Lật tàu khiến 2 người chết ở Thanh Hóa: Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường? Trách nhiệm hình sự được xử lý ra sao?

Minh Khôi,
Chia sẻ

Theo luật sư, nếu 2 nhân viên gác chắn đường sắt ở Thanh Hóa đã thực hiện chưa đúng nhiệm vụ được giao, dẫn đến vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng thì những người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, hành chính với mức xử phạt có thể lên đến 12 năm

Như tin tức đã đưa, ngày 25/5, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố vụ án hình sự "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với 2 nhân viên gác chắn đường ngang về hành vi thiếu trách nhiệm để xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt gây hậu quả nghiêm trọng.

Hai bị can gồm: Nguyễn Văn Hùng (SN 1983) và Phạm Văn Vui (SN 1978), cùng trú tại thôn Khoa Trường, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Lật tàu khiến 2 người chết ở Thanh Hóa: Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường? Trách nhiệm hình sự được xử lý ra sao? - Ảnh 1.

Vụ tai nạn tàu hỏa tại Thanh Hóa được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội ) nhận định, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, cần phải xử lý nghiêm để răn đe và cũng là thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Lật tàu khiến 2 người chết ở Thanh Hóa: Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường? Trách nhiệm hình sự được xử lý ra sao? - Ảnh 2.

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư T.P Hà Nội

Phân tích thêm về sự việc, luật sư Cường cho biết: ''Về vụ việc này, bước đầu cơ quan công an sẽ vào cuộc, xác minh làm rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.

Trong hoạt động giao thông đường sắt, những bộ phận phục vụ như người chắn tàu, gác tàu ... là những bộ phận quan trọng, đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu. Việc người gác tàu ngủ quên không cảnh báo, chặn barie sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho chuyến tàu đó.

Nếu vụ việc xảy ra tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa mà do người chắn tàu ngủ quên thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, hành chính Theo quy định tại điều 129 Bộ luật hình sự 2015, hình phạt có thể lên tới 12 năm tù''.

Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính

1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, người vi phạm sẽ phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra cho những nạn nhân.

Theo luật sư Cường, hai nhân viên gác chắn này chưa thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao, lơ là không báo hiệu, cảnh báo cho các phương tiện giao thông đường bộ dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

Lật tàu khiến 2 người chết ở Thanh Hóa: Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường? Trách nhiệm hình sự được xử lý ra sao? - Ảnh 4.

Hiện trường vụ tai nạn.

Bởi theo quy định của thông tư 04/2017/VBHN - BGTVT năm 2017 của bộ giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu thì: "Nhân viên gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt: là người có trách nhiệm đóng, mở kịp thời chắn đường ngang, đường qua cầu chung và làm nghiệp vụ gác hầm, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi phương tiện giao thông đường sắt chạy qua; trực tiếp kiểm tra, bảo quản, bảo trì, sử dụng công trình, trang thiết bị chắn đường ngang, cầu, hầm phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình, quy phạm''.

Khi một người được tuyển dụng, bổ nhiệm làm nhân viên gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt thì phải có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ nêu trên. Nếu không thực hiện nhiệm vụ dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, vụ việc ở đây là trách nhiệm hình sự.

Vì vậy, luật sư cường cho rằng, nếu có căn cứ xác định nhân viên gác đường đang ngủ quên, không thực hiện nhiệm vụ thì người này sẽ bị khởi tố về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, hành chính.

''Sau sự việc này, Bộ giao thông vận tải và ngành đường sắt cũng cần kiểm tra, rà soát lực lượng đảm bảo an toàn đường sắt, phải có những biện pháp phù hợp để chấn chỉnh, để quản lý tốt hơn những người phục vụ đường sắt, tránh gây ra những vụ tai nạn thảm khốc như vậy.

Ngoài ra cũng cần xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đối với vụ tai nạn này để đảm bảo công bằng đúng pháp luật, đảm bảo hệ thống vận hành đồng bộ, an toàn cho người tham gia giao thông'', luật sư Cường nhận định.

Trước đó, 0h27 ngày 24.5, tại Km 234+053 tuyến đường sắt Bắc - Nam, thuộc địa phận xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu hỏa số hiệu SE19 chạy tuyến Hà Nội - Đà Nẵng với xe ô tô tải BKS 37C - 151.38 khiến 1 đầu máy và 6 toa tàu (gồm 4 toa khách, 1 toa đựng hàng và 1 toa phòng ăn) bị lật.

Riêng xe ô tô tải bị lật úp xuống xuống lề đường sắt và hư hỏng nặng.

Hậu quả, vụ tai nạn đã khiến 2 người chết và 10 người bị thương. Trong đó 2 người chết là anh Nguyễn Thế Hùng (SN 1976, ở quận Long Biên, TP. Hà Nội) và anh Nguyễn Xuân Đệ (SN 1985 ở tỉnh Hưng Yên), đều là nhân viên lái tàu thuộc Công ty đầu máy Hà Nội. Lái xe tải là anh Hồ Sỹ Nam (SN 1984, trú tại phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) và 9 người khác bị thương.

Chia sẻ