Liều vaccine AstraZeneca thứ ba có thể tăng cường phản ứng miễn dịch

Hà Linh,
Chia sẻ

Các nhà nghiên cứu Anh ngày 28/6 công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng trên tình nguyện viên cho thấy tiêm liều thứ ba vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca và Đại học Oxford điều chế có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh.

Liều vaccine AstraZeneca thứ ba có thể tăng cường phản ứng miễn dịch - Ảnh 1.

Kim tiêm và hộp vaccine AstraZeneca tại Berlin (Đức). Ảnh: AP

Tờ New York Times (Mỹ) đánh giá kết quả nghiên cứu này cho thấy giải pháp liều vaccine AstraZeneca thứ ba có thể cần thiết để kéo dài khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 trong cơ thể người tiêm.

Đến nay, đề xuất phổ biến là tiêm hai liều vaccine AstraZeneca, với khoảng cách từ 4-12 tuần.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford đã tiến hành thử nghiệm trên 90 tình nguyện viên vốn thuộc nhóm thử nghiệm lâm sàng vaccine AstraZeneca trong năm 2020. Vào tháng 3 vừa qua, họ được tiêm liều vaccine AstraZeneca thứ 3, cách 30 tuần sau mũi thứ 2.

Phân tích dữ liệu cho thấy liều thứ ba giúp tăng mức kháng thể đối với virus SARS-CoV-2 trong cơ thể tình nguyện viên, đạt mức cao hơn so với một tháng sau khi tiêm liều thứ hai. Đây được coi là dấu hiệu tích cực cho thấy liều thứ ba vaccine AstraZeneca sẽ mang lại mức bảo vệ đáng kể nếu hiệu quả của hai liều đầu tiên dần thuyên giảm theo thời gian.

Giáo sư Andrew Pollard tại Đại học Oxford-người dẫn dắt cuộc nghiên cứu- trong cuộc họp báo ngày 28/6 đã thông báo về kết quả thu được.

Cùng ngày, các nhà khoa học đưa tin rằng vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna hình thành phản ứng miễn dịch trong cơ thể người tiêm kéo dài nhiều năm nhưng hiện chưa rõ AstraZeneca có đạt mức này hay không.

Việc xuất hiện biến thể của SARS-CoV-2 cũng đẩy mạnh nhu cầu tiêm vaccine tăng cường miễn dịch. Trong tháng 6 này, Viện Y tế Quốc gia Mỹ tuyên bố khởi động thử nghiệm lâm sàng với những người đã tiêm đủ hai liều trong 3 loại vaccine COVID-19 được cấp phép tại Mỹ. Mục tiêu cuộc nghiên cứu là đánh giá liệu liều vaccine thứ 3 Moderna có thể giúp tăng cường kháng thể chống virus SARS-CoV-2 hay không. Kết quả ban đầu sẽ được công bố trong mùa Hè năm nay.

Đã có 80 quốc gia thông qua việc sử dụng AstraZeneca kể từ tháng 12/2020, trong đó không có Mỹ.

Hôm 17/6, AstraZeneca tuyên bố đã thử nghiệm phiên bản vaccine mới được thiết kế để bảo bệ người tiêm trước biến thể Beta (B.1.351) được phát hiện lần đầu tại Nam Phi.

Chia sẻ