Luôn coi thường vợ lương thấp, cô khiến anh chết điếng khi đưa liền 10 triệu ra cho bố mẹ tiêu vặt
Bố mẹ chồng lên Hà Nội thăm con cháu và tiện làm 1 chuyến du xuân, Hương không tiếc tiền đưa cho ông bà và bảo: Bố mẹ cầm chục triệu này tiêu vặt.
Trọng và Hương kết hôn sau 6 tháng yêu đương. Lúc ấy, Hương nghĩ đơn giản rằng anh là người chín chắn, điềm đạm, kinh tế vững vàng, sẽ là chỗ tựa tốt. Thế nhưng, khi lấy về cô mới hết hồn với sự thay đổi của chồng.
Trọng vừa gia trưởng, vừa bảo thủ, đặc biệt có chút khinh khi với vợ vì cô đang "ở nhờ" nhà của mình. Thậm chí, khi lên Hà Nội sống trong nhà trọ, Trọng vẫn chẳng thay đổi là bao vì "tiền nhà, tiền ăn, tiền điện, nước mạng phần lớn anh trả, khác gì đây là nhà của anh".
Trọng đang làm bộ phận kĩ thuật ở 1 công ty nước ngoài nên mức lương rất ổn, nhưng anh phải làm tăng ca, làm đêm thường xuyên. Ngược lại, Hương thì là giáo viên tiểu học, lương ba cọc ba đồng nhưng nhàn rỗi.
(Ảnh minh họa)
Suốt hơn 1 năm chung sống, Trọng tỏ ra thiếu tin tưởng vợ, luôn giữ 1 tài khoản riêng. Mỗi tháng, anh chỉ rút 4 triệu, đưa cho cô và bảo:
- Em cầm số này là dư dả ăn tiêu, điện nước trong nhà rồi.
Hương ngậm đắng nuốt cay cầm tiền mà cay cú lắm. Không chỉ thế, nhiều lần Trọng còn nói thẳng rằng Hương ăn bám khiến cô tức giận. Nhưng anh cứ mặc cô chẳng thèm dỗ cuối cùng chính cô lại phải tự hòa.
Mọi chuyện thay đổi khi Hương mang thai và sinh con gái đầu lòng. Lúc này, Trọng vẫn tính toán chi li với vợ, chỉ có điều, anh đã đưa thẻ và bảo:
- Em giữ lấy nhưng chi tiêu cho hợp lý. Tiền anh làm ra rất vất vả chứ không phải là giấy. Em nên nhớ, em rút ra bao nhiêu anh đều biết hết, chi tiêu gì thì ghi ra.
Cảm thấy tủi nhục lắm khi bị chính người đầu gối tay ấp với mình coi thường, Hương vẫn phải ngậm đắng nuốt cay cầm lấy rồi vâng dạ.
Nhưng chính trong khoảng thời gian này, cô bắt đầu buôn bán online. Cô chăm chỉ đăng bài trên Facebook, tạo tài khoản bán hàng trên các trang thương mại điện tử. Ban đầu, buôn bán cũng chẳng được mấy nhưng cô lại thấy vui vì giết thời gian.
(Ảnh minh họa)
Được khoảng nửa năm, cô cũng có 1 lượng khách hàng nhất định. Lúc này, cô mới bắt đầu tự tìm cách mua hàng từ nước ngoài để đa dạng mẫu mã, không phải qua trung gian để có được giá tốt hơn.
Nhưng tiền vốn cũng là cả 1 vấn đề, đắn đo mãi, Hương quyết chơi lớn, rút tất cả số tiền tiết kiệm từ thời con gái ra làm ăn. Cô còn vay thêm bố mẹ đẻ 1 khoản nữa.
May mắn, Hương lại buôn bán khá đắt hàng. Nhưng nhiều lần Trọng về nhà, nhìn những kiện hàng ngổn ngang, anh tức giận mắng:
- Tôi lấy cô là giáo viên về chủ yếu nuôi dạy con. Tôi bận rộn kiếm tiền đủ rồi, tôi không muốn vợ tôi cũng tối ngày nghĩ tới tiền tiền tiền.
- Em đâu có làm ảnh hưởng gì tới việc chăm sóc con cái và gia đình. Anh xem, cơm nước em đã làm xong xuôi, con cái bụ bẫm và sạch sẽ. Anh còn muốn gì. Anh cứ thử ở nhà cả ngày xem có phát chán không, công việc này như 1 cách em giải khuây thôi.
Hương cũng không dám mạnh miệng vì bản thân cô chưa trả hết nợ. Hơn nữa, sau đó Trọng cũng không nói gì. Suốt hơn 2 năm như thế, Hương hiện giờ đã rất đông khách. Cô mở 1 cửa hàng riêng và thuê người chốt đơn, giao hàng… Cô chỉ làm 1 việc đó là tự tay tìm mẫu mã và đặt về Việt Nam. Chính Trọng là chồng cô mà anh đi làm tối ngày còn không hay vợ mình đã kiếm được nhiều tiền như vậy.
(Ảnh minh họa)
Mãi cho tới mấy ngày trước, bố mẹ chồng từ quê lên chơi với các con, tiện làm 1 chuyến du xuân mấy ngôi chùa gần Hà Nội. Trong khi Trọng còn tính toán xem đi xe khách như thế nào cho rẻ thì Hương lại dõng dạc tuyên bố:
- Bố mẹ mấy khi ra đây chơi, con thuê nguyên 1 xe 8 chỗ rồi. Sáng mai xe sẽ tới trước ngõ nhà mình đón. Và con cũng gửi bố mẹ 10 triệu tiêu vặt, đi đường thích gì thì cứ mua, đừng tiếc ạ. Con thì bận rộn nên không đưa đi được, bố mẹ thông cảm nhé.
Ai nấy sững sờ. Còn Trọng không nói lên lời. Có lẽ, sau hôm đó Trọng đã phải nhìn Hương bằng con mắt khác.