Liên tiếp các vụ án man rợ: Mặt trái truyền thông dẫn đến sự vô cảm trước cái ác

MINH TUỆ/VTC News,
Chia sẻ

Chuyên gia tội phạm học cho rằng sự mô tả chi tiết bằng ngôn ngữ, hình ảnh vụ án dẫn đến chai sạn cảm xúc, dễ đưa đến hành động bắt chước, học theo.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ án gây rúng động dư luận như nữ giúp việc bắt cóc, sát hại bé gái 2 tuổi; cô gái 17 tuổi bị phân xác, phi tang xuống sông Hồng hay giết nhân tình rồi tự sát ở Bắc Ninh...

Liên tiếp các vụ án man rợ: Mặt trái truyền thông dẫn đến sự vô cảm trước cái ác - Ảnh 1.

Cô gái 17 tuổi bị phân xác, phi tang xuống sông Hồng

Gần đây nhất là vụ án chồng giết vợ rồi quấn thi thể trong nilon và bao tải rồi giấu dưới gầm giường ở Vĩnh Phúc. Ngoài ra, còn không ít những vụ án đau lòng khi nạn nhân lại chính là người thân nhất của hung thủ như cha giết con, con giết mẹ...

Một số vụ thảm sát, báo chí chính thống khi đưa tin đã phải cân nhắc, hạn chế hoặc không đưa những tình tiết man rợ, không đưa tin. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội lại đầy rẫy thông tin miêu tả hành vi gây án, đưa các clip, hình ảnh rõ nét nạn nhân...

Nhiều ý kiến cho rằng, truyền thông đang có tác động hai mặt, vừa tuyên truyền, cảnh báo nhưng bên cạnh đó lại khiến con người trở nên vô cảm, học theo hành vi phạm tội.

Sự vô cảm trước cái ác

Trả lời PV VTC News, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia tội phạm học, bày tỏ lo ngại trước mặt trái của truyền thông tác động đến suy nghĩ, hành động của con người, đặc biệt là giới trẻ.

Ông Thìn dẫn chứng, việc mô tả chi tiết bằng ngôn ngữ, hình ảnh các vụ án được lặp đi lặp lại dẫn đến chai sạn cảm xúc đối với người tiếp cận thông tin, từ đó dễ dẫn đến vô cảm trước cái ác.

"Không những thế, nó dễ đưa người ta đến các hành động bắt chước, làm theo mà không hề ý thức được rằng đó chính là đi ngược lại với đạo đức con người và chống lại luật pháp. Điều này đặc biệt nguy hiểm với giới trẻ, nhất là với người chưa thành niên.

Lứa tuổi vị thành niên chưa hoàn thiện về thể chất và nhân cách, chưa có sự trải nghiệm cuộc sống nên chưa ý thức sâu sắc về những hành vi của mình, chưa đủ nhận biết hết những hậu quả nặng nề trước các hành động của mình gây ra", chuyên gia tội phạm học Đỗ Cảnh Thìn cảnh báo.

Liên tiếp các vụ án man rợ: Mặt trái truyền thông dẫn đến sự vô cảm trước cái ác - Ảnh 2.

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - chuyên gia tội phạm học.

Vì vậy, ông Thìn cho rằng, truyền thông khi phản ánh các vấn đề xã hội cần phải cân nhắc, thận trọng trong việc đưa các thông tin, hình ảnh, liều lượng. Bản thân người làm trong lĩnh vực truyền thông và các cơ quan truyền thông trước hết phải xây dựng cho mình một tinh thần, thái độ trách nhiệm xã hội rất cao, tính nhân văn, tích cực và khoa học.

Khi phản ánh cái xấu, cái ác vừa thể hiện được sự lên án, phê phán, vừa hướng người đọc, người xem đến những điều tích cực, trong sáng. Không thể chạy theo vụ việc, gây sốc một cách thiếu trách nhiệm, nhất là những vụ việc có tác động, ảnh hưởng đến giới trẻ.

Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, cho biết thời gian qua không ít các tài khoản trên mạng xã hội, thậm chí có cả những trang báo chính thống đưa những thông tin, hình ảnh có tính chất bạo lực, mô tả tỉ mỉ hành động tội ác gây tác động tâm lý tiêu cực đến một bộ phận trong xã hội, trong đó có các bạn trẻ.

"Trong số những nguyên nhân khiến các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội giết người thì có nguyên nhân từ việc đối tượng tiếp xúc với những văn hóa độc hại trên mạng internet. Đó là những thông tin, hình ảnh chém giết, mô tả cụ thể chi tiết hành vi phạm tội. Tiếp xúc nhiều với văn hóa bạo lực, những vụ chém giết, sát hại người khác khiến nhiều đối tượng trở nên lì lợm, máu lạnh đối với những hành vi phạm tội giết người", luật sư Cường phân tích.

Chính vì vậy các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm soát, kịp thời phát hiện những thông tin, hình ảnh vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, vi phạm pháp luật để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc quản lý việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội

Suy thoái đạo đức

Đặc điểm chung trong những vụ án mạng rúng động gần đây là hung thủ và nạn nhân đều có mối quan hệ thân thiết. Giữa họ đang là vợ chồng, cha mẹ và con cái, tình nhân, bảo mẫu và trẻ... Nhưng do suy nghĩ ích kỷ, họ sẵn sàng ra tay cướp đi mạng sống những người thân quen.

Trước khi gây ra tội ác, những kẻ này đều có lý lịch trong sạch, thậm chí có trình độ, như bảo mẫu Giáp Thị Huyền Trang (kẻ bắt cóc, sát hại bé gái 2 tuổi ở Hà Nội) có trình độ sư phạm, từng là giáo viên.

Liên tiếp các vụ án man rợ: Mặt trái truyền thông dẫn đến sự vô cảm trước cái ác - Ảnh 3.

Bảo mẫu Giáp Thị Huyền Trang - kẻ bắt cóc, sát hại bé gái 2 tuổi ở Hà Nội.

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, nguyên nhân của những vụ thảm sát vừa qua đến từ nhiều hướng, nhưng trước hết phải thấy rằng một bộ phận người dân bị thoái hóa về đạo đức, nhân cách.

Họ chạy theo các giá trị tiêu cực nhằm thỏa mãn các nhu cầu cá nhân thiếu lành mạnh về tiền bạc, vật chất, tình ái... Những nhu cầu này vượt quá khả năng thực tế của bản thân nên thúc đẩy họ hành động bất chấp sự phải - trái, đúng - sai, bất chấp hậu quả đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Các phương thức, thủ đoạn gây án rất dã man, manh động, tàn bạo khiến người khác rùng mình. Hành vi này không chỉ xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm con người mà còn biểu hiện sự coi thường, thách thức pháp luật và đạo đức xã hội.

Ông Thìn phân tích rằng các đối tượng đều ý thức được rằng, với tội ác gây ra họ sẽ phải đối mặt với những hình phạt cực kỳ nghiêm khắc (chung thân, tử hình). Vì vậy, những kẻ này đã tìm mọi cách để cơ quan điều tra và người dân không thể nhận dạng được nạn nhân. Từ đó, những kẻ phạm tội mong thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

"Các đối tượng có hành vi gây căm phẫn và bức xúc như phân xác nạn nhân hay giấu thi thể nạn nhân ở những nơi rất khó phát hiện không hoàn toàn xuất phát từ những mâu thuẫn, xung đột cao độ đến mức phải ra tay tàn độc nhằm thỏa mãn tâm lý thù hằn. Phần lớn các vụ này, đối tượng đều có mục đích che giấu tội phạm nhằm tránh bị phát hiện, bị trừng phạt", PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn phân tích.

Liên tiếp các vụ án man rợ: Mặt trái truyền thông dẫn đến sự vô cảm trước cái ác - Ảnh 4.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường.

Ngoài 2 nguyên nhân trên, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cũng chỉ ra, một bộ phận người dân hiện nay, nhất là giới trẻ thiếu các kỹ năng cần thiết trước các khó khăn, vướng mắc hoặc các "cú sốc", các áp lực trong đời sống. Vì vậy, khi đặt vào các tình huống cụ thể họ rất dễ hành động theo bản năng.

Mặc dù chưa đủ căn cứ để nói rằng tội phạm đang có xu hướng trẻ hóa, nhưng theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, tính chất phạm tội do người trẻ tuổi gây ra trong thời gian gần đây rất nghiêm trọng, rất phức tạp. Về ảnh hưởng của game online đối với hành vi của người chưa thành niên đã được nói đến rất nhiều lần.

"Những hình ảnh bạo lực, tàn ác, "siêu nhân" kiểu chém giết, thanh toán lẫn nhau không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, học tập của người chưa thành niên mà nó hình thành vết mòn tâm lý trong nhận thức của người trẻ.

Những "vết mòn" này được tích tụ, bồi đắp tạo nên những "phẩm chất tiêu cực" ẩn chứa trong đời sống tinh thần của họ. Và, khi có điều kiện phù hợp thì họ rất có thể hành động phạm tội như các hình mẫu đã được tiếp cận", ông Thìn cho hay.

Tăng hình phạt với trẻ phạm tội?

Một số ý kiến cho rằng cần phải có hình phạt nghiêm khắc với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, ông Thìn cho biết điều này là trái với quan điểm, chính sách của Nhà nước ta, đi ngược với văn minh pháp lý mà thế giới đang hướng tới. Theo đó, giáo dục mới là nền tảng, là quan trọng nhất, cơ bản và vững chắc nhất.

Bàn luận về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, người dưới 18 tuổi phạm tội sẽ có chính sách riêng, đặc thù thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật. Theo đó người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự với mọi tội phạm. Còn người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm được liệt kê theo quy định tại điều 12 của Bộ luật Hình sự.

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là tạo mọi điều kiện để người dưới 18 tuổi có cơ hội sửa sai, hạn chế áp dụng hình phạt tù, tăng cường các biện pháp giáo dục, đề cao và hướng đến mục tiêu giáo dục đối với nhóm người phạm tội này.

Chính sách pháp luật ở Việt Nam đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là khoan hồng, nhân đạo, nhân văn, phù hợp với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Cụ thể, không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình với người dưới 18 tuổi phạm tội. Với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội thì hình phạt cao nhất không quá 12 năm tù. Với người từ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội, hình phạt cao nhất không quá 18 năm tù. Hạn chế áp dụng hình phạt tù với người dưới 18 tuổi phạm tội, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, các biện pháp hành chính tư pháp để cải tạo giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Theo ông Cường, tuổi trẻ thường bồng bột, dễ mắc sai lầm. Bởi vậy nếu thiếu sự quan tâm chăm sóc giáo dục của cha mẹ, học sinh bỏ học sớm, tiếp xúc với môi trường thiếu lành mạnh thì rất dễ bị lôi kéo, dễ sa ngã trở thành phạm tội.

Với các bạn trẻ đang ở độ tuổi học tập, xây dựng sự nghiệp, thời gian với họ rất quý giá, nếu phải chịu mức hình phạt tới 10 năm tù là quãng thời gian rất dài đối với một người trẻ.

"Đối với người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức bị xử lý hình sự nhưng được hưởng chính sách khoan hồng hoặc bị áp dụng biện pháp tư pháp là đưa vào trường giáo dưỡng, cha mẹ cần phối hợp với cơ quan chức năng để áp dụng các biện pháp này.

Đây là giải pháp pháp lý quan trọng trên cơ sở khoa học đã được tính toán để giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội.

Khi bị áp dụng các biện pháp hòa giải tại cộng đồng, khiển trách, đưa vào trường giáo dưỡng thì đó là các hành vi vi phạm còn có thể áp dụng bằng những biện pháp tư pháp ít nghiêm khắc. Còn khi đã áp dụng hình phạt tù thì tương lai hạnh phúc của những đứa trẻ ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng" , ông Cường nêu quan điểm.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, để giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật, giảm thiểu những vụ án mạng, vấn đề giáo dục đạo đức nhân cách, giáo dục kỹ năng sống, thói quen giúp đỡ, chia sẻ với mọi người và tránh xa các tệ nạn xã hội rất quan trọng, đặc biệt là đối với các bạn trẻ.

Chỉ khi nào vấn đề đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật được nâng cao, tình yêu thương, sự chia sẻ tôn trọng lẫn nhau giữa người với người được thực hiện tốt, khi đó mới giảm thiểu những vụ án về trật tự xã hội, trong đó có những vụ án mạng thương tâm.

Chia sẻ