Liên tiếp xuất hiện các ổ bệnh bạch hầu tại Việt Nam: Đây là lý do bạch hầu có thể lây mạnh và vô cùng nguy hiểm cho tính mạng người bệnh
Bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu trở lại, nguy cơ bùng phát và gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh vì những lý do sau đây.
Thời gian qua, Việt Nam ghi nhận liên tiếp các trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Tính đến trưa ngày 23/6, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 12 ca dương tính với bệnh bạch hầu tại 3 ổ dịch, trong đó có 1 cháu nhỏ đã tử vong. Đến trưa cùng ngày, ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đã cách ly gần 1200 người.
Bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu trở lại, nguy cơ bùng phát và gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh vì những lý do sau đây.
Phương thức lây lan của bệnh bạch hầu: Rất dễ dàng lây qua đường hô hấp
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Bệnh cũng có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua qua đồ chơi, vật dụng. Thậm chí, sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu.
Bệnh bạch hầu lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vắc xin dự phòng. Năm 1923, vắc xin giải độc tố bạch hầu ra đời và từ đó đến nay tính nghiêm trọng của bệnh dịch đã thay đổi trên toàn thế giới.
Trong những năm 90 của thế kỷ 20, bệnh bạch hầu từng bùng nổ thành dịch lớn ở một số nước như Nga, Ucraina... do các nước này đã bị gián đoạn việc tiêm chủng vắc xin bạch hầu cho trẻ em vào những năm 80. Năm 1994, ở Nga đã có hơn 39.000 người mắc bạch hầu với 1.100 người chết và ở Ucraina có hơn 3.000 người mắc. Tuổi mắc bệnh chủ yếu là trên 15 tuổi.
Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) thì bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Nhờ thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu nên tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam đã giảm dần từ 3,95/100.000 dân năm 1985 xuống 0,14/100.000 dân năm 2000.
Vi khuẩn bạch hầu có "sức sống rất mãnh liệt"
Vi khuẩn bạch hầu có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nguy hiểm hơn, nếu được chất nhày bao quanh bảo vệ thì loại vi khuẩn này có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần.
Tuy nhiên, vi khuẩn bạch hầu lại rất nhạy cảm với các yếu tố lý, hoá. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ. Ở nhiệt độ 58 độ C, vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút.
Bệnh bạch hầu có thể gây tử vong rất nhanh
Bệnh bạch hầu có thể được điều trị hoặc trở nên trầm trọng và tử vong chỉ trong vòng 6-10 ngày. Tỷ lệ tử vong trung bình là 5% – 10%. Tỷ lệ tử này tăng đột biến – lên tới 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.
Độc tố bạch hầu có thể gây các tổn thương lớn đến cơ thể như: Viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim. Thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận. Tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong trong vòng 6-10 ngày.
Để phòng bệnh bạch hầu cho con, cha mẹ cần nắm rõ những vấn đề liên quan đến bệnh TẠI ĐÂY.
Nguồn: Cục Y tế dự phòng