Loại quả "quốc dân" của người Việt: Ngon và bổ nhưng cũng sẽ "cực độc" nếu phạm phải 1 sai lầm khi ăn
Loại quả này không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn giàu giá trị dinh dưỡng, dồi dào vitamin C, kali, chất xơ, carbohydrates...
Loại quả "quốc dân" của người Việt, vừa ngon vừa giàu dinh dưỡng
Cứ từ tháng 7 trở đi, trên các sạp hoa quả trong chợ, hay các gánh hàng rong dọc nhiều tuyến phố Hà Nội bày bán những quả na to tròn, mềm thơm và ngọt lịm.
Vào thời điểm na chín rộ, nhiều gia đình sử dụng na như một món tráng miệng tuyệt vời sau bữa ăn. Người Việt thường thích ăn na theo cách đơn giản, chỉ cần bóc vỏ và thưởng thức ngay mà không cần phải chuẩn bị cầu kỳ.
Một lý do khác khiến na trở thành loại quả "quốc dân" của người Việt đó là bởi chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.
Na không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn giàu giá trị dinh dưỡng. Trong quả na chứa dồi dào vitamin C, kali, chất xơ, carbohydrates và một số vitamin, khoáng chất thiết yếu khác. Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, chất xơ hỗ trợ tiêu hóa, còn kali giúp duy trì huyết áp ổn định. Do đó, na là một thực phẩm bổ sung dinh dưỡng lý tưởng cho cơ thể, đặc biệt phù hợp cho người cao tuổi, phụ nữ sau sinh hoặc người mới ốm dậy.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), trong Đông y, quả na có vị ngọt, hơi chua, tính ẩm. Loại quả này có tác dụng rất tốt trong việc chữa trị các bệnh lý như đái tháo, tiêu khát, nhọt vú...
3 bài thuốc trị bệnh từ cây na do lương y Bùi Đắc Sáng chia sẻ:
Trị sốt rét: Rửa sạch một nắm lá na, giã nhỏ, chế nước sôi. Vắt hỗn hợp để lấy nước cốt, uống trước khi lên cơn 2 giờ. Dùng 1 ngày/lần.
Chữa nhọt vú: Chuẩn bị 1 quả na điếc và một lượng giấm vừa đủ. Phơi khô na, tán thành bột rồi hòa với giấm. Đắp hỗn hợp này lên vùng da bị sưng để giảm nhọt. Dùng nhiều lần/ngày để tăng hiệu quả trị bệnh.
Chữa đái tháo đường, tiêu khát: Sử dụng thêm một quả na chín sau mỗi bữa ăn. Nhờ hàm lượng chất xơ cao, na giúp thuyên giảm tình trạng bệnh đái tháo đường và tiêu khát khi ăn thường xuyên.
Cắn vỡ hạt na khi ăn: Sai lầm gây nguy hiểm sức khỏe
Mặc dù quả na rất bổ dưỡng, nhưng có một bộ phận cần phải đặc biệt lưu ý, đó là hạt na. Lương y Bùi Đắc Sáng cảnh báo rằng hạt của quả na chứa độc tố rất cao. Nếu vô tình nuốt phải hạt na bị dập nát, hoặc cắn vỡ hạt na có thể gây ngộ độc đường tiêu hóa.
Độc tố từ hạt na cũng có thể gây hại nghiêm trọng đến mắt. Nếu để độc tố này dính vào mắt, nó có thể gây bỏng mắt, bỏng biểu mô giác mạc, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến viêm loét giác mạc, nặng nhất là gây mù lòa vĩnh viễn.
Ngoài ra, khi hạt na dính vào da, đặc biệt là ở những vết thương hở, sẽ gây lở loét và viêm nhiễm nặng, thậm chí hủy hoại da. Vì vậy, người dùng cần hết sức cẩn thận khi bóc vỏ và xử lý hạt na.
Mọi người cũng không nên tùy tiện dùng hạt na để trị chấy, rận hoặc nhuộm răng vì các tác dụng phụ tiềm ẩn có thể gây hại cho sức khỏe.
Quả na rất bổ dưỡng nhưng có 4 nhóm người không nên ăn nhiều
Mặc dù quả na giàu dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe, không phải ai cũng nên ăn loại quả này. Dưới đây là một số nhóm người cần hạn chế hoặc tránh ăn na để bảo vệ sức khỏe:
1. Người thừa cân, béo phì
Na là một loại quả chứa hàm lượng đường cao và cung cấp nhiều năng lượng. Đối với người thừa cân hoặc béo phì, việc ăn nhiều na có thể làm tăng lượng calo nạp vào cơ thể, dẫn đến tăng cân.
Mỗi quả na có trọng lượng khoảng 200 - 250g có thể cung cấp lượng calo tương đương với một bát cơm. Vì vậy, nếu ăn nhiều na mà không kiểm soát, người thừa cân béo phì sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì cân nặng ổn định.
2. Người bị mụn nhọt, chắp lẹo
Những người có cơ địa dễ bị mụn nhọt, rôm sảy, hoặc thường xuyên bị chắp lẹo mắt cũng nên tránh ăn nhiều na. Lượng đường cao trong quả na có thể làm tăng đường huyết, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt là vi khuẩn tụ cầu – nguyên nhân chính gây ra mụn nhọt, chốc lở.
3. Người bệnh thận
Người suy thận cần hạn chế ăn các thực phẩm giàu kali và quả na là một trong những loại quả có hàm lượng kali cao. Việc tiêu thụ nhiều kali có thể gây gánh nặng cho thận, làm tình trạng bệnh suy thận trở nên nghiêm trọng hơn.
4. Người mắc bệnh tiểu đường
Hàm lượng đường trong quả na tương đối cao, có thể gây tăng đường huyết đột ngột. Người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là phụ nữ mang thai có tiền sử tiểu đường, cần thận trọng khi ăn na để tránh làm tình trạng bệnh xấu đi.