Lao động quay lại làm việc sẽ được hỗ trợ tiền nhà trong 3 tháng với mức cao gấp đôi
Một trong những giải pháp được Bộ LĐ-TB-XH đưa ra nhằm phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới là hỗ trợ nhà ở cho người lao động. Theo đó, lao động đang ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp và lao động trở lại thị trường lao động đều được hỗ trợ 3 tháng tiền nhà.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), làn sóng đại dịch COVID-19 từ một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đã trở thành cuộc khủng hoảng xã hội và việc làm, tình trạng thâm hụt việc làm và bất bình đẳng đã khiến sinh kế của hàng trăm triệu người lao động bị đảo lộn, hầu hết các quốc gia đều phải gánh chịu mức sụt giảm việc làm và thu nhập ở mức "nghiêm trọng, làm gia tăng bất bình đẳng hiện hữu và tạo nguy cơ để lại "vết sẹo" lâu dài đối với người lao động và doanh nghiệp".
Ở Việt Nam, đợt dịch thứ 4, từ 27/4, kéo dài tới nay đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và đời sống của người lao động. Nhiều con số thống kê cho thấy mức độ "tàn phá" khốc liệt của đại dịch.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, nửa đầu năm 2021, cả nước đã có 12,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm 2020, đến quý 3/2021 con số này tăng lên 28,2 triệu người. Có 4,7 triệu người bị mất việc làm, 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 18,9 triệu lao động giảm thu nhập. Số người có việc làm giảm gần 2,7 triệu.
Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, cao nhất 10 năm qua. Tại khu vực thành thị là các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, nơi sử dụng nhiều lao động, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, tỷ lệ người thất nghiệp đã lên tới mức kỷ lục của khu vực thành thị là 5,54%.
Việc phục hồi thị trường lao động, đảm bảo việc làm cho người lao động là nhiệm vụ cấp thiết trong năm mới 2022. Nói về những giải pháp khắc phục những đứt gãy của thị trường lao động trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong chương trình phục hồi kinh tế-xã hội thì phục hồi xã hội, nhất là vấn đề an sinh được coi là một trong 5 nội dung quan trọng. Trong phục hồi an sinh, nhiệm vụ được quan tâm nhất là phục hồi thị trường lao động.
Để phục hồi thị trường lao động cần phải tập trung thực hiện 5 chính sách hỗ trợ gồm cho người lao động vay vốn để phát triển sản xuất, với mức vay có thể tới hàng trăm triệu đồng. Thứ hai là triển khai gói 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền mặt cho người lao động, với 2 nhóm đối tượng khác nhau.
Với người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm sẽ được hỗ trợ tiền mặt trong 3 tháng. Đối với người lao động quay lại thị trường thì cũng sẽ hỗ trợ tiền nhà trong 3 tháng nhưng mức cao gấp đôi.
Chính sách hỗ trợ thứ ba được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội sử dụng một khoản tiền lớn nhất từ trước tới nay để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây dựng ký túc xá, nhà ở cho công nhân mua hoặc thuê với mức lãi suất rất thấp. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước cũng sẽ trích một khoản để cho công nhân vay lãi suất thấp mua nhà với giá rẻ. Đây là giải pháp đảm bảo sàn an sinh tối thiểu về nhà ở cho công nhân. Nội dung thứ tư là sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn không có lãi suất để trả lương cho người lao động cho đến hết 31/3. Thứ năm là tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động theo gói hỗ trợ trị giá 7.500 tỷ đồng hiện nay đã được cung cấp.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng cho rằng, ngoài những giải pháp hỗ trợ tức thì, muốn thị trường lao động ổn định, việc đầu tiên cần làm là đổi mới căn bản giáo dục nghề nghiệp. Theo đó phải tập trung hình thành một hệ thống cung-cầu lao động và đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên.
"Hiện nay, chúng ta có 70% lao động qua đào tạo nhưng chỉ có 24,5% có chứng chỉ bằng cấp. Để đảm bảo nguồn nhân lực phát triển đất nước thì đào tạo nghề chất lượng cao phải là một mũi nhọn. Vì thế, từ năm 2022 trở đi phải tập trung xây dựng nền móng để đào tạo nghề chất lượng cao.
Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai của ngành trong năm nay chính là phải xây dựng được một hệ thống an sinh hướng tới mọi người dân đều được tham gia và thụ hưởng các chính sách. Chúng ta phải xây dựng được mạng lưới an sinh vừa rộng lớn, vừa bao phủ, vừa bền vững và mạng lưới an sinh này phải thực hiện được 3 mục tiêu: Phòng ngừa, giảm thiểu và ngăn chặn các rủi ro cho người lao động và người dân", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết./.