Lời khuyên dinh dưỡng cho năm mới
Trong năm mới, để cải thiện, giữ gìn sức khỏe và phòng bệnh chúng ta cần lưu ý thế nào với vấn đề ăn uống, lựa chọn thực phẩm? Hãy nghe lời khuyên của các chuyên gia.
Lương thực - ngũ cốc
Nhóm lương thực như: yến mạch, lúa mạch, thóc gạo, ngũ cốc… luôn cần có trong chế độ ăn hàng ngày, nhất là lúa mạch đen. Theo các bác sĩ, loại lúa mạch này có tác dụng làm giảm mức cholesterol trong cơ thể, và đang có nhiều khả năng trở thành loại lương thực mới cho năm 2010.
Trong một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Dinh dưỡng, các nhà khoa học Phần Lan cũng xác định những người có cholesterol cao có thể giảm xuống được nhờ ăn nhiều bánh mì làm từ lúa mạch đen.
Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ cũng khuyến cáo chế độ ăn nên tăng cường hấp thụ chất xơ và ngũ cốc nguyên cám, để ngăn ngừa nguy cơ tiến triển bệnh đái tháo đường type 2, và nguy cơ thừa cân, béo phì, bệnh tim mạch.
Lúa mạch có thể được nấu chín và sử dụng như một món ăn tương tự cơm gạo, bột mì hoặc được dùng như một thành phần trong các món súp, thịt hầm, salad…
GS.TS Peter Shields, Giám đốc điều hành Trung tâm Ung thư thuộc ĐH Y Khoa Georgetown đã thực hiện các cuộc nghiên cứu sâu về dinh dưỡng và bệnh ung thư và có lời khuyên, chế độ ăn giàu chất xơ, bao gồm trái cây và rau củ, ngũ cốc rất tốt cho việc phòng ngừa và ngăn chặn sự phát triển của căn bệnh này.
Đậu nành
Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ cho biết, nguồn protein cao chứa trong sữa đậu nành có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Cũng theo tổ chức này, 25 gram protein đậu nành/ngày sẽ ngăn chặn các vấn đề về tim mạch nhờ giảm được lượng cholesterol.
Các sản phẩm chế biến từ đậu nành như: tàu hũ, sữa đậu nành vừa giàu đạm, vừa có hàm lượng chất béo thấp, nhất là rất ít chất béo bão hòa và cholesterol.
Các chuyên gia cũng khuyến khích phụ huynh nên bổ sung đậu nành vào chế độ ăn của con. Điều này rất tốt vì đậu nành giúp chống béo phì trong thời kỳ thơ ấu do hàm lượng béo và calo thấp. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ, protein đảm bảo cho sự phát triển của trẻ.
Cá hồi và các loại cá da trơn
Cá hồi là một trong những món ăn tuyệt vời vì không chỉ ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe. Theo nhiều nghiên cứu, cá hồi có thể giúp giảm viêm trong cơ thể và ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch. Ngoài ra, trong cá hồi còn chứa vitamin D và axít béo Omega-3 giữ cho trí não và trái tim luôn khỏe mạnh.
Cá hồi và các loại cá da trơn khác, như cá thu, cá mòi, cá trích… là một trong số ít thực phẩm chứa vitamin D. 100g cá hồi phi lê nấu chín chứa khoảng 360 IU vitamin D nên gần như có thể cung cấp đầy đủ nhu cầu vitamin D cần thiết mỗi ngày cho bất kỳ người nào dưới độ tuổi 70. Axít béo Omega-3 trong da các loại cá này cũng giúp phòng ngừa bệnh tim mạch bằng cách giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên ăn cá, đặc biệt là các loại cá da trơn, hai lần một tuần. Tuy nhiên, cần lưu ý mức độ tiêu thụ chừng mực vì trong một số loại cá như cá kiếm, cá ngừ tươi có chứa thủy ngân, một kim loại nặng ảnh hưởng không tốt đến não và hệ thần kinh. Hàm lượng thủy ngân cao trong các loại cá này khi tích tụ vào cơ thể có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ em hay phụ nữ mang thai.
Trà xanh
Các nhà khoa học cho biết trà xanh có chứa đầy đủ các chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa một số bệnh ung thư. Theo một nghiên cứu gần đây từ Nhật Bản, gần 500 phụ nữ Nhật bị ung thư vú giai đoạn I và II, có uống trà xanh nhiều trước đó thì sau khi phẫu thuật, tỷ lệ tái phát ung thư thấp hơn.
Những nghiên cứu khác từ Trung Quốc cũng cho thấy các bệnh nhân uống trà xanh nhiều hơn cũng giảm bớt nguy cơ phát triển các bệnh liên quan đến dạ dày, thực quản, tuyến tiền liệt, tuyến tụy và ung thư ruột… so với những người không uống trà xanh.
Một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy trà xanh mang lại tác dụng giảm cân, giảm mỡ bụng, kích thích quá trình trao đổi chất, quá trình oxy hóa chất béo.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, để ăn uống có lợi cho sức khỏe, điều quan trọng nhất là kiểm soát và duy trì mức độ cân bằng trong dinh dưỡng, thực hiện lối sống lành mạnh, lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe để thay thế những thực phẩm có hại nhưng phải sử dụng đúng cách, hợp lý chứ không phải thứ gì tốt cũng ăn quá nhiều.