Loại rau người Trung Quốc mê mệt, được mệnh danh là “rau trường thọ”: Người Việt hiếm khi ăn
Đây là loại rau được người Trung Quốc ưa thích vì chứa nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, ở Việt Nam, loại rau này từng bị bỏ không hoặc dùng làm thức ăn cho gia súc.
Rau lang còn được gọi với các tên phiên chử, cam thử... là bộ phận thân và lá của cây khoai lang. Trước kia, trong quá trình thu hoạch rau lang thường bị bỏ đi hoặc được người dân sử dụng làm thức ăn cho lợn.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người ta đã phát hiện ra rau lang có thể đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo y học hiện đại, rau lang có chứa nhiều chất xơ, vitamin B, C, E, beta caroten, biotin và các khoáng chất như magie, photpho, canxi, kali, mangan, kẽm, đồng…
Với hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao, rau lang được người Trung Quốc vô cùng yêu thích. Họ gọi rau lang là “nữ hoàng của các loại rau” hay “rau trường thọ”.
Thực chất, ở Việt Nam, rau lang cũng rất phổ biến. Thế nhưng không phải ai cũng thêm loại thực phẩm này vào thực đơn của gia đình.
Phó giáo sư, tiến sĩ Triệu Minh Vệ tại khoa Công nghệ sinh học Đại học Trung Nguyên, Đài Loan, Trung Quốc cho biết thường xuyên ăn rau lang có thể đem đến một số lợi ích cho sức khỏe.
Lợi ích sức khỏe của rau lang
1. Phòng chống ung thư
Phó giáo sư Triệu Minh Vệ cho biết: “Rau lang có chứa carotene, lutein, vitamin A, C, có tác dụng chống oxy hóa và chống lại các gốc tự do làm hư hại tế bào, từ đó giúp phòng ngừa ung thư hiệu quả”.
2. Phòng ngừa bệnh tim mạch
Các chất dinh dưỡng như chất xơ, kali, axit folic, vitamin và beta carotene trong rau lang có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Đặc biệt, beta carotene và vitamin C trong rau lang có thể giúp chống lại quá trình oxy hóa và ngăn ngừa tình trạng xơ vữa động mạch bằng cách loại bỏ cholesterol dư thừa trong máu.
Ngoài ra, kali trong rau lang có thể giúp cơ thể loại bỏ lượng natri dư thừa, từ đó giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả và giảm căng thẳng cho hệ tim mạch. Kali cũng có thể giúp quá trình lưu thông máu diễn ra hiệu quả và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
3. Cải thiện hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón
Phó giáo sư Triệu Minh Vệ nói: “Rau lang chứa hàm lượng chất xơ phong phú, có tác dụng kích thích nhu động ruột, tăng cường nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón, từ đó giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả”.
4. Kiểm soát lượng đường trong máu
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng flavonoid trong rau lang có thể thúc đẩy sự hấp thụ glucose ở mô ngoại vi đồng thời tăng cường bài tiết insulin, từ đó giúp ổn định đường huyết và phòng ngừa bệnh tiểu đường hiệu quả.
5. Tăng cường khả năng miễn dịch
Hàm lượng protein trong rau lang không cao nhưng cấu trúc axit amin rất lý tưởng, có thể bổ sung nhiều loại axit amin thiết yếu cho cơ thể. Ngoài ra, rau lang chứa beta carotene và vitamin C, có tác dụng chống viêm và tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả.
6. Chống lão hóa da
Nghiên cứu cho thấy trong 100g rau lang có chứa đến 11mg vitamin C, đây là chất hỗ trợ cơ thể sản xuất collagen, giữ cho da luôn căng bóng, mịn màng, giàu sức sống. Vitamin C có thể làm giảm hoạt động tyrosinase, ngăn chặn sự hình thành melanin, từ đó giúp ngăn ngừa sự xuất hiện của tàn nhang và đồi mồi.
Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong khoai lang cũng có tác dụng trì hoãn và ức chế quá trình lão hóa da, giữ cho da mịn màng và đàn hồi.
Phó giáo sư Triệu Minh Vệ khẳng định: “Rau lang là loại thực phẩm lành mạnh, đem lại nhiều lợi ích sức khỏe do đó tôi khuyến khích mọi người nên thêm loại thực phẩm này vào chế độ ăn uống”.
Rau lang là loại rau phát triển quanh năm thường được chế biến thành nhiều món ngon khác nhau chẳng hạn như nấu canh, làm gỏi hoặc chế biến thành món xào.
Một số cách chế biến rau lang
Một số cách chế biến rau lang mọi người có thể tham khảo như sau:
1. Rau lang xào tỏi
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Rau lang nhặt bỏ phần lá hư, cọng già, chỉ giữ lại phần cọng và lá non bên trên sau đó rửa sạch.
- Bóc 1-2 củ tỏi và băm nhuyễn 1 phần, phần còn lại thì cắt miếng nhỏ hoặc đập dập.
Bước 2: Chần sơ rau lang qua nước sôi sau đó ngâm rau vào nước đá lạnh để giữ cho rau được xanh và giòn.
Bước 3: Xào rau
- Đặt chảo lên bếp, cho khoảng 3 - 4 muỗng dầu ăn vào chảo đun nóng.
- Phi thơm tỏi rồi cho rau lang vào xào, nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
Chú ý: Phải xào nhanh tay rồi tắt bếp để rau không bị nhừ.
2. Rau lang luộc
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Rau lang nhặt bỏ phần lá hư, cọng già, chỉ giữ lại phần cọng và lá non bên trên sau đó rửa sạch.
-Ngâm vào trong nước muối loãng hoặc giấm khoảng 5 phút để loại bỏ phần nhựa của rau lang, rồi rửa lại với nước.
Bước 2: Luộc rau
- Đun sôi nước. Lưu ý nên cho nhiều nước để khi cho rau vào thì rau ngập trong nước.
- Khi nước đã sôi, cho vào nồi một tí muối, khuấy đều cho muối tan để rau khi luộc không bị đen.
- Cho rau lang vào nồi luộc trong 2 - 3 phút, trong lúc luộc nên dùng đũa trở nhẹ cho rau chín đều.
- Khi rau đã chín, thì bạn vớt ra để vào trong thau nước lạnh giúp rau giòn hơn
Việc bỏ muối vào trong nước luộc và để rau vào trong nước lạnh giúp rau vẫn giữ được độ xanh mướt, không bị đen, ngon và giòn hơn.
3. Canh rau lang nấu tôm
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Rau khoai lang nhặt bỏ phần già, rửa sạch sau đó thái đoạn vừa ăn.
- Lột vỏ hành khô, băm nhỏ.
- Tôm sú: Lột vỏ, rút kỹ đường chỉ đen trên sống lưng tôm, ướp tôm với hành băm nhỏ, nêm nếm gia vị và dầu ăn. Ướp trong 15 phút cho tôm ngấm gia vị. Sau đó, cho tôm vào cối, giã nhỏ.
Bước 2: Chế biến
- Cho mỡ hoặc dầu ăn vào nồi, phi thơm hành tỏi băm nhỏ.
- Cho tôm đã giã nhỏ vào xào chín săn đều.
- Khi thấy tôm chín săn, chuyển qua màu gạch, cho vào nồi một lượng nước vừa đủ rồi đun sôi.
- Khi nồi canh sôi, dùng thìa vớt hết phần bọt trên bề mặt rồi nêm nếm thêm gia vị cho vừa miệng
- Cho rau lang vào nồi, đảo nhẹ để rau chín đều, đun sôi đến khi rau chín thì tắt bếp. Lưu ý không nên để rau lang sôi quá lâu trên bếp.