Sự thật về thân thế vị vua lập nên kinh đô đầu tiên của đất Việt

Vũ.,
Chia sẻ

Bộ phim điện ảnh Huyền sử vua Đinh của đạo diễn Anthony Võ ra rạp với mong muốn giúp khán giả hiểu thêm lịch sử nước nhà. Nhưng sau 10 ngày công chiếu, bộ phim dài 78 phút đã rút khỏi rạp với doanh thu gần 43 triệu đồng, cùng nhiều tranh cãi về sai lệch lịch sử.

Phía nhà sản xuất cho biết mong muốn bộ phim được ra rạp giúp "các thế hệ tương lai sẽ đón nhận lịch sử" để "có thể yêu thích và tự hào". Tuy nhiên, điều này đã không thực hiện được bởi bộ phim có quá nhiều vấn đề.

"'Huyền sử vua Đinh': Sự thật về thân thế vị vua lập nên kinh đô đầu tiên của đất Việt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa phim "Huyền sử vua Đinh" của đạo diễn Anthony Võ

Mô tả câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, nhưng bộ phim "Huyền sử vua Đinh" đã khiến khán giả thất vọng bởi nhiều thiếu sót từ nội dung kịch bản, bối cảnh lịch sử đến diễn xuất; đặc biệt là tình tiết phim sai lệch lịch sử về thân thế và công lao của vua Đinh Tiên Hoàng.

Vậy vua Đinh Tiên Hoàng thực sự là người như thế nào?

Từ cậu bé chăn trâu bày trận cờ lau

Đề tài lịch sử thực sự không dễ để chạm đến sự rung động của khán giả, nhưng trước hết cần được phản ánh chân thực. Việc bộ phim sử dụng yếu tố thần tiên như việc Đinh Bộ Lĩnh nguyện bớt tuổi thọ của mình để thần tiên ban phép lạ cứu sống mẹ là Đàm Thị rất khó thuyết phục người xem. Đan xen vào đó lời kịch bản của tiên cũng không thuyết phục: "Con là tiên tu trên trời đầu thai xuống trần gian, linh khí, phàm nhân của mẹ con không chịu nổi nên hao tổn thọ nguyên mà chết!"

Mặc dù việc ra đời của các vị vua anh minh luôn được đan xen với nhiều truyền thuyết, dã sử hư hư thực thực để tăng thêm phần tôn nghiêm và khẳng định được số mệnh thiên tử nhưng chi tiết này đã không lột tả được trong bộ phim.

Lịch triều hiến chương loại chí có nói Đinh Bộ Lĩnh "sinh ra, dáng người và tư chất khác thường".

Không chỉ vậy, Đinh Bộ Lĩnh còn được sinh ra trong gia đình đại quan. Đại Việt sử ký toàn thư nói rằng: "Cha của vua là Đinh Công Trứ làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ giao giữ chức quyền Thứ sử Châu Hoan (Nghệ An ngày nay), sau theo về với Ngô Vương, vẫn giữ được chức cũ rồi mất".

Sau khi cha mất, Đinh Bộ Lĩnh lúc ấy khoảng 15 tuổi cùng mẹ Đàm Thị trở về quê ở động Hoa Lư, phải nương nhờ chú ruột là Đinh Thúc Dự. Cùng mẹ ở cạnh đền Sơn Thần (xã Gia Thủy, huyện Nho Quan ngày nay) chính là nơi "trước mặt trông ra sông, có cầu Ngự cầu Phanh, bên tả vườn có gò bằng phẳng, tức là chỗ bày trận cờ lau", Đại Nam nhất thống chí đã dẫn như vậy.

"'Huyền sử vua Đinh': Sự thật về thân thế vị vua lập nên kinh đô đầu tiên của đất Việt - Ảnh 3.

Ngay từ khi 7 tuổi đã ở nha môn với cha, được hưởng học hành cùng với sự thông minh bẩm sinh, Đinh Bộ Lĩnh rất nhanh hòa nhập với môi trường mới, lại có tài bơi lội cực giỏi không lâu sau đã chiếm được sự mến phục của bọn trẻ quanh vùng.

Càng lớn Đinh Bộ Lĩnh càng thể hiện sự mưu lược và chí lớn của mình nên tập hợp, luyện quân sĩ ở Thung Lau (thuộc thôn Mai Phương, xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn ngày nay). Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng: "Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy, Vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương".

Đến vị vua lập nên kinh đô đầu tiên của đất Việt

Con sông cậu bé Lĩnh sĩ vàng hộ mệnh gọi là Hoàng Long. Trong Việt Giám Thông Khảo có nhắc: "Vua bình được 12 sứ quân, trời cho người theo, thống nhất bờ cõi,... sáng chế triều nghi, định lập quân đội, vua chính thống của nước Việt ta, thực bắt đầu từ đấy, kể về mặt dẹp giặc phá địch thì công to lắm".

Thời gian này cũng là giai đoạn bộ phim "Huyền sử vua Đinh" khai thác.

Ấy là khi Dương Tam Kha soán ngôi nhà Ngô, các thủ lĩnh nổi lên đánh chiếm lẫn nhau. Loạn 12 sứ quân đã kéo dài hơn 20 năm. Và từ chốn thung Lau với sự tài năng và thông minh hơn người, Đinh Bộ Lĩnh đã thu phục, dẹp loạn xong 12 sứ quân vào năm 967.

Năm 968, sau khi bình định 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, xưng là "Đại Thắng Minh hoàng đế", lấy Hoa Lư làm kinh đô, chế triều nghi, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Hoa Lư khi ấy trở thành kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền của Việt Nam.

"'Huyền sử vua Đinh': Sự thật về thân thế vị vua lập nên kinh đô đầu tiên của đất Việt - Ảnh 5.

@vietworld

Vua Đinh Tiên Hoàng cho đúc tiền đồng "Thái Bình Hưng Bảo" là đồng tiền cổ nhất của Việt Nam còn lại đến ngày nay. Thuở ấy, kinh tế hàng hóa đã phát triển vượt bậc, trong Đại Việt sử ký toàn thư có viết: "Năm 976, mùa xuân, thuyền buôn bán của nước ngoài đến dâng sản vật của nước họ".

Dưới thời vua Đinh, cuộc sống người dân đã dần ổn định và phát triển thịnh vượng. Một trong những ngành nghề phát triển còn được lưu giữ đến ngày này chính là nghề thêu ren tay Văn Lâm, Ninh Hải và chạm khắc đá mỹ nghệ ở Ninh Vân.

Kinh đô Hoa Lư với địa thế sơn thủy hữu tình, không phải là vùng đất "ở vào nơi trung tâm trời đất, có cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, đúng ngôi vị nam, bắc, đông, tây, thuận núi sông quay đi ngoảnh lại, đất đi rộng mà bằng, cao mà thoáng, dân cư khỏi chịu cái khổ ngập lụt, muôn vật dồi dào..." (Chiếu dời đô) nhưng là mảnh đất thiêng được bao bọc bởi nhiều vòng cung núi đá vôi sừng sững, xen kẽ là các lạch sông phù hợp với tình hình khi ấy. Sông núi từng vòng được nối bằng các đường thành nhân tạo giúp Kinh đô Hoa Lư trở thành nơi có địa thế vững chắc.

"'Huyền sử vua Đinh': Sự thật về thân thế vị vua lập nên kinh đô đầu tiên của đất Việt - Ảnh 6.

@chaovietnam

Ở nơi phong thủy đẹp như vậy nhưng vua Đinh Tiên Hoàng tại vị được 12 năm thì mất do tên gian thần Đỗ Thích ám sát.

Trong bộ phim điện ảnh "Huyền sử vua Đinh" mới rút khỏi rạp của đạo diễn Anthony Võ, khi khép lại bộ phim có chi tiết Đinh Tiên Hoàng nói trao lại ngôi báu cho Lê Hoàn, Nguyễn Bặc vì "đã hoàn thành thiên ý" và "đây là công sức của tất cả chúng ta". Đinh Liễn khi ấy vì "hồng trần này không có gì luyến tiếc" nên tự nguyện theo cha bay về trời. Sự hư cấu hồn nhiên đến bóp méo lịch sử này không giúp bộ phim thêm sự yêu thích mà ngược lại khiến người ta ngán ngẩm với sự hời hợt trong kịch bản.

Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim, xuất bản năm 1949) và Đại Việt sử ký toàn thư có nói vào mùa đông, năm Kỷ Mão (979), "Chi hậu nội nhân Đỗ Thích (người xã Đại Đề, huyện Thiên Bản, nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) giết vua ở sân cung nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn".

Tượng thờ vua Đinh Tiên Hoàng

Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá: "Vua tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời" và sau khi mất, linh cữu Tiên Hoàng được táng ở Sơn Lăng, Trường Yên (nay thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư ngày nay).

Một vài nét sơ lược về thân thế, cuộc đời và những công lao của vị vua lập nên kinh đô đầu tiên của đất Việt xứng đáng lưu danh sử sách muôn đời, là những thông tin quý để mỗi người chúng ta có thể tự hào và biết ơn.

Thiết nghĩ, phim lịch sử dù dùng phương thức nào để truyền tải thì cũng nên tôn trọng sự thật lịch sử, tránh vì câu view mà "bóp méo" những sự kiện được chính sử ghi lại.

Chia sẻ