"Lưới trời lồng lộng" không chỉ còn là câu nói, Trung Quốc đã thực sự tạo ra nó!
Chỉ cần ngước lên và nhìn vào màn hình camera, cô Mao Ya đã có thể mở cửa căn hộ chung cư của mình mà chẳng cần dùng chìa khóa.
"Khi bận cầm đồ cả 2 tay, tôi chỉ cần hướng về phía camera để mở cửa ra. Rất tiện lợi và đơn giản," báo Washington Post dẫn lời cô Ya. Còn con gái 5 tuổi của cô do thường hay làm mất chìa khóa cũng dễ dàng ra vào nhà nhờ công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Nhưng đối với cảnh sát, những chiếc camera thay thẻ cư dân còn phục vụ cho mục đích quản lý an ninh. Nhờ công nghệ hiện đại này, chính quyền sẽ biết được ai đến và đi của mỗi khu nhà. Theo WaPo, nhờ công nghệ này, giới chức địa phương sẽ dần dần thu được kho dữ liệu ảnh cá nhân khổng lồ giúp cảnh sát xác định các hành vi phạm tội.
Nhận diện khuôn mặt là chủ đề công nghệ rất nổi bật tại Trung Quốc. Các ngân hàng, sân bay, khách sạn và ngay cả các nhà vệ sinh công cộng cũng áp dụng công nghệ xác định danh tính của người dân bằng cách phân tích khuôn mặt của họ.
Ảnh cắt từ phóng sự do WaPo thực hiện về các công nghệ nhận diện và giám sát hiện được sử dụng rộng rãi tại Trung Quốc
Tất nhiên, lực lượng cảnh sát và an ninh là hai chủ thể áp dụng công nghệ hiện đại này nhiều nhất. Dự án thí điểm tại thành phố Trùng Khánh chỉ là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ Trung Quốc với tên gọi "Xue Liang", nghĩa là là "Mắt sáng", như một cách nhà chức trách hiện thực hóa câu nói "lưới trời lồng lộng". Mục đích chương trình nhằm kết nối các camera an ninh tại các địa điểm công cộng và nút giao thông để lập nên hệ thống giám sát và chia sẻ dữ liệu của toàn Trung Quốc.
Sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và trí thông minh nhân tạo, công nghệ này sẽ phân tích và hiểu được ý nghĩa các hình ảnh từ camera nhằm theo dõi những kẻ tình nghi, phát hiện các hành vi đáng ngờ và phối hợp các hoạt động cấp cứu trong các tình huống khẩn cấp.
Theo báo cáo của cảnh sát, tại các khu chung cư ở Trùng Khánh, “Với sự hỗ trợ của công nghệ nhận diện khuôn mặt, chúng ta có thể nhận ra người lạ, phân tích thời gian mỗi lần đi vào và đi ra của họ, ai đã ở qua đêm và bao nhiêu lần. Từ đó, chúng ta có thể xác định những đối tượng khả nghi".
Để triển khai dự án quan trọng này, chính phủ Trung Quốc đang hợp tác tích cực với các công ty công nghệ lớn trong nước, với những cá nhân từng tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu của Mỹ và cựu nhân viên của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google và Microsoft. Giới chức nước này đặt mục tiêu đến năm 2020 Trung Quốc sẽ sở hữu mạng lưới giám sát hình ảnh toàn quốc hoàn chỉnh và hiệu quả.
Không chỉ có Trung Quốc, cơ quan điều tra hàng đầu của nước Mỹ (FBI) cũng đang thử nghiệm công nghệ này. Hệ thống nhận dạng thế hệ mới của FBI sử dụng công nhận nhận dạng khuôn mặt để so sánh hình ảnh từ hiện trường với những hình ảnh trong cơ sở dữ liệu quốc gia. Từ đó, lực lượng cảnh sát trên khắp Mỹ sẽ xác định được địa điểm chính xác của vụ án.
Trong phòng trưng bày trưng bày của 3 công ty cung cấp công nghệ nhận diện khuôn mặt ở Trùng Khánh và Bắc Kinh, các hình ảnh được trình chiếu trên các màn hình lớn, và các khuôn mặt được nhận diện từ các đám đông để so sánh với khuôn mặt của các đối tượng truy nã. Các camera trên đường tự động phân loại thông tin của người đi đường theo giới tính, quần áo và thậm chí là chiều dài mái tóc. Từ đó, giới chức có thể theo dõi hành trình đi lại của người dân chỉ bằng khuôn mặt của họ.
Tại văn phòng của hãng Megvii tại Bắc Kinh, một nhà thiết kế đang chuẩn bị tài liệu quảng cáo cho một sản phẩm nhận diện khuôn mặt. Giám đốc marketing của công ty nói rằng chương trình Khuôn mặt của Megvii đã giúp cảnh sát bắt giữ hàng nghìn đối tượng (Ảnh: WaPo)
Công nghệ Trung Quốc vượt Mỹ
Li Xiafeng, giám đốc nghiên cứu và phát triển của Cloudwalk, cho biết "Nếu một địa điểm phát sinh hiện tượng đánh bạc, và có những người thường xuyên đến đó thì đương nhiên họ trở thành những người đáng nghi. Một khi bạn đã xác định được một tên tội phạm hay nghi phạm, bạn sẽ nghiên cứu mối quan hệ của họ với những người khác. Nếu một người khác có nhiều quan hệ thì họ cũng trở nên khả nghi".
Phần lớn doanh thu của các doanh nghiệp này đến từ các ngân hàng và các công ty tài chính đang sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để kiểm tra danh tính khách hàng tại các máy ATM hoặc trên điện thoại. Một số sân bay ở Trung Quốc đã sử dụng sự công nghệ tiên tiến này trong hoạt động kiểm tra an ninh, còn khách sạn áp dụng cho công đoạn nhận phòng. Phiên bản dịch vụ đi chung xe Uber tại Trung Quốc, công ty Didi Chuxing, cũng đang áp dụng công nghệ này để xác định tài xế.
Các công ty khởi nghiệp còn giới thiệu nhiều ứng dụng thân thiện với người dùng hơn. Các công ty như SenseTime, Megvii và Cloudwalk cung cấp các ứng dụng di động cho phép mọi người trang điểm và tự trang trí các biểu tượng ngộ nghĩnh lên mặt mình.
Tuy vậy, một số ứng dụng tạo cảm giác quá đà. Ví dụ như, một giảng viên tại một trường đại học Bắc Kinh được cho là đang sử dụng máy quét mặt để kiểm tra xem học sinh của mình có buồn chán trong giờ học, hay công nghệ xác định việc khách du lịch có sử dụng quá nhiều giấy vệ sinh tại Thiên Đàn ở Bắc Kinh, hoặc một nhà hàng KFC ở Hàng Châu cho phép khách hàng thanh toán bằng nụ cười.
Theo bà Monica Wang, một nhà phân tích cao cấp trong lĩnh vực giám sát và bảo mật hình ảnh của hãng IHS Markit ở Thượng Hải, với khoảng 62 triệu camera giám sát vào năm 2016, nước Mỹ thực tế có tỷ lệ trang bị camera tính trên đầu người cao hơn Trung Quốc với khoảng 172 triệu camera.
Tuy nhiên, các công ty công nghệ tại Trung Quốc thường nói rằng công nghệ nhận diện khuôn mặt của họ có tỷ lệ chính xác cao hơn gấp nhiều lần so với FBI. Điều này có lẽ là chính xác vì theo nhiều chuyên gia, các công nghệ dựa trên thuật toán cần sử dụng lượng dữ liệu lớn để đảm bảo tính chính xác. Và Trung Quốc hiện sở hữu nhiều dữ liệu công dân nhiều hơn bất cứ nước nào trên thế giới và hầu như không gặp nhiều khó khăn trong khai thác nguồn dữ liệu này.