Lời khai của bố ruột gián tiếp giúp ông Vũ sở hữu toàn bộ Trung Nguyên?
"Thương hiệu Trung Nguyên chỉ do vợ chồng tôi và Vũ gây dựng lên. Để làm được điều này chúng tôi đã cùng người thân, anh em, bạn bè của mình bán đi tất cả tài sản có giá trị gồm nhà cửa, xe cộ để thu gom vốn liếng cho Vũ lập nghiệp và có được như ngày hôm nay..." - ông Đặng Mơ khai năm 2016.
HĐXX cho rằng ông Vũ là người có công lớn hơn bà Thảo trong hình thành và phát triển Trung Nguyên.
Chiều 27/3, HĐXX sơ thẩm TAND TP.HCM đã ra phán quyết về vụ tranh chấp ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Chủ tọa Nguyễn Văn Xuân thay mặt HĐXX công bố tỷ lệ chia tài sản là 60/40 với phần nhiều thuộc về ông Vũ. Ngoài ra, tòa cũng quyết định giao toàn bộ số cổ phần tại các công ty cho ông Vũ, bù lại ông sẽ thanh toán phần chênh lệch cho bà Thảo.
Ngoài ra, HĐXX cũng dẫn lời khai của ông Đặng Mơ – bố ruột ông Vũ, cũng là thành viên sáng lập ra Trung Nguyên (hiện ông Mơ đã qua đời).
Theo đó, trong bản khai năm 2016, ông Đặng Mơ cho biết, thương hiệu Trung Nguyên ra đời vào năm 1996 và đến năm 1998 ông Vũ mới kết hôn với bà Thảo.
“Do vậy, thương hiệu Trung Nguyên chỉ do vợ chồng tôi và Vũ gây dựng lên. Để làm được điều này chúng tôi đã cùng người thân, anh em, bạn bè của mình bán đi tất cả tài sản có giá trị gồm nhà cửa, xe cộ để thu gom vốn liếng cho Vũ lập nghiệp và có được như ngày hôm nay. Con dâu Diệp Thảo chỉ là người đóng góp công sức sau này, khi đã trở thành vợ của Vũ. Do vậy con dâu không thể, không có quyền đứng tên chủ sở hữu thương hiệu này”, ban khai của ông Mơ khẳng định.
Cũng theo HĐXX, từ năm 2015 đến nay, giữa nguyên đơn và bị đơn đã xảy ra hàng loạt vụ tranh chấp gây ảnh hưởng thương hiệu và sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, các cổ đông cũng có nguyện vọng giao cho phía ông Vũ sở hữu cổ phần nguyên đơn (bà Thảo) được chia tại vụ án này nhằm giúp Trung Nguyên sớm ổn định hoạt động.
“Xét thấy nếu chia cổ phần cho cả hai đương sự trong Tập đoàn Trung Nguyên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, do đó cần phải chia cho ông Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần của hai vợ chồng trong các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Trung Nguyên và ông Vũ có trách nhiệm trả chênh lệch tài sản cho bà Thảo, tạo điều kiện cho bà Thảo đầu tư vào thương hiệu cà phê mới. Như vậy mới giải quyết dứt điểm tranh chấp, để cho Trung Nguyên phát triển mạnh mẽ, giúp đương sự có cuộc sống mới ổn định, bền vững và hạnh phúc”, HĐXX nhận định. Bởi các lẽ trên, Chủ tọa tuyên: “Cần thiết giao toàn bộ cổ phần của bà Thảo và ông Vũ trong tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ sở hữu”.