Loại quả được mệnh danh là "măng cụt rừng" có tác dụng hỗ trợ giảm cân, phòng ngừa tiểu đường
Lợi ích nổi bật nhất của quả bứa là hỗ trợ giảm cân, phòng ngừa tiểu đường,... nhưng ăn quá nhiều bứa có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa hoặc gan.
Quả bứa có dạng tròn nhỏ với lớp vỏ dày bên ngoài, phần thịt bên trong lại chia thành nhiều múi mọng nước tương tự như quả măng cụt nên được gọi là "măng cụt rừng". Không chỉ được ăn như một loại trái cây mà vỏ bứa còn được sử dụng để nấu canh chua, kho cá, ... đem lại hương vị đặc trưng cho món ăn.
Theo Netmeds, vỏ của quả bứa có hàm lượng phytochemical cao bao gồm axit hydroxycitric và các hợp chất khác như polyphenol, luteolin và kaempferol. Cứ khoảng 100 gam vỏ chứa khoảng 17,2g carbohydrate; 0,5g chất béo; 2,3g protein; 1,24g chất xơ; 15,14 mg sắt; 250 mg canxi; 10 mg axit ascorbic và 18,10 mg axit oxalic.
Nhờ có hàm lượng dinh dưỡng ấn tượng ở cả vỏ và phần lõi, quả bứa đem lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ.
1. Quả bứa có tác dụng gì?
Lợi ích nổi bật nhất của quả bứa là có tác dụng hỗ trợ giảm cân. Ngoài ra, một số lợi ích khác được đề cập như tốt cho người phòng ngừa tiểu đường, tăng năng lượng, tốt cho tim mạch.
1.1. Quả bứa hỗ trợ giảm cân hiệu quả
Tại sao quả bứa lại có tác dụng giảm cân? Theo các nghiên cứu, quả bứa giúp giảm cân là nhờ:
- Trong quả bứa có chứa chất làm giảm sự thèm ăn: Các nghiên cứu trên chuột cho thấy thành phần hoạt chất trong quả bứa có thể làm tăng serotonin trong não. Vì serotonin được biết đến là chất ức chế sự thèm ăn, nên nồng độ serotonin trong máu cao hơn có thể làm giảm sự thèm ăn của bạn.
Đáng lưu ý hơn, serotonin là một phân tử truyền tín hiệu quan trọng của não và việc thiếu serotonin có liên quan đến một số rối loạn, bao gồm lo âu và trầm cảm. Do đó, nếu tăng serotonin có thể giúp những người bị thiếu hụt serotonin giảm các triệu chứng trầm cảm. Trong trường hợp này, việc ăn quả bứa cũng có thể hữu ích trong việc cải thiện tâm trí.
- Có thể ngăn chặn việc sản xuất chất béo và giảm mỡ bụng: Quả bứa có thể ức chế một loại enzyme gọi là citrate lyase, loại enzyme này đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất chất béo. Bằng cách ức chế citrate lyase, quả bứa được cho là làm chậm hoặc ngăn chặn quá trình sản xuất chất béo trong cơ thể bạn. Điều này có thể làm giảm mỡ máu và giảm nguy cơ tăng cân.
1.2. Phòng ngừa tiểu đường
Những người thừa cân hoặc béo phì có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2 hơn những người khác. Mà quả bứa có tác dụng giảm cân và cải thiện mức chất béo trung tính trong máu, nó cũng có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Ngoài ra, quả bứa còn làm giảm viêm, cải thiện cân bằng và kiểm soát lượng đường trong máu, làm tăng độ nhạy insulin. Kết hợp với việc giảm trọng lượng cơ thể tổng thể và kiểm soát các yếu tố này, loại quả này có thể có tác động đáng kể đến những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc những người đang phải đối mặt với các vấn đề trao đổi chất khác.
1.3. Giúp tăng năng lượng
Nhiều cá nhân nhận thấy rằng khi ăn quả bứa họ có mức năng lượng cao hơn. Điều này có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến cân nặng. Hơn nữa, nếu bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn trong ngày, bạn sẽ thấy mình năng động hơn và có xu hướng tập thể dục thường xuyên hơn. Trong trường hợp này, quả bứa có thể giúp bạn đốt cháy nhiều calo hơn, giúp giảm cân dễ dàng hơn.
Hơn nữa, trong quả bứa chứa axit hydroxycitric - chất này có thể làm tăng mức độ sức bền trong khi tập thể dục và khiến mọi người không cảm thấy kiệt sức quá nhanh.
Ngoài những lợi ích trên, quả bứa còn được cho là có tác dụng cải thiện tiêu hóa, tốt cho sức khoẻ tim mạch, giảm đau khớp và là chất chống oxy hóa mạnh mẽ, trong việc loại bỏ các gốc tự do có hại khỏi cơ thể.
2. Quả bứa có gây tác dụng phụ không?
Mặc dù quả bứa có thể mang lại lợi ích cho sức khoẻ, nhưng việc ăn quá nhiều loại quả này có thể gây ra một số rủi ro đối với sức khoẻ như:
- Gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nhức đầu và các triệu chứng khác về dạ dày và đường ruột cũng như ở đường hô hấp trên.
- Tổn thương gan nghiêm trọng và biến chứng ở mắt (giảm thị lực và đau mắt). Trường hợp này xảy ra có thể do ăn quá nhiều bứa, khi bạn bổ sung vào cơ thể hơn 2.800 miligam (mg) axit hydroxycitric (HCA) (chất có trong quả bứa)
- Quả bứa cũng có thể tương tác với một số loại thuốc. Vì vậy, nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi ăn loại quả này.
3. Quả bứa có thể ăn như thế nào?
Chúng ta có thể sử dụng cả phần lõi và phần vỏ của quả bứa nên có thể ăn bứa với nhiều cách khác nhau.
- Thứ nhất, mọi người có thể ăn bứa như một loại hoa quả, cụ thể ăn như quả măng cụt, ăn phần lỗi bên trong của quả.
- Thứ hai, mọi người có thể sử dụng vỏ bứa để nấu canh chua hoặc kho cá.
- Thứ ba, bứa cũng có thể đem phơi khô để làm trà uống hàng ngày nhưng không nên dùng quá 500 mg.
Có thể nói, quả bứa không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn được biết đến tốt cho sức khoẻ, đặc biệt là tác dụng giảm cân. Tuy nhiên, bạn nên bổ sung quả bứa vào chế độ ăn uống một cách cân bằng, xây dựng thực đơn đa dạng để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ dưỡng chất. Tránh ăn quá nhiều bứa trong ngày hoặc cùng một lúc vì có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Nguồn: Tổng hợp