Chuyên gia giải mã: Vì sao sát thủ máu lạnh nhưng hoảng loạn, lưỡng lự khi tự tử?
Chuyên gia tội phạm học cho rằng, hành vi tàn độc và rất máu lạnh của đối tượng khi sát hại, phân xác cô gái trẻ nhưng hoảng loạn, cố thủ, lưỡng lự khi tự sát tưởng chừng mâu thuẫn nhưng thực ra rất phù hợp diễn biến tâm lý.
Vụ án nạn nhân H.Y.N. (17 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) bị đối tượng Tạ Duy Khanh (38 tuổi, quê Thái Bình, sinh sống) sát hại, phân xác phi tang xuống sông Hồng những ngày qua đang nhận được sự chú ý của dư luận.
Liên quan đến vụ án trên, bên cạnh việc tiếc thương cho nạn nhân, dư luận cũng bày tỏ sự phẫn nộ trước thủ đoạn ra tay tàn độc của hung thủ. Nhiều người cũng đặt câu hỏi vì sao một người có thân nhân được cho là "sạch" như Khanh lại có thể gây án một cách man rợ như vậy để cướp đi sinh mạng của cô gái trẻ? Chuyện nợ nần 50 triệu đồng có phải là nguyên nhân dẫn nên hành vi tội ác như đối tượng đã khai trước cơ quan công an?
Nhận định về vụ án trên, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Viện Khoa học Cảnh sát (Học viện Cảnh sát Nhân dân) cho rằng đây là vụ trọng án gây rúng động dư luận xã hội bởi tính chất tàn độc, máu lạnh trong hành vi của nghi phạm đối với nạn nhân.
Dưới góc độ tội phạm học, vị chuyên gia tội phạm học cho rằng, bất cứ một hành vi tội ác nào đều phải bắt nguồn từ 2 yếu tố chính là nguyên nhân và điều kiện.
Về nguyên nhân hình thành tội ác, ông Đỗ Cảnh Thìn cho rằng đây không phải là câu chuyện một ngày, một giờ, mà nó phải manh nha, khởi điểm và cộng sinh từ nhiều yếu tố (môi trường xã hội, nền tảng giáo dục, nhận thức hành vi…) theo thời gian hình thành nhân cách tiêu cực của kẻ phạm tội.
"Đây là mặt thường bị giấu kín ở mỗi con người, không dễ dàng bộc lộ. Có thể nói, hành vi tội ác không phải là khoảnh khắc, mà nó là hệ quả của sự tích tụ, tác động từ nhiều yếu tố khác nhau. Khi sự tích tụ về mặt nguyên nhân đủ lớn, chỉ cần có điều kiện là hành vi tội ác sẽ phát sinh", ông Thìn cho biết.
Trong vụ án nêu trên, ông Thìn phân tích, điều kiện dẫn tới tội ác bước đầu được cơ quan điều tra làm rõ là do xung đột, mâu thuẫn về lợi ích (nghi phạm khai nạn nhân nợ 50 triệu đồng từ lâu không chịu trả).
Về mặt diễn biến hành vi, khi đối tượng đã xuống tay gây án, thì sau đó sẽ lập tức nảy sinh tâm lý che giấu tội ác. Hành vi tội ác càng nghiêm trọng, thì việc che giấu càng trở nên quyết liệt hơn.
Thông thường đối với những vụ án giết người, để che giấu hành vi, hung thủ sẽ tìm cách xoá dấu vết, tung tích của nạn nhân. Việc nạn nhân không còn dấu tích sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, vạch trần tội ác của hung thủ. Điều đó phần nào giải thích cho hành vi phân xác phi tang của nghi phạm trong vụ án nêu trên.
Tuy nhiên, theo ông Thìn, trên thực tế, để người khác không biết trừ khi mình đừng làm. "Bởi khi xuống tay thực hiện một hành vi tội ác, hung thủ sẽ không thể xoá hết được mọi dấu vết. Và khi đó, bằng việc áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ điều tra, công an sẽ từng bước bóc tách, đánh thức dấu vết dù là nhỏ nhất để tìm ra sự thật", ông Thìn nhấn mạnh.
Lý giải về tâm lý hoảng loạn, chạy trốn về quê rồi cố thủ trong gầm giường và tự sát bất thành của nghi phạm khi bị công an phát hiện, vây bắt, ông Thìn đánh giá đây là diễn biến tâm lý hết sức bình thường của mỗi con người (kể cả tội phạm).
Theo vị chuyên gia tội phạm học, mặc dù vừa trước đó nghi phạm ra tay giết người, phân xác không ghê tay, nhưng khi phải tự kết liễu đời mình, đứng giữa lằn ranh sống và chết, họ sẽ có tâm lý hoảng sợ, lưỡng lự. Ham sống, sợ chết là bản năng rất thật của mỗi người.
Trong vụ án này, cơ quan công an sẽ tiếp tục đấu tranh, điều tra làm rõ thêm nhiều khía cạnh khác. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của PGS Đỗ Cảnh Thìn, 50 triệu đồng chưa chắc đã là nguyên nhân duy nhất khiến nghi phạm ra tay một cách tàn độc với nạn nhân như vậy. "Có thể còn nhiều điều uẩn khúc khác mà nghi phạm đang muốn che giấu. Để có một cái nhìn thật toàn diện, cặn kẽ về vụ án trên, cần phải chờ cơ quan công an ra kết luận điều tra cuối cùng", ông Thìn kết lại.