Lên Google dịch tra 1 từ Tiếng Việt, anh Tây khóc thét vì không tìm thấy nghĩa: Cứ ngỡ từ cổ, hóa ra là vố lừa!
Tra Google dịch mãi vẫn không ra kết quả, anh Tây đành phải cầu cứu sự trợ giúp từ một người bạn Việt.
Trước giờ chúng ta luôn than oai oái khi học tiếng người nước ngoài vì phải nhớ thêm một kho từ vựng đồ sộ, rồi học cách phát âm, ngữ pháp,... Thực tế, người nước ngoài khi học Tiếng Việt cũng có những trải nghiệm tương tự. Sự phong phú, linh hoạt và cả những điểm đặc biệt về bộ dấu "huyền, ngã, sắc, nặng" của chúng ta từng khiến không ít người nước ngoài đổ mồ hôi hột.
Đó là chưa kể, ngày càng có nhiều từ mới ra đời theo các xu hướng xã hội. Dù không phải từ vựng được công nhận chính thức trong từ điển Tiếng Việt nhưng lại được dùng rất phổ biến trong hội thoại hàng ngày. Nếu không được người Việt "mách nước" thì người Tây chắc chắn không hiểu nổi. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ.
Chẳng là có một anh bạn nước Úc được một người Việt nhắn tin làm quen. Tự tin có Google dịch, "đả thông" mọi ngôn ngữ nên anh Úc đã lên tra thử xem người bạn Việt nói gì. Nhưng tra mãi vẫn không ra kết quả. Bối rối, hoang mang quá nên anh Úc đã nhờ một người bạn Việt khác của mình dịch hộ. Người này vừa nhìn câu Tiếng Việt đã phì cười vì đó chính là một câu teencode.
Theo đó, tin nhắn mà anh bạn Úc nhận được là: "Bạn biết nói Tiếng Việt khum zậy?", dịch ra là: "Bạn biết nói Tiếng Việt không vậy?".
Cho những ai chưa biết thì Teencode được thế hệ cuối 8x, đầu 9x lan truyền trên Zingme, Yahoo, Blog360. Trào lưu này bắt nguồn từ bộ truyện tranh nổi tiếng Thám tử lừng danh Conan, khi tác giả biến đổi từ KID (tên nhân vật truyện) thành 1412 (14 = KI, 12 = D). Những năm 2007-2012, teencode cực thịnh hành và được biến tấu cho càng rối càng tốt. Với 8x, 9x thời điểm đó, viết được teencode là một biểu hiện của sự sành điệu.
Về nguyên tắc, teencode sẽ sử dụng chữ cái hoặc số để thay thế từ/cụm từ như "ph = f", "ng = g/q", "o = 0", "e = 3", "vk/ck = vợ/chồng", "s2 = trái tim", "bt òy = biết rồi", "v" = "z", "g" = "9", "b" = "p", "a" = "4",...
Đến nhiều người Việt còn không bắt sóng kịp với teencode thì chuyện anh bạn nước ngoài "ố á" trước ngôn ngữ này cũng là điều dễ hiểu! Câu chuyện này sau khi được chia sẻ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cư dân mạng. Một số bạn trẻ cũng tranh thủ kể thêm những câu chuyện hài hước khác liên quan đến teencode.
Tài khoản T.N cho hay: "Có lần đứa bạn người Mỹ của mình vỗ ngực bảo giờ ràng Tiếng Việt, tự tin nhắn tin luôn. Mình mới hỏi lại "Trắk khum?" (Chắc không?), ông bạn tậm tịt luôn",...