

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng về tình hình tiền lương 2012 cho thấy mức lương bình quân của doanh nghiệp công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn cao nhất là 66 triệu đồng/năm, bình quân là 5,8 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 2,08 triệu đồng/tháng.

Với mức lương này, liệu có lãnh đạo nào dám chi ra mỗi tháng 8 triệu đồng để phục vụ cho sở thích của môn thể thao đại gia như ông Nguyễn Đức Sơn – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội?

Chia sẻ