Luật sư Diệp Năng Bình: Biểu hiện tâm lý bất ổn của cha hoặc mẹ sẽ là cơ sở để tòa án phân định quyền nuôi con sau ly hôn
Việc vợ chồng ly hôn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con trẻ khi luôn thiếu đi tình cảm của cha mẹ, không được hưởng trọn vẹn sự yêu thương, chăm sóc và đùm bọc, không có được một mái ấm gia đình theo đúng nghĩa.
Mới đây một nữ diễn viên, người mẫu nổi tiếng bất ngờ livestream cảnh chồng cũ chặn đầu xe ô tô ngay tại cổng trường học của con gái.
Được biết, cách đây 1 năm người phụ nữ này đã dọn ra khỏi nhà chồng và chuẩn bị ra tòa để tranh chấp quyền nuôi con. Trước khi tan vỡ, cả hai có 2 nhóc tỳ chung, bé lớn đã được hơn 4 tuổi còn con trai hơn 3 tuổi. Thời điểm đó, các bé đang sống cùng mẹ và thỉnh thoảng sẽ về thăm ông bà nội.
Việc bị chặn xe khiến người mẹ và con gái hoang mang, tới mức phải vào xe đóng cửa cố thủ. Vụ việc gây xôn xao và một lần nữa dấy lên những băn khoăn về cách hành xử của người lớn, về nghĩa vụ và quyền nuôi con.
Trước vấn đề trên, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật, đã có trao đổi với chúng tôi dưới góc độ pháp lý liên quan đến quyền nuôi con sau ly hôn, nhằm mang đến cho độc giả những kiến thức cần thiết.
Biểu hiện tâm lý bất ổn của cha hoặc mẹ sẽ là cơ sở để tòa án phân định quyền nuôi con
Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, trước khi xác định ai là người được nuôi con khi hai vợ chồng ly hôn thì vợ chồng sẽ phải thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với con. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử và ra quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi khi bên nào có điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của con.
Các điều kiện này bao gồm:
- Điều kiện về vật chất như: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…
- Điều kiện về tinh thần như: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ.
Trong trường hợp cha hoặc mẹ có biểu hiện bất ổn về tâm lý, hoặc có những hành động tạo ra áp lực về mặt tâm lý cho phía còn lại hoặc cho các con thì đây sẽ là cơ sở để tòa án không chấp nhận giao cho quyền được nuôi dưỡng con.
Sau ly hôn, dù hết tình nhưng còn nghĩa, cần cư xử văn minh để không ảnh hưởng tâm lý các con
Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho rằng, việc vợ chồng ly hôn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con trẻ khi luôn thiếu đi tình cảm của cha mẹ, không được hưởng trọn vẹn sự yêu thương, chăm sóc và đùm bọc, không có được một mái ấm gia đình theo đúng nghĩa.
"Dù có xảy ra mâu thuẫn thì cái tình, cái nghĩa vẫn còn do đó các bên hãy hành xử một cách văn minh để tránh ảnh hưởng đến tâm lý của các cháu nhỏ", luật sư Diệp Năng Bình bày tỏ.
Khi vợ chồng ly hôn, nếu không thể tự thỏa thuận về việc ai sẽ là người trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử và ra quyết định giao con cho một trong hai bên khi xét thấy điều kiện về vật chất và điều kiện về tinh thần của con được tốt nhất nếu được sống với người đó.