Liệu có một "Người tình để dành" trong cuộc sống?
“Không thể cùng chết nhưng có thể cùng sống! Không thể gặp nhau nhưng có thể yêu nhau! Không thể là đời này kiếp này nhưng sẽ là mãi mãi”…
Người tình để dành
Tập truyện ngắn - Nhiều tác giả
NXB. Lao động & Cty Bách Việt
Giá bìa: 42.000đ
|
Tôi đã đọc “Người tình để dành” trong vòng 1 tiếng đồng hồ ngắn ngủi, những câu chuyện rất ngắn nhưng lại khá phong phú về nội dung khiến người đọc không bị nhàm chán hay mệt mỏi nửa đường. Cuốn sách của các tác giả trẻ Trung Quốc này được ví như là “một lăng kính tình yêu đầy màu sắc, là những câu chuyện về tình yêu, cuộc sống, hạnh phúc của nhiều người, nhiều số phận trong xã hội”… Chính vì thế, nó tạo nên “một sức hấp dẫn mạnh mẽ riêng giữa các dòng văn học”.
Đến với tập truyện ngắn, người đọc có cơ hội chứng kiến những câu chuyện tình bắt đầu thật tình cờ, vu vơ và nhân vật chính thậm chí còn có phần “trái ngược”. Đó là câu chuyện “Tình yêu lầu trên lâu dưới” - khi cô thì ở trên lầu tưới hoa, nước bùn nhỏ xuống áo sơ mi anh vừa mới giặt. Cô phơi áo không bao giờ chịu kẹp, các loại đồ nho nhỏ như áo lót cứ bị gió thổi tứ tung, còn anh dưới lầu phải thường xuyên đỏ mặt đem trả lại chủ nhân của nó. Cô ở trên lầu vẫn thích ồn áo náo nhiệt, anh ở dưới lầu chẳng có phút nghỉ ngơi… Thế mà họ lại yêu nhau! Yêu từ phút anh nghe luôn phải nghe tin cô thất tình, luôn được cô mời đi uống rượu (nhưng anh phải trả tiền), được tháo giày, được đắp chăn, được chăm sóc cho cô nàng. Hình như việc ngắm nhìn gương mặt cô trong lúc ngủ đã trở thành thói quen của anh mất rồi!
Không đáng yêu như chuyện tình “lầu trên lầu dưới”, chuyện về “Vai diễn của hai người cô đơn” khiến người đọc bất giác thấy cay cay. Nhã Tô - người con gái học ngành biên kịch nhưng chẳng thể dựng nổi một cuộn phim cho cuộc đời mình. Nàng yên lặng và đón nhận tất cả những gì người yêu an bài, để rồi nhận ra - mình là một kẻ cô đơn, “tất cả những bức tường thành phố nơi cô đã đi qua không hề có chàng hoàng tử mà cô mong đợi”. Anh và cô từ đầu đã giống như một cảnh diễn xuất sai lầm, nhưng một ngày nào đó cũng được trả đúng về giữa dòng người...
Không nói đến tình yêu lứa đôi mà lại hướng đến tình người trong cuộc sống, “Tiệc đêm trong nhà vệ sinh” đưa ta chứng kiến một cử chỉ đẹp đến không ngờ của những người cách xa về tầng lớp. Đối với một đứa bé 5 tuổi, con của chị giúp việc nghèo hèn thì căn phòng toilet của ông chủ quá ư là sang trọng, sạch sẽ, thơm tho và đẹp đẽ đến mức nó chưa từng biết đến. Mẹ dối rằng đây là căn phòng tổ chức một bữa tiệc chỉ dành riêng cho nó, nó thích thú đặt 2 chiếc xúc xích trên bàn đá có gương và âm ư hát tặng mình. Và không ai khác, khi phát hiện ra chuyện này, chính ông chủ đã cùng ngồi xuống sàn và dự “bữa tiệc” cùng cậu bé. Tất cả đều diễn ra chân thành ấm áp… để năm tháng trôi qua, cậu bé giờ trở nên thành đạt vẫn không thể quên cử chỉ trân trọng của ông chủ ngày nào.
Những câu chuyện ngắn gọn, súc tích, diễn tả chân thực những mảnh ghép của tình yêu, tình bạn, tình người… để tạo nên bức tranh tương đối hoàn chỉnh về một mảng màu của cuộc sống. Nếu ở một vài tác phẩm, không hề có quan hệ ba người rắc rối mà chỉ có nhân vật nữ chính lặng lẽ đợi chờ thì “Người tình để dành” lại lột tả sự dối trá, phản trắc trong tình yêu. Hai người bạn thân phải chia sẻ một người đàn ông mà không hề hay biết mình chỉ là món đồ chơi được “để dành” của gã. Câu hỏi cay đắng của Tiểu Tang dành cho cô bạn Tiểu Kiều vẫn ám ảnh tôi mãi: “Cảm giác bị lừa và cảm giác bị lấy cắp giống nhau chứ?”. Và Tiểu Kiều đã khóc!
Theo cảm nhận của riêng tôi, tập truyện ngắn này không thực sự xuất sắc về những hình ảnh ẩn dụ tượng trưng, hay nói cách khác, “phần chìm” của “tảng băng trôi” vẫn còn khá mờ nhạt. Tuy nhiên, thành công mà nó ghi dấu ấn được trong lòng người đọc chính là sự gần gũi, giản dị, những tình huống mà ở bất cứ nơi đâu bạn cũng có thể vô tình gặp phải. Những câu chuyện nhẹ nhàng, không cầu kỳ nhưng khắc hoạ tương đối những xúc cảm đa chiều trong cuộc sống thường nhật như“Bươm bướm ơi, mi đã từng yêu?”, “Hoa hướng dương của Tiểu Ngư”, “Cạm bẫy xinh đẹp”, “Chuông gió”, “Hãy nắm chặt tay nhau”… 20 truyện ngắn trong “Người tình để dành” đã để lại trong tôi kí ức về “những kịch bản mãi mãi không thể dựng thành phim”, về câu xin lỗi của một cô gái nói với người yêu - “cái em cần không phải là biển lớn, mà là dòng nước nhỏ”, và cả tiếng nguyện cầu chân thành - “Không thể cùng chết nhưng có thể cùng sống! Không thể gặp nhau nhưng có thể yêu nhau! Không thể là đời này kiếp này nhưng sẽ là mãi mãi”…
“Người tình để dành” là tập truyện ngắn được chọn lọc và tổng hợp từ các tác giả thuộc thế hệ trẻ của Trung Quốc, chính vì thế mang xu hướng trẻ trung, phóng khoáng và để lại những niềm vui nho nhỏ trong lòng bạn đọc. Một cuốn sách mà chúng ta có thể tìm đọc vào những buổi chiều cuối tuần buồn chán, là cách đơn giản để giải toả những căng thẳng bộn bề. Tìm thấy mình qua từng trang sách, từng tình huống vui buồn trong tác phẩm cũng là điều thú vị giản đơn để cuộc sống thêm phần sinh động…