Lương 25 triệu, cặp vợ chồng trẻ được bố mẹ cho nhà mà vẫn phải sống cảnh: "Chạy ăn từng bữa" vì thói quen chi tiêu theo "cảm hứng"
Với thu nhập 25 triệu/tháng, không phải thuê nhà, nuôi 1 con nhỏ, nếu biết chi tiêu cuộc sống sẽ sung túc, tích lũy được nhiều.
Thế nhưng với vợ chồng chị Lan (Xã Đàn, Hà Nội) lại khác. Lương hai vợ chồng cộng lại được 25 triệu, song theo lời chị kể thì hầu như tháng nào anh chị chi tiêu cũng bị âm, chẳng có mấy tháng đủ.
Chị Lan làm hành chính văn phòng, lương tháng 10 triệu. Chồng chị làm kế toán thu nhập 15 triệu/tháng. Sau cưới anh chị được bố mẹ chồng cho 1 căn chung cư rộng 80m vuông ở ngay trung tâm thành phố nên vợ chồng không phải lo nhà ở, chỉ tập trung làm ăn kinh tế nuôi con.
Chị tâm sự: "Đọc báo, vào mạng xem các mẹ bỉm sữa chia sẻ chuyện chi tiêu gia đình, có mẹ kể nhà 5, 6 người mà tiền sinh hoạt một tháng chỉ gói gọn trong vòng 8, 9 triệu. Có mẹ còn đi thuê nhà, nuôi 3 con ăn học mà mỗi tháng cũng chỉ tiêu có 11, 12 triệu, mình thấy nể phục ghê. Bởi bản thân vợ chồng mình, lương hai vợ chồng cộng lại được 25 triệu.
Nhà có rồi lại mới có 1 nhóc tì thôi mà tháng nào cũng loay hoay xoay xở khốn khổ với tiền. Ngày trước chỉ có 2 vợ chồng còn đỡ. Từ ngày có con, vợ chồng mình đúng là lao đao, đầu óc căng thẳng vì tiền. Tháng nào cũng sống cảnh đầu tháng no, cuối tháng đói".
Mức chi tiêu của gia đình chị Lan như sau:
Tiền điện nước: 2 triệu
Tiền ăn: 6 triệu
Bỉm sữa cho con: 5 triệu
Gửi trẻ: 4 triệu
Đối nội đối ngoại: 2 triệu
Sinh nhật, cưới hỏi bạn bè: 1.5 triệu
Mỹ phẩm: 1 triệu
Xăng xe đi lại: 500k
Tiền thuốc: 500k
Tiền cà phê của chồng: 1 triệu
Mua sắm quần áo: 1.5 triệu
Tuy đã chia rõ từng khoản như vậy song chị Lan kể: "Các khoản chi tiêu trong nhà mình cũng ước lượng chia rõ như thế song hầu như mình không thực hiện được đúng như kế hoạch đề ra. Chỉ các khoản điện nước, học hành của con là cố định còn tiền ăn uống, mua sắm thường bị đội lên rất nhiều.
Bình thường mình chia ra một ngày 200k lo chợ búa, mua sắm thức ăn. Nhưng nhà mình hay có khách dưới quê lên, lại bạn bè tới chơi nữa. Những ngày ấy, ít cũng phải tiêu 300 – 400k, thậm chí còn lên tới cả triệu. Rồi nay con ốm, mai con đau. Mỗi lần vào viện khám tiêu tốn không ít. Cũng vì thế mà vợ chồng mình thường xuyên rơi vào cảnh túng thiếu cuối tháng.
Không ít lần mình phải vay tạm tiền của bạn bè để đi chợ mua thức ăn cho gia đình. Bữa cơm những ngày cuối tháng của vợ chồng cũng đạm bạc, đơn giản hơn. Chỉ cốt lo cho con chứ vợ chồng có hôm chỉ rau xào đậu luộc. Đúng cảnh 'chạy ăn từng bữa' đợi lương về".
Nhiều lần vợ chồng cũng ngồi nói chuyện với nhau rằng phải hoạch định lại kế hoạch chi tiêu cho khoa học hơn, tránh cảnh đầu tháng no, cuối tháng đói thế này mà vẫn chưa thể làm được. Tháng nào cố gắng lắm, con khỏe không ốm đau, không phải vào viện thì mình mới chi tiêu cầm cự được đủ tháng. Tuyệt đối không để dư ra 1 đồng tích lũy.