Những vụ án man rợ - vì đâu nên nỗi?
Nguyên nhân một phần do hung thủ bị ám ảnh, chi phối bởi những vụ án trước đây - gọi là "cơ chế ám thị xã hội".
Dư luận rúng động với hành vi phạm tội man rợ trong những vụ án giết người, phân xác phi tang. Có thể kể đến một số vụ án ám ảnh đặc biệt như: Nguyễn Đức Nghĩa – sinh viên Đại học Ngoại thương chặt đầu người yêu cũ (năm 2010), thợ mộc Nguyễn Hải Dương (Bình Phước) giết hết gia đình bạn gái cũ vì hận tình (năm 2015), vợ giết chồng, phân xác ở Bình Dương do mâu thuẫn tình cảm (năm 2017). Và gần đây nhất là sự việc Á khôi 17 tuổi bị sát hại, phân xác phi tang ở Sông Hồng, Hà Nội vào ngày 13-10.
Ám thị xã hội, xuống tay man rợ
Có thể thấy hung thủ đến từ mọi tầng lớp xã hội. Từ sinh viên đại học, người lao động tay chân hay doanh nhân thành đạt đều có thể trở thành tội phạm. Điểm chung là họ đủ khả năng tự chủ về hành vi, nhận thức về hành động, nhưng lại có thể xuống tay một cách tàn độc.
Thượng tá, tiến sĩ Đoàn Văn Báu, Phó Trưởng khoa Tâm lý, Trường Đại học An ninh nhân dân, cho rằng không thể dựa vào việc số lượng các vụ án nghiêm trọng ngày một gia tăng để phản ánh thực trạng của xã hội hiện nay và đánh đồng rằng tâm lý của giới trẻ đang có xu hướng bạo lực hoá.
Động cơ gây án của các vụ việc trên thường bắt nguồn từ mâu thuẫn. Cảm xúc nhất thời đạt đến đỉnh điểm dẫn đến hành vi phạm tội được thực hiện man rợ theo bản năng chứ không có chủ đích từ trước.
Theo quá trình diễn biến tâm lý tội phạm, sau khi gây án, hung thủ thường tìm cách xóa dấu vết và phi tang thi thể nạn nhân. Nguyên nhân một phần do hung thủ bị ám ảnh, chi phối bởi những vụ án trước đây - gọi là "cơ chế ám thị xã hội".
Nghi phạm (bìa trái) và nạn nhân trong vụ sát hại Á khôi 17 tuổi. Ảnh: S.T.
Từ nhiều năm trước cũng có nhiều vụ án dã man, nhưng do giới hạn của báo giấy và radio, thông tin không được lan truyền rộng rãi. So với hiện tại, với sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội, mức độ lan toả thông tin đã biến đổi mạnh mẽ. Theo TS Báu, việc truyền thông, đặc biệt là các mạng xã hội thường xuyên khai thác tình tiết ly kỳ nhằm thu hút người xem đã tạo ra một bầu không khí tiêu cực, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận và hành vi của người tiếp cận thông tin.
Các cơ quan truyền thông và mạng xã hội cần chấn chỉnh, định hướng hoạt động đưa tin, kiểm soát và ngăn chặn những thông tin được cường điệu hóa. Thông tin đăng tải cần vắn tắt, mô hình hóa hình ảnh để giảm bớt mức độ tiêu cực.
Hãy là một bạn đọc thông thái!
Về giải pháp để giảm thiểu hành vi phạm tội man rợ, TS Báu nhận định nguyên nhân chính của các vụ án này thường liên quan đến mâu thuẫn trong quan hệ tình cảm. Vì vậy, mỗi người cần nhận thức đúng tình cảm và tự trau dồi kỹ năng ứng xử trong các mối quan hệ; sống lành mạnh, cư xử đúng mực để tránh xa các mối quan hệ phức tạp, không rõ ràng.
Khung hình phạt của pháp luật hiện hành đối với tội danh giết người đã đủ răn đe và phù hợp, phản ánh đúng mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp qua các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng? Do đó, điều quan trọng không phải là điều chỉnh pháp luật mà là sự phối hợp của các cơ quan chức năng, các ban ngành đoàn thể trong việc trang bị, bồi dưỡng kỹ năng thực hành xã hội cho người dân, đặc biệt là giới trẻ cùng với sự quyết tâm trong định hướng thông tin báo chí, tuyên truyền.
Để trở thành bạn đọc thông thái trong một thế giới đang tràn ngập thông tin tiêu cực như hiện nay, TS Báu cho rằng mỗi cá nhân cần có sự cân bằng giữa thông tin tích cực và tiêu cực. Chọn chủ đề và những thông tin hữu ích như gương người tốt, việc tốt, kinh nghiệm và cơ hội việc làm, kiến thức, lối sống đẹp… sẽ giúp phân loại luồng tin, tránh không bị phụ thuộc và có khả năng miễn nhiễm trước các thông tin xấu.