Liệu pháp thú cưng - Trị liệu bằng động vật: Phương pháp trị liệu, giải tỏa tâm lý tuyệt vời cho các em bé bị bệnh nặng
Những câu chuyện thành công khi áp dụng liệu pháp điều trị tâm lý cho bệnh nhi nhờ động vật (animal-assisted therapy) sẽ giúp bạn có cái nhìn cụ thể hơn về chương trình rất đáng chú ý này.
Vào tháng 11 năm 1956, tạp chí LIFE đã xuất bản một câu chuyện về sử dụng liệu pháp động vật để chữa bệnh cho các bệnh nhi của bệnh viện thuộc Đại học Michigan - Ann Arbor, Hoa Kỳ. Trong ảnh là bé gái Peggy Kennedy, 3 tuổi, mắc bệnh bại liệt phải nằm trị liệu trên giường. Những chú vịt đang tung tăng bơi lội bên cạnh em là một phần trong chương trình "trị liệu động vật" (animal therapy), nhằm nâng cao sức khoẻ tâm lý cho các bệnh nhi nặng thời bấy giờ - điển hình như em bé trong ảnh.
Ngày nay, liệu pháp trị liệu nhờ động vật (động vật trị liệu) đã trở nên phổ biến ở bệnh viện, viện dưỡng lão, phòng khám phục hồi chức năng và nhiều nơi trên thế giới.
Trị liệu nhờ động vật – animal therapy – là gì?
Trong một bài viết của mình, bác sĩ Nguyễn Thế Võ, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chia sẻ: Liệu pháp thú cưng còn được biết đến dưới cái tên là liệu pháp động vật trị liệu (animal-assisted therapy – AAT). Liệu pháp này hướng tới sự tương tác qua lại giữa con người và một con vật đã được huấn luyện. Mục đích là giúp con người hồi phục hoặc đối phó với một số vấn đề sức khỏe hoặc rối loạn tâm thần.
Tiến sĩ Boris Levinson được coi là người tiên phong trong việc sử dụng liệu pháp thú cưng. Là nhà tâm lý học thực hành trẻ em vào những năm 1960, ông đã phát triển một lý thuyết về vấn đề: Các bệnh nhi đã giảm căng thẳng và trở nên hợp tác hơn khi ông đưa chú chó cưng của mình, Jingles, vào quá trình điều trị.
Levinson nhận thấy, một trong những bệnh nhi trước đó từng từ chối nói chuyện suốt thời gian trị bệnh, đã bắt đầu giao tiếp với Jingles. Ông phỏng đoán rằng, chú chó cưng đã giúp mình tạo thiện cảm với các bệnh nhi và Jingles chính là "phần nối dài" của việc điều trị. Kể từ đó, Tiến sĩ Levinson luôn để Jingles tham gia vào các buổi trị liệu tâm lý của những bệnh nhi khác. Và cuối cùng, thuật ngữ "liệu pháp thú cưng" (pet therapy) chính thức ra đời vào năm 1964.
Liệu pháp thú cưng được xây dựng dựa trên mối liên hệ đã tồn tại sẵn có giữa con người và động vật. Sự tương tác với một thú cưng thân thiện có thể mang đến hiệu quả tích cực với các vấn đề sức khỏe và tâm lý của con người. Các chuyên gia cho rằng, liệu pháp thú cưng có thể giúp làm giảm huyết áp và cải thiện sức khoẻ tim mạch tổng quát. Hơn thế nữa, liệu pháp cũng kích thích giải phóng hormone hạnh phúc endorphin, giúp giảm đau, giảm căng thẳng, và cải thiện tâm lý.
Lợi ích của liệu pháp thú cưng hay trị liệu bằng động vật
Đã có nhiều nghiên cứu ủng hộ việc áp dụng liệu pháp thú cưng để hỗ trợ các bệnh nhi tham gia tích cực vào một đợt điều trị. Các bệnh nhi này bao gồm:
- Những trẻ bị bệnh nặng như ung thư hay các hội chứng như Rối loạn Phổ Tự kỉ.
- Những trẻ không hợp tác điều trị.
- Những trẻ gặp khó khăn trong việc xử lý cảm xúc hay thể hiện bản thân.
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí European Psychiatry năm 2017 đã xem xét nhóm 24 trẻ em 6-12 tuổi bị ung thư tham gia chương trình trị liệu thú cưng AAT. Theo đó, trẻ sẽ có 3 buổi gặp mặt mỗi tuần, kéo dài trong 4 tuần. Các hoạt động diễn ra theo một kịch bản được chuẩn bị sẵn. Trẻ được đánh giá trước – sau buổi can thiệp bằng các công cụ đo mức độ căng thẳng, đau đớn, tâm trạng, chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, huyết áp và nhịp tim của trẻ cũng được ghi lại. 2 chú chó đã được huấn luyện làm "nhân viên trị liệu" tham gia cùng nhóm trẻ.
Kết quả, 10 trẻ hoàn thành quá trình can thiệp (70% là bé gái, 50% bị u nguyên bào thần kinh). Sau can thiệp, các nhà khoa học ghi nhận việc giảm đáng kể các chỉ số lo lắng, trầm cảm cũng như xu hướng giảm áp lực.
Mặc dù số lượng mẫu không lớn, nghiên cứu trên cho thấy kết quả khả năng của việc sử dụng liệu pháp động vật với bệnh nhi ung thư.
Những câu chuyện thành công với liệu pháp động vật
Trong số các loài động vật được huấn luyện để tham gia các chương trình trị liệu bằng thú cưng, phổ biến nhất có lẽ vẫn là chó và mèo. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của cá, lợn guinea, ngựa, vịt…
Dưới đây là một số chú chó nổi tiếng đã giúp đỡ rất nhiều bệnh nhi có được trạng thái tinh thần thoải mái, nhờ đó đạt được tiến triển nhất định trong quá trình trị bệnh và phục hồi.
1. Colonel (giống chó săn mồi Golden Retriever)
Tai nạn xe hơi xảy ra, một cậu bé tên Caleb bị gãy xương chân và cánh tay, còn bị tổn thương não nặng. Tình trạng của con rất nghiêm trọng. Suốt thời gian đầu, bà và bố Caleb không biết liệu bé có sống sót nổi không, nói gì tới việc trở lại như trước. Phục hồi là một quá trình lâu dài và chậm chạp với cậu bé.
Nhưng sau đó Caleb được làm quen với một chú chó tên là Colonel - Đại tá. Với sự giúp đỡ của Colonel, Caleb gần như biến đổi ngay lập tức. Mỗi khi chú chó ở trong phòng, cậu bé trở nên tỉnh táo hẳn. Mắt sáng lên, Caleb hoạt động nhiều hơn và tiến xa trong trị liệu hơn cả mong đợi. Cuối cùng, cậu bé đã hoàn tất quá trình hồi phục một cách ngoạn mục và trở lại cuộc sống bình thường.
2. Spartacus Akita
Khi một kẻ nổ súng giết chết 27 người tại Trường tiểu học Sandy Hook, những đứa trẻ đã bị chấn thương tâm lý nặng nề. Đặc biệt là Samantha Kuric, cô bé đã trải qua khoảng thời gian khó khăn, thậm chí không muốn rời khỏi nhà sau hậu quả của thảm kịch.
Nhưng sau đó, khi mẹ đưa Samantha đến một trường học để được an ủi và trị liệu bằng thú cưng, cô bé đã gặp Spartacus. Đôi bạn lập tức gắn bó với nhau. Chỉ sau vài giờ tiếp xúc, Sammy dường như đã nhìn thế giới với ánh mắt khác. Người quản lý chú chó, Brad, hỏi liệu anh ta có thể đưa Spartacus đến để giúp đỡ một số người khác không. Samantha đồng ý nhưng chú chó không hề muốn rời bỏ cô bé!
Trong nhiều năm kể từ đó, Spartacus đã tiếp tục giúp đỡ một số nạn nhân bị chấn thương tâm lý khác. Nhưng với Samantha, họ vẫn giữ mối quan hệ bạn bè khăng khít. Spartacus làm cho Samantha cảm thấy an toàn trong thời gian khó khăn và giúp chữa lành vết sẹo tình cảm của cô bé – một quá trình vốn sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu không có Spartacus.
Tác động của Spartacus, cũng như của những chú chó trị liệu khác sau thảm kịch, đã truyền cảm hứng cho một đạo luật của bang Connecticut yêu cầu tất cả các nạn nhân của một cuộc khủng hoảng nào đó phải được tiếp cận với những con chó được chứng nhận trong vòng 24 giờ sau thảm kịch.
3. Xander Pug
Khi Xander còn nhỏ, một tai nạn khiến chú chó bị mù. Nhưng điều đó không hề cản bước Xander. Là một chú chó pug hào hoa, đầy sức sống và cá tính, Xander đã vượt qua kỳ thi cấp chứng chỉ. Giờ đây, Xander chuyên giúp đỡ những đứa trẻ là nạn nhân của các vụ lạm dụng.
Bọn trẻ yêu mến Xander. Bản tính hướng ngoại mà thư thái của chú chó này là sự an ủi cho bất kỳ ai đã trải qua giai đoạn thử thách khó khăn. Một số đứa trẻ sợ chó, nhưng Xander chứng minh rằng, chú hoàn toàn có thể thay đổi suy nghĩ đó. Dễ dàng yêu thương và được yêu thương, Xander giúp truyền bá thông điệp về sự thoải mái và chống bạo lực ở mọi nơi mà mình đến.
Chú chó Xander Pug
Tuy nhiên, liệu pháp thú cưng cũng có một số hạn chế, đó là liên quan đến an toàn thương tích và vệ sinh phòng bệnh. Những người có tiền sử dị ứng có thể bị dị ứng trong quá trình áp dụng liệu pháp thú cưng. Thú cưng trong các chương trình liệu pháp cần được kiểm soát kỹ lưỡng về hành vi và sức khoẻ. Người sử dụng liệu pháp, người điều khiển thú cưng đều cần trải qua huẩn luyện để có thể hạn chế những rủi ro và đạt được lợi ích tối đa mà liệu pháp mang lại.
Vì vậy, việc áp dụng liệu pháp này nhất định phải dưới sự chỉ định và giám sát của bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu.
Tham khảo: Americanveterinarian, Sciencedirect, Pediatricnursing,Waggit, Eonline