Luật sư lên tiếng vụ phụ huynh tố giáo viên mầm non dùng vật nhọn đâm vào tay học sinh
Nghi vấn giáo viên mầm non dùng vật nhọn đâm vào tay học sinh xảy ra tại một trường mầm non tư thục ở Bình Phước tiếp tục dấy lên sự bức xúc trong dư luận xã hội.
Mới đây, một vị phụ huynh ở xã Minh Hưng tố cáo cô H. - giáo viên một trường mầm non tư thục dùng vật nhọn đâm vào lòng bàn tay, các đầu móng tay của con trai là bé L.G.B..
Ngày 11/11, phòng Giáo dục huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) cho biết, đơn vị đang phối hợp với công an huyện cùng các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ nghi vấn bé trai 5 tuổi bị cô giáo mầm non bạo hành.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) lên tiếng: Trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng của mình.
Tuy nhiên, kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bạo hành, bất kể bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi này và mọi hình thức bạo hành đều có thể gây hại cho trẻ em, cản trở sự phát triển của trẻ.
Với hành vi bạo hành trẻ em, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, sự phát triển của trẻ đều bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, Điều 37 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Theo khoản 6, Điều 7, luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2014 quy định: “Hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm”.
“Nhưng trên thực tế, tình trạng xâm hại, ngược đãi trẻ em vẫn liên tiếp diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần của trẻ em. Do đó chúng ta không thể chấp nhận một cháu bé mới có 5 tuổi nhưng vì hiếu động mà bị cô giáo lấy vật nhọn đâm vào tay như trong trường hợp này”, luật sư Bình bức xúc nói.
Điều 27 của Nghị định 144/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định: Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với các hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em.
Mức phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần.
Ngoài bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng, người có các hành vi nêu trên còn phải chịu mọi chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ em.
Tùy tính chất của từng sự việc, người có hành vi ngược đãi, bạo hành trẻ em có thể sẽ bị xử lý về một trong các tội sau đây: Tội cố ý gây thương tích (Điều 134).
Theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Hay tội hành hạ người khác (Điều 140, BLHS) quy định: “…người có hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục trẻ em thì sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm”.
“Các mức phạt nêu trên chỉ có tính chất tham khảo, mức phạt thực tế đối với từng sự việc bạo hành trẻ em còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm”, luật sư Bình cho biết.